THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:06

Việc chặt hạ, thay thế cây xanh là thiếu minh bạch

Lại rút kiểm điểm, rút kinh nghiệm

 Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội cho hay, thành phố luôn luôn lắng nghe ý kiến, cầu thị, cũng như tiếp thu ý kiến của người dân, cũng như các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước trong việc xây dựng thủ đô.

Hàng loạt cây xanh trên đường Trần Duy Hưng bị chặt bỏ mặc dù không bị sâu mọt, cong vênh

Trước đây UBND TP đã có những quyết định đúng đắn như dừng việc mở bãi đỗ xe tại công viên thống nhất, tu bổ các vườn hoa, tuyến phố… trên địa bàn thành phố, được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. “Tuy nhiên, việc triển khai chặt hạ cây xanh là thiếu minh bạch, thiếu thông tin”, đã gây ra sự bức xúc trong dư luận – ông Hùng nói.

Trong thông báo của chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, việc bảo tồn, cải tạo chỉnh trang, bổ sung và thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn Thủ đô là một chủ trương đúng đắn, việc làm cần thiết và hệ trọng, không chỉ trong công tác quản lý, phát triển đô thị mà còn thể hiện mong muốn, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Trong thông báo của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo kết luận: Cây xanh đô thị có ý nghĩa đặc biệt đối với Thủ đô, ngay sau khi Quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt, UBND Thành phố đã lập Quy hoạch hệ thống công viên cây xanh Thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, trình HĐND Thành phố quyết nghị thông qua. Nhiều vườn hoa, công viên, cây xanh được tu bổ, đầu tư xây dựng mới.

Thực hiện Quy hoạch và chương trình chỉnh trang đô thị, Sở Xây dựng đã lập Đề án cải tạo, bổ sung và trồng thay thế cây xanh đô thị trên một số tuyến phố. Trong đó đã tổng hợp, đánh giá xác định và phân loại những cây phải thay thế; lên kế hoạch, lộ trình thực hiện trong thời gian 3 năm. 

Từ tháng 11/2014 đến nay, Sở Xây dựng đã và đang triển khai việc thay thế hơn 500 cây xanh trên 7 tuyến phố, nguồn kinh phí do các tổ chức và cá nhân tài trợ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện do công tác thông tin không kịp thời, đầy đủ, các đơn vị thực hiện hạ chuyển và thay thế hàng loạt cây trên một số tuyến phố, công luận, dư luận phản ảnh nhiều chiều, gây bức xúc xã hội.

Trước tình hình đó, sau khi kiểm tra thực tế tình hình, lắng nghe ý kiến công luận, phản ánh, kiến nghị của nhân dân, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện thị xã và các đơn vị liên quan dừng việc chặt hạ, thay thế cây trên một số tuyến phố và quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo đúng quy định. 

Những cây đã hạ chuyển thì trồng ngay cây thay thế theo quy hoạch và tiến hành chăm sóc, quản lý theo phân cấp và quy định; hoàn thiện hè đường, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Chỉ thay thế những cây có nguy cơ đổ gẫy ảnh hưởng đến giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Ông Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại những cây phải hạ chuyển, bổ sung, thay thế, lập kế hoạch lộ trình thực hiện từng bước, đảm bảo duy trì mật độ xanh thường xuyên liên tục cho từng tuyến phố. 

Người dân phản đối việc chặt cây xanh

Đối với những cây cong nghiêng, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và những cây không đúngb chủng loại cây đô thị  thực hiện chỉnh trang thay thế từng bước; chỉ thay thế những cây không thể chỉnh trang và duy trì được. Việc chỉnh trang trồng bổ sung thay thế cây xanh đô thị phải thực hiện theo đúng quy trình quy định, đòng thời thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch và tiếp thu ý kiến đóng góp của chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện.

Theo đó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở xây dựng và các đơn vị liên quan phải kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện thời gian vừa qua.

 Không lợi ích nhóm, nhưng… né báo chí

Người ta nói đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Biết sai, biết sửa là điều rất đáng khen. Tuy nhiên, trong cuộc họp chiều 20/3, trước câu hỏi của hàng chục phóng viên đến từ các cơ quan báo đài liên quan đến việc đốn hạ cây xanh, rất cần được làm sáng tỏ, nhưng đều không nhận được câu trả lời từ ông Nguyễn Quốc Hùng, khiến nhiều phóng viên có mặt rất thất vọng.

Trong buổi họp báo, đại diện UBND TP Hà Nội nhận được hơn 20 ý kiến khác nhau yêu cầu làm rõ những vấn đề đằng sau việc chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh. Đặc biệt, nhiều phóng viện quan tâm đến thời điểm này bao nhiêu cây xanh trên các tuyến phố Hà Nội bị chặt hạ, kinh phí bao nhiêu?, đơn vị nào được giao việc khảo sát?, Số lượng gỗ, củi cây cổ thụ có khối lượng gỗ lớn bị chặt hạ được sử dụng như thế nào?, ai là người phải chịu trách nhiệm?,... thế nhưng ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ tập trung vào việc cảm ơn dư luận đã quan tâm đến những vấn đề của Hà Nội, và tiếp thu đầy đủ ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học. 

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng thông tin cho báo chí

“Hệ thống cây xanh là di sản được ông cha để lại, do vậy ứng xử với hệ thống cây xanh ở Hà Nội có cả hệ thống pháp luật, được xây dựng từ nhiều thời kỳ qua. Việc chặt hạ, thay thế cây xanh hoàn toàn không có gì mờ ám, tiêu cực, tham nhũng hay lợi ích nhóm. Đồng thời nhận những thiếu sót trong việc chặt hạ, thay thế cây xanh” - ông Hùng cho biết.

Việc chặt hạ hàng loạt cây xanh trên một số tuyến phố vừa qua có thể nói là việc rất đáng tiếc. Điều đáng nói ở dây, không chỉ có cây cong, cây sâu bệnh, mà hàng trăm cây xanh còn khỏe mạnh, xanh tốt trên nhiều tuyến phố như Lê Duẩn, Quang Trung, Nguyễn Chí Thanh... đã bị chặt bỏ, mà không hề có cơ quan nào đánh giá về tác động môi trường.

Điều rõ ràng nhất có thể nhận thấy bằng mắt thường, đó là trên những tuyến phố có cây xanh bị chặt hạ, một khoảng không vô cùng trống trải, mà bao quanh nhìn đâu đâu cũng chỉ thấy nhà cao tầng, khiến cho nhiều người có cảm giác như đi lạc, chứ không phải là hình ảnh thủ đô thân thiện như trước đây. Trên những đoạn phố bị chặt trụi cây, mới chỉ có mấy ngày nhiệt độ lên cao đã khiến cái nắng nóng oi bức, chói chang phả thẳng vào mặt thì không ai có thể nói là dễ chịu.

Hàng loạt cây xanh trên nhiều tuyến đang bị chặt hạ là những cây có tuổi đời hàng chục năm tuổi, đặc biệt là xà cừ, với nhiều cây có đường kính rất lớn, thì việc để có được tán cây, và độ che phủ bóng mát như hiện nay phải khẳng định phải mất hàng chục năm. Điều này đồng nghĩa là trong một thời gian rất dài tới đây, trên nhiều tuyến phố sẽ không còn độ che phủ cậy xanh, và sự tác động xấu của thời tiết chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi.

Việc chặt hạ cây xanh được đại diện thành phố cho rằng “hầu hết nhân dân các khu vực có cây thay thế đồng thuận, ủng hộ”. Thế nhưng không biết người dân ở đây là ai?, vì những ngày qua, trên nhiều diễn đàn cũng như các cơ quan báo chí, hầu như phần lớn người dân phản đối việc chặt cây, vì cây xanh không chỉ là bóng mát mà còn nằm trong hệ sinh thái đô thị nên không thể ào ào chặt hạ như vậy. Mặt khác, những người tham gia khảo sát, báo cáo để đi đến quyết định chặt hạ hàng nghìn cây liệu có vấn đề hay không?.

Có thể thấy rằng trong thời điểm dư luận đang sục sôi vì hàng nghìn cây xanh bị đốn hạ, thì quyết định dừng việc chặt hạ cây của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo là vô cùng sáng suốt, được người dân đồng tình, ủng hộ. Qua đó cũng cho thấy cây xanh quan trọng như thế nào đối với không những người dân thủ đô, mà rất nhiều người dân trên khắp cả nước, cũng như quốc tế. Việc chặt hạ, thay thế cây xanh phải có kế hoạch cụ thể, công khai, minh bạch, đánh giá được những tác động tiêu cực của môi trường, đảm bảo không gian xanh của người dân, cũng như bản sắc văn hóa, truyền thống… của thủ đô Hà Nội.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, khảo sát trên 190 tuyến phố của 10 quận có khoảng 29.638 cây xanh đường phố, trong đó 6.700 cây  không đúng chủng loại cây đô thị, cây cong, nghiêng, nguy hiểm, cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị cần thay thế. Theo kế hoạch trong năm 2015 sẽ chặt hạ, thay thế 3.200 cây các loại. Trước mắt, 17 tuyến phố thuộc 4 quận nội thành Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa,, Hoàn Kiếm sẽ thực hiện thay thế cây xanh đầu tiên, tổng số cây chặt hạ là 787 cây, tổng số cây trồng thay thế, bổ sung vào vị trí trống là 842 cây. Trong đó tuyến phố cây chặt hạ nhiều là: Lý Thường Kiệt 170 cây, Phố Huế 117 cây, Nguyễn Chí Thanh 96 cây. Riêng tuyến đường đẹp nhất thủ đô – đường Nguyễn Chí Thanh hiện có 381 cây bóng mát thuộc 15 loại, chủ yếu là cây sữa (228 cây), keo (81 cây). Một số cây được đánh giá là không thuộc loại cây đô thị như bàng, roi, sung, xoài... Các loại cây này được Sở Xây dựng thay thế toàn bộ bằng 381 cây vàng tâm – một loại cây được xem là rất quý và khó trồng.

Chu Lương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh