THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:32

Việt hóa kịch bản nước ngoài: Phim Việt gây sốt nhờ sự sáng tạo

 

Ở dòng phim giải trí, chiếu vào giờ vàng trên sóng VTV1, Sống chung với mẹ chồng mặc dù đã kết thúc nhưng đã để lại nhiều dư âm. Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của tác giả Giả Hiểu, Trung Quốc, bộ phim  lấy mâu thuẫn giữa mẹ chồng - con dâu làm nền tảng phát triển câu chuyện, xoay quanh hai nhân vật là bà mẹ chồng (bà Phương) và cô con dâu (Minh Vân). Khai thác mâu thuẫn về các mối quan hệ trong gia đình, nhất là mối quan hệ mẹ chồng- nàng dâu, vốn được xem như nước với lửa, bộ phim đã thu hút được sự quan tâm của hàng triệu khán giả, nhất là những khán giả nữ.

 

Sống chung với mẹ chồng- thành công khi khai thác mỗi quan hệ giữa mẹ chồng- nàng dâu


Bên cạnh dàn diễn viên đẹp, có nghề thì một trong những yếu tố mang lại sự thành công cho bộ phim chính là kịch bản. Mặc dù là kịch bản của nước ngoài nhưng những người làm phim đã không bê nguyên những tình tiết trong cuốn sách lên màn ảnh. Những khác biệt về văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được thay đổi hợp lý hơn, nhân văn hơn và phù hợp với văn hóa Việt hơn. Chính vì thế, kết thúc có hậu của bộ phim cũng khiến khán giả cảm thấy hài lòng hơn so với kịch bản gốc.

Ở dòng phim chính luận, Người phán xử đang được chiếu trên VTV3 cũng hấp dẫn không kém. So với Sống chung với mẹ chồng có vẻ hơi đuối khi bước vào những tập cuối thì Người phán xử lại ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Người phán xử hiện đang nằm trong danh sách 5 chương trình truyền hình có lượng người theo dõi cao nhất ngay khi phim vừa ra mắt. Âm mưu tranh đoạt của các ông trùm trong thế giới ngầm không phải là đề tài mới đối với dòng phim truyền hình Việt Nam nhưng đến Người phán xử người xem mới thật sự cảm thấy mãn nhãn. Bộ phim xoay quanh cuộc đời và các mối quan hệ của ông trùm thế giới ngầm Phan Quân - người đứng đầu tập đoàn Phan Thị. Tập đoàn này là vỏ bọc để Phan Quân và tay chân thực hiện những vụ phi pháp, cũng như đối đầu kẻ thù bên ngoài...

Không đơn thuần xây dựng nhân vật theo kiểu một chiều, “công an là người tốt, xã hội đen là xấu” như nhiều kịch bản của những bộ phim trước đây, cũng không đơn thuần là tường thuật lại những vụ án,  Người phán xử đào sâu vào nội tâm nhân vật, xây dựng nhân vật đa tính cách và nhiều chiều, điều đó khiến bộ phim sinh động hơn và “đời” hơn. Kịch bản vốn là một trong những khâu yếu của phim truyền hình Việt Nam nên không ngạc nhiên khi kịch bản của bộ phim khá thành công này cũng là kịch bản được việt hóa dựa trên kịch bản phim The Arbitrator của Israel . Đương nhiên, khi về Việt Nam, nó đã được Việt hóa tới 60%, cắt bỏ bớt những cảnh bạo lực và cảnh nóng so với nguyên gốc cho phù hợp.

Khi đề cập đến thành công của bộ phim, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim Đài truyền hình Việt Nam  đã dành khá nhiều  lời khen cho đội ngũ biên kịch  của  Người phán xử. Theo anh, ai đã xem Người phán xử phiên bản gốc có thể thấy sự  sáng tạo của biên kịch, biên tập Việt.

 

Người phán xử thành công với cách xây dựng nhân vật nhiều chiều, đa tính cách


Đương nhiên, để một bộ phim thành công còn có nhiều yếu tố khác như đội ngũ sản xuất, diễn viên, công nghệ làm phim, kể cả tiền bạc đầu tư cho việc làm phim và cho công tác quảng bá, truyền thông. Nhưng  yếu tố đầu tiên và then chốt vẫn là kịch bản.  Không có kịch bản hay thì khó có thể có một bộ phim hay. Thời gian gần đây, Trung tâm sản xuất phim truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn về tư duy  khi kết hợp với nước ngoài để sản xuất phim truyền hình. Và họ đã ít nhiều thành công với một số bộ phim truyền hình được Việt hóa từ kịch bản nước ngoài thời gian gần đây như :Tuổi thanh xuân; Zip-pô, mù tạt và em;  Sống chung với mẹ chồng; Người phán xử. Việc kết hợp làm phim với nước ngoài và sử dụng kịch bản được Việt hóa giúp đạo diễn phim Việt có tư duy làm phim mới, với tiết tấu nhanh, hấp dẫn hơn, không rườm rà như ngày xưa. Mạch của cả phim được đẩy mạnh với nhiều tình tiết nhanh, gọn, dứt khoát và gay cấn.

Đương nhiên, vẫn còn một số điểm hạn chế nhưng trong bối cảnh khi mà nguồn kịch bản trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng thì thành công của những bộ phim truyền hình có kịch bản được  Việt hóa từ những tác phẩm văn học hoặc kịch bản phim của nước ngoài cũng mở ra một hướng đi mới cho phim truyền hình Việt Nam, góp phần thay đổi khẩu vị cho người xem trong lĩnh vực giải trí.

NGUYỆT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh