THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:31

Việc làm vì một Tương lai tươi sáng hơn: Việt Nam đăng cai ILC 109

Bộ trưởng  Bộ LĐ -TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp toàn thể của ILO. Ảnh: TTXVN tại Châu Âu

 

Việt Nam đặc biệt coi trọng hợp tác với ILO

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao và ủng hộ Sáng kiến của ILO “Việc làm vì một Tương lai tươi sáng hơn”, do Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder phát động. 

“Chính phủ Việt Nam rất coi trọng sự hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật của ILO, đặc biệt là trong các lĩnh vực cải cách pháp luật lao động, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội và cải cách tiền lương, thực hiện các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế, cũng như các nỗ lực hướng tới phê chuẩn các công ước cơ bản và công ước kỹ thuật chủ chốt của ILO và việc triển khai các công ước này khi đã phê chuẩn”.

 

 

Bộ trưởng  Bộ LĐ -TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp toàn thể của ILO. Ảnh: TTXVN tại Châu Âu

 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong 100 năm qua, các Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động trên toàn thế giới đã cùng nhau tập hợp trong ILO trên cơ sở niềm tin vững chắc rằng nền hòa bình rộng khắp và bền vững phụ thuộc vào công bằng xã hội.

“Đối với Việt Nam, chúng tôi còn kỷ niệm 100 năm đồng hành với ILO và ở hành trình đó - những người sáng lập ILO và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng chung lý tưởng nhằm đảm bảo việc làm thỏa đáng và mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu và cho biết, ngày 14/6/2019, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể với một tỉ lệ ủng hộ áp đảo.

Chính phủ và các đối tác xã hội của Việt Nam đang trong quá trình thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật Lao động để phù hợp với những thách thức mới của thị trường lao động, đồng thời phù hợp với Tuyên bố của ILO về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong công việc. Việt Nam cũng đang tiến hành các cải cách sâu rộng về hệ thống bảo hiểm xã hội và chính sách tiền lương để hướng tới quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

 

Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 108 do ILO tổ chức  Ảnh: TTXVN tại Châu Âu


 *Đảm bảo không để người lao động nào bị bỏ lại phía sau

Hiện, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng kỹ thuật số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, tác động tới mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Bối cảnh đó, hứa hẹn cơ hội mới không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho hầu hết người dân thông qua tiềm năng to lớn trong việc nâng cao năng suất,

“Tuy nhiên, một số thay đổi có thể mang lại những lợi ích to lớn, nhưng phía sau đó, nhiều người có thể bị bỏ lại phía sau”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh và cho rằng, cần thường xuyên nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động và chủ doanh nghiệp, đó không chỉ là một lựa chọn, mà là nhiệm vụ bắt buộc.

Với Việt Nam, Chính phủ luôn ưu tiên đảm bảo quyền của người lao động tại nơi làm việc dưới tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy việc làm thỏa đáng và bền vững bằng những cách tiếp cận mới để cải thiện chất lượng đời sống lao động, hướng tới xây dựng một tương lai với an ninh kinh tế, cơ hội bình đẳng và công bằng xã hội.

“Việt Nam ủng hộ ILO thông qua một Tuyên bố thế kỷ nhân kỷ niệm 100 năm ILO với nội dung: thực hiện hiệu quả việc học tập suốt đời và giáo dục chất lượng cho mọi người; an sinh xã hội đầy đủ và bền vững; tôn trọng các quyền cơ bản của người lao động; mức lương đủ sống; hạn chế số giờ làm việc tối đa; an toàn - vệ sinh lao động tại nơi làm việc; khả năng đạt được cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

 

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có cuộc làm việc với bà Deborah Greenfield, Phó Tổng Giám đốc ILO. Ảnh: TTXVN tại Châu Âu.

 

 Việt Nam đưa ra cam kết sẽ làm hết sức mình để thực hiện tốt nghĩa vụ thành viên, tiếp tục duy trì và phát huy mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa ILO và các đối tác ba bên tại Việt Nam. Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung sửa đổi hệ thống pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và chính sách tiền lương, hướng tới đảm bảo việc làm bền vững cho tất cả mọi người, phù hợp với những thách thức mới của thị trường lao động, đồng thời phù hợp với Tuyên bố của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong công việc.

Tại ILC108, các đoàn đại biểu tập trung thảo luận về tương lai của việc làm và phản ứng chính sách toàn cầu trước những thách thức của toàn cầu hóa, già hóa dân số và công nghệ đột phá dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0; chia sẻ và trao đổi những bài học và kinh nghiệm về chính sách, pháp luật, về thực tiễn thi hành, về hợp tác ba bên nhằm giải quyết những thách thức của tương lai việc làm….

 

 

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung và Phó Tổng giám đốc ILO, bà Deborah Greenfield, gặp gỡ bên lề Hội nghị. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)

Bên cạnh các phiên họp chính thức tại ILC 108, đoàn Việt Nam đã có  cuộc làm việc với bà Deborah Greenfield, Phó Tổng giám đốc ILO.Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu các ưu tiên hợp tác với ILO trong những năm tới, bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi để Quốc hội thông qua. Đồng thời, chuẩn bị xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện. Bộ trưởng cũng đề nghị tăng cường hỗ trợ cho các cơ chế thực thi pháp luật; nâng cao năng lực cho các đối tác ba bên; hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu phê chuẩn Công ước 105, nội luật hóa Công ước 98 và các Công ước đã phê chuẩn, cải cách chính sách bảo hiểm, đổi mới quan hệ lao động thông qua hỗ trợ hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia, xây dựng và thực hiện hệ thống gắn kết chính sách tiền lương quốc gia và quan hệ lao động; phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung vào phát triển thị trường lao động và đào tạo các kỹ năng mới, gắn kết cung và cầu trong thị trường lao động, hướng tới việc làm xanh và bền vững…

 

 

Đoàn đại biểu Việt Nam cũng đã tiến hành đối thoại lao động thường niên năm 2019 với Thụy Sĩ, có các buổi làm việc với Giám đốc Chương trình Better Work toàn cầu; gặp song phương và Ký biên bản Ghi nhớ hợp tác về giúp việc gia đình với các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất; và gặp song phương Lào, Cuba …  nhằm duy trì và phát triển hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác về đối thoại xã hội, thị trường lao động, bảo hiểm xã hội, thúc đẩy việc làm bền vững, bình đẳng giới, bảo vệ lao động di cư….

Tại bữa ăn sáng kết hợp làm việc với Bộ trưởng Lao động các nước ASEAN, trong vai trò là Chủ tịch nước chủ nhà ASEAN năm 2020, đồng thời chủ trì hoạt động này tại  ILC 109, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ: “ Chúng tôi mong muốn được đón tiếp Bộ trưởng Lao động các nước ASEAN và Ngài Tổng Giám đốc ILO tới Việt Nam nhằm thảo luận về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó thúc đẩy tính cạnh tranh và năng suất của lực lượng lao động trong khu vực trong bối cảnh mới. Việt Nam rất vinh hạnh là nước chủ trì buổi ăn sáng làm việc Bộ trưởng Lao động các nước ASEAN vào năm tới, bên lề Hội nghị ILC 109”.

Tin từ Đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH từ Geneva (Thụy Sĩ)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh