CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:05

Vì sao những người có học vấn càng cao khả năng ly hôn càng lớn?

 

Những người có trình độ học thức cao thường không nặng nề việc chia tay

 

Theo nghiên cứu vừa thực hiện năm 2018 của Viện nghiên cứu phát triển Mekong (Hà Nội) với 1.400 người từ 18 tuổi trở lên ở khắp các tỉnh thành trong nước thì có tới hơn 50% số người có trình độ tiểu học coi việc ly hôn là sai trái, số còn lại hầu n​hư không ai tốt nghiệp sau đại học nghĩ như vậy.

Nghiên cứu cho thấy có khoảng 21% số người được khảo sát cho rằng ly dị là không sai trái trong khi có đến 40% nói ngược lại. Những người càng có trình độ học vấn cao thì càng coi chuyện ly dị là bình thường.

Nhóm phản đối ly hôn nằm ở những người cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên), người có trình độ văn hóa thấp, và người có thu nhập thấp (dưới 5 triệu đồng/tháng).

Thông thường, người miền Bắc có quan niệm ly hôn nặng nề hơn so với người miền Trung và miền Nam. Người thành thị cũng nhìn nhận chuyện vợ chồng chia tay nhẹ nhàng hơn so với người nông thôn. Hầu như những người có trình độ sau đại học không ai coi chuyện ly hôn là sai trái.

Cũng từ kết quả điều tra do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện tại Hà Nội, Khánh Hòa và Tiền Giang năm 2017 với 900 mẫu khảo sát, trong đó có 438 người đã ly hôn.

Trong tổng số 438 người ly hôn, có 185 nữ và 80 nam có trình độ từ cao đẳng, đến đại học, trên đại học, trong khi đó, tỷ lệ này ở người có trình độ tiểu học với nữ chỉ là 78 người (17,8%) và nam là 24 người (5,4%). Như vậy cho thấy, những người có học vấn càng cao càng có khả năng ly hôn càng lớn.  

 

Họ thấy không hợp nhau, sống chung không còn hạnh phúc thì ly hôn.

 

Theo ông Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong, kết quả này cũng phù hợp với thực tế. Các yếu tố liên quan đến văn hóa, kinh tế, trình độ nhận thức ảnh hưởng đến quan điểm, cách nhìn nhận về ly hôn.

Trong đó, tỉ lệ những người có trình độ học thức cao không nặng nề việc chia tay. Họ thấy không hợp nhau, sống chung không còn hạnh phúc thì ly hôn.

Phân tích về nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Đức - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, có những lý do bắt đầu từ chính những biến động mang tính tích cực của xã hội hiện đại.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Đức, chính sự bình đẳng giới đã đem lại sự chủ động, độc lập về kinh tế, cũng như sự đòi hỏi đáp ứng nhu cầu cá nhân ngày càng cao khiến con người không dễ chấp nhận hoặc cam chịu dẫn đến tỷ lệ ly hôn ở các gia đình ngày càng tăng.

Nhìn vào thực tế, tỷ lệ ly hôn ở những gia đình mà vợ chồng là viên chức, trí thức, các nhân viên hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại cao hơn những gia đình công nhân, nông dân. Điều kiện kinh tế phát triển, dân trí càng cao, điều kiện tiếp xúc xã hội càng nhiều, thì sự đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu cá nhân càng lớn, và điều đó đang là một trong những nguyên nhân khiến gia đình ngày càng kém bền vững.

 

Gia đình tan vỡ, thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ

 

Bên cạnh đó, ngày nay người vợ, người phụ nữ đã dần dần khẳng định được trình độ của mình thay vì xưa kia người phụ nữ phải chấp nhận thấp kém hơn chồng. Chính vì điều đó mà họ sẵn sàng ly hôn bởi họ có lợi thế về trình độ và bằng cấp.

Trong bối cảnh đó, gia đình Việt thay đổi rất nhiều, hôn nhân dựa trên tình yêu và tự quyết ngày càng nhiều, các thành viên quan tâm nhiều hơn đến tự do cá nhân. Quan niệm về hạnh phúc của mỗi người cũng khác với đòi hỏi về hạnh phúc ngày một nhiều hơn... 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh