Vì sao tử tù Trần Văn Thêm phải chờ hơn 40 năm để được xin lỗi?
- Tây Y
- 16:41 - 12/08/2016
Lật lại vụ án
Năm 1970, ông Trần Văn Thêm (SN 1936, ở Yên Phong, Bắc Ninh) bị cáo buộc đã giết em họ là Nguyễn Khắc Văn để cướp tài sản. Cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên ông Thêm mức án tử hình.
Sau hơn 5 năm ông Thêm phải ngồi tù, khi hung thủ thực sự bị bắt, đến năm 1976. Được ra tù, ông Thêm bắt đầu hành trình đi kêu oan của mình.
Ông Thêm trong ngày được công khai xin lỗi
Theo ông Thêm, trong suốt thời gian đó, ông nhận được rất nhiều trả lời của các cơ quan tố tụng rằng: "Vụ án xảy ra năm 1970, trong thời kỳ đang chiến tranh, phải đi sơ tán nhiều nơi, do vậy hồ sơ các vụ án thời kỳ này đã bị thất lạc" và "nếu ông bị oan sai thì phải có tài liệu chứng minh để được chánh án TAND Tối cao hoặc Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị để Ủy ban thẩm phán - TAND Tối cao xét xử theo trình tự giám đốc thẩm".
Tại buổi xin lỗi công khai ông Trần Văn Thêm ngày 11/8, đại diện Bộ Công an và đại diện TAND Tối cao đã thông tin: Chiều 23/7/1970, ông Thêm và ông Văn rủ nhau đi chợ Vè (ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú, cũ) để buôn trám.
Khi đến khu vực cầu Diện, cách chợ Vè khoảng 40km thì trời tối. Xin vào nhà dân ngủ nhờ không được, ông Thêm và em họ nghỉ lại một lều cắt tóc ven đường.
Khoảng 0h ngày 24/7/1970, xảy ra vụ việc, ông Thêm bị đánh vào đầu, còn ông Văn cũng bị đánh vỡ xương hộp sọ. Cả hai được đưa vào bệnh viện Tam Dương cấp cứu. Ông Văn tử vong vào lúc 18h cùng ngày.
Công an huyện Tam Dương đã khám nghiệm hiện trường, tiến hành điều tra vụ án, bắt giam ông Trần Văn Thêm. Đến ngày 27/7/1970, ông Trần Văn Thêm nhận tội giết em họ của mình.
Sau đó, Công an huyện Tam Dương chuyển hồ sơ vụ án và bị can Trần Văn Thêm lên Ty Công an Vĩnh Phú (cũ) để điều tra, truy tố ông Trần Văn Thêm về tội Giết người. Trong quá trình điều tra, có lúc ông thêm nhận tội giết ông Văn, có lúc lại phản cung không nhận tội.
Ngày 19/9/1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Trần Văn Thêm tử hình về tội giết người, cướp của. Ngày 26/6/1974, Tòa Phúc thẩm, Tòa án Nhân dân Tối cao mở phiên tòa phúc thẩm. Bản án phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Thêm tội tử hình.
Theo tài liệu thu thập sau đó thì Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), VKS Nhân dân Tối cao có kiến nghị lên TAND Tối cao.
Đến ngày 23/5/1975, Ủy ban Thẩm phán của TAND Tối cao đã xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm và quyết định hủy hai bản án nói trên giao TAND tỉnh Vĩnh Phú xét xử lại.
Người bị hại bị đổ oan là kẻ sát nhân
Quá trình điều tra lại, Ty Công an Vĩnh Phú (cũ) dưới sự chỉ đạo của Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã xác định được đối tượng giết ông Văn không phải là ông Trần Văn Thêm. Ông Thêm cũng là bị hại trong vụ án. Ngày 26/1/1976, ông Thêm được trả tự do.
Đối với đối tượng giết ông Nguyễn Khắc Văn, Ty Công an Vĩnh Phú (cũ) đã xác định chính xác và đối tượng đã nhận tội. Nhưng do các quy định của pháp luật trong bối cảnh lịch sử có chiến tranh và mới hòa bình nên còn bất cập nên chưa đưa ra xét xử được.
Khoảng năm 1980 đến năm 1984, đối tượng giết ông Văn đã chết. Đây cũng nguyên nhân khiến vụ án bị kéo dài.
Sau khi được trả tự do nhiều năm, đến năm 1997, ông Thêm có đơn đề nghị TAND Tối cao và VKSND Tối cao xem xét lại vụ án. Ngày 6/12/2004, ông Thêm tiếp tục có đơn giải quyết bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Cùng với đó là giấy chứng nhận bị thương mất sức lao động. Ngoài ra không có giấy tờ gì khác
Đại diện TAND Tối cao cho hay, theo quy định, ông Thêm phải có giấy tờ chứng minh để giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã rà soát chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án của ông Thêm. Do hoàn cảnh lịch sử, một số tài liệu vụ án không còn. Năm 2015, cơ quan chức năng đã thu thập được một số tài liệu cơ bản liên quan.
Đến ngày 13/4 liên ngành tư pháp TƯ họp và đến ngày 8/8, cơ quan CSĐT, Bộ Công an có kết luận: Kết quả điều tra cho thấy ông Thêm không thực hiện hành vi phạm tội nên có quyết định đình chỉ điều tra đối với ông thêm.
Đại diện TAND Tối cao khẳng định: Căn cứ vào quyết định đình chỉ điều tra, có cơ sở pháp lý xác định ông Thêm không phạm tội.