Định hướng nghiên cứu khoa học ngành LĐ-TB&XH giai đoạn 2024 – 2025:
“Viện KHLĐXH là đơn vị tiên phong nghiên cứu các chính sách phát triển bền vững”
- Dược liệu
- 06:10 - 13/02/2023
Cùng tham dự Hội thảo có Ts. Nguyễn Hải Hữu (Nguyên Cục trưởng Cục chăm sóc và bảo vệ trẻ em) và đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ như: Văn phòng Bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Bình đẳng giới, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Cục Việc làm Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Thông tin, …
Hội thảo nhằm thảo luận, đánh giá nâng cao chất lượng trong công tác nghiên cứu, đồng thời đưa ra những định hướng nghiên cứu trọng tâm, cốt lõi, bám sát theo thực tiễn trong các đơn vị thuộc Bộ thời gian tới.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đánh giá: “Thời gian qua, ngành và LĐ-TB&XH đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó. Trong đó, điểm nhấn là việc trình Chính phủ các Bộ luật, Luật, Nghị định và nhiều văn bản nghiên cứu quan trọng khác”.
Định hướng tới năm 2025, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH lưu ý Viện KHLĐXH cần bám sát vào Nghị quyết của Trung ương để đưa ra các nhiệm vụ nghiên cứu trọng tâm, mang tính chiến lược và tập trung vào lĩnh vực người có công. Viện nên xác định những vấn đề nghiên cứu về đối tượng, phạm vi, tác động xã hội đối với người có công với đất nước trong thời gian từ 5 năm đến 10 năm tới....
Trong lĩnh vực lao động, Viện KHLĐXH nên phối hợp cùng các đơn vị liên quan thuộc Bộ nghiên cứu, chứng minh sự cần thiết của Quỹ hỗ trợ việc làm và phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại; nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề nhằm nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng nguồn lực lượng lao động; nghiên cứu, thiết kế hệ thống giám sát, kiểm định chất lượng đạt chuẩn, chính xác và khách quan, các cấp độ đào tạo được công bố hằng năm để người học có cơ sở chọn lựa phù hợp.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng nhấn mạnh, Viện KHLĐXH cần nghiên cứu, đưa ra những định hướng giúp cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội toàn dân theo sâu sắc, cụ thể và đi trước một bước. Đồng thời nghiên cứu về già hóa dân số đang gia tăng, đưa ra những vấn đề cơ sở để hình thành chính sách hỗ trợ đào tạo lại nghề cho người cao tuổi sau hưu, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, khích lệ tham gia vào phát triển xã hội, hỗ trợ cho người cao tuổi trong gia đình hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe nội trú - ngoại trú - bán trú.
Đặc biệt, thời gian tới, Viện KHLĐXH sẽ là đơn vị tiên phong nghiên cứu làm rõ nội hàm, khái niệm, phạm vi của các chính sách phát triển bền vững, bao trùm, toàn diện, hài hòa theo chủ trương chung của Liên Hợp Quốc. Từ đó, mở ra các nghiên cứu chính sách về kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế sạch, xã hội số.
Báo cáo tại Hội thảo, Viện trưởng Viện KHLĐXH Bùi Tôn Hiến cho biết, giai đoạn từ năm 2014 - 2023, Bộ LĐTBXH đã có 270 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, trong đó có 13 chương trình trọng điểm cấp Bộ và 02 đề án khoa học.
Nhìn chung, các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào nhiều lĩnh vực như: lao động - việc làm; giáo dục nghề nghiệp; xã hội; quản lý; kỹ thuật và công nghệ. Công tác nghiên cứu khoa học đã bám sát nhiệm vụ của ngành, cung cấp kịp thời luận cứ khoa học để đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo sự công bằng xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, và phát triển kinh tế, xã hội.
Các kết quả nghiên cứu khoa học đã đóng góp quan trọng cho việc xây dựng nhiều dự án Luật lớn của ngành, nhiều đề án, Nghị quyết có tác động sâu rộng nhiều đối tượng và có ảnh hưởng đến các mặt kinh tế, chính trị, xã hội trình Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Nhiều sản phẩm nghiên cứu có ý nghĩa tổng kết thực tiễn và lý luận cao, gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn, gắn kết quả nghiên cứu với địa chỉ ứng dụng, cung cấp kịp thời cơ sở lý luận và bằng chứng thực tiễn phục vụ việc đánh giá và hoạch định chính sách, xây dựng thể chế.
Cũng theo Viện trưởng Bùi Tôn Hiến, định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ chủ yếu của ngành LĐTBXH giai đoạn 2024 - 2025 sẽ có 05 định hướng chủ yếu, cụ thể: (1) Nghiên cứu và dự báo các xu hướng phát triển tác động đến các lĩnh vực của ngành; (2) Tập trung nghiên cứu lĩnh vực lao động - việc làm; (3) Tập trung nghiên cứu lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; (4) Tập trung nghiên cứu lĩnh vực an sinh xã hội; (5) Nghiên cứu bổ sung một số lĩnh vực khác.