CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:16

Vì sao có chị em hoảng sợ tới mức phải từ bỏ xe buýt?

 

Nơi công cộng - đất sống của "dê xồm"

Còn nhớ cách đây 2 năm vào dịp  Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) mở cửa cho khách tự do vào chơi. Tại đây đã xảy ra tình trạng một số thanh niên có những hàng vi như: sờ mông, sờ ngực, lột áo các cô gái. Đáng chú ý, có cô gái bị nhiều thanh niên quay lại té nước, có hình ảnh cô gái đang cố thoát khỏi bể bơi nhưng bị “kéo tuột xuống” chới với không lên được, có cả hình ảnh một cô gái cố gắng che đậy thân thể khi chiếc bikini bị rách bươm giữa rừng nam thanh niên đang cực kỳ phấn khích xâu xúm xung quanh...

Sự đông đúc, chen lấn ở những nơi công cộng  là “cơ hội” cho những quấy rối  tình dục. Bằng nhiều “chiêu thức” khác nhau như: để lộ bộ phận sinh dục, trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức, thậm chí còn có hành vi động chạm, sờ soạng vào bộ phận nhạy cảm của nữ giới… Vấn nạn này khiến cho phương tiện công cộng vốn được cho là an toàn trở thành nơi nguy hiểm, đáng sợ của nữ giới

Nguyễn Thu Trang (sinh viên Trường Đại học Công nghệ) đã dùng đến hai từ “khiếp sợ” khi nói về xe buýt. Trang cho biết, không chỉ bị quấy rối một lần mà còn bị “làm phiền” tới hai ba lần, đến mức hoảng sợ phải từ bỏ xe buýt, chấp nhận đạp xe hàng chục cây số đến trường.

Trang kể: “Hôm đó mình đi xe buýt từ Big C Thăng Long (Hà Nội) đến trường. Xe buýt đông nghịt người, mình bị xô đẩy xuống cuối xe, lọt thỏm giữa một đám đàn ông, trẻ có, già có. Xe buýt đông, việc động chạm là không tránh khỏi, mình cũng hết sức thông cảm, cố gắng chịu đựng cho đến trường. Nhưng lúc sau tự nhiên mình thấy có vật gì đó cọ mạnh vào hông, quay lại thì thấy người đàn ông đứng ép đằng sau nhìn mình chằm chằm. Quá hoảng sợ, mình tìm mọi cách chen ra cửa bấm nút xuống xe”.

Năm 2014, Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển đã tiến hành khảo sát, thu thập ý kiến của 2.046 người từ 16 tuổi trở lên tại các địa bàn ở Hà Nội và TP. HCM về thái độ và trải nghiệm cá nhân trong vấn đề quấy rối tình dục nơi công cộng.

Kết quả khảo sát cho thấy: 10%: bị bạn tình của họ cưỡng ép tình dục; 58%: trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục và tinh thần từ người thân tại một thời điểm nào đó (đối với phụ nữ Việt Nam đã từng kết hôn); 81% phụ nữ và trẻ em gái chia sẻ họ từng bị quấy rối hơn một lần trong đời. Trong đó, 51% đã trải qua từ 2 đến 5 lần bị quấy rối; 87%: đã bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Có tới 87% phụ nữ và trẻ em từng bị quấy rối tình dục - một dạng phổ biến nhất của bạo lực tình dục - ở những mức độ khác nhau.

 

 

Định kiến giới  “dung túng” cho thủ phạm

Các hành vi quấy rối tình dục thường thấy bao gồm huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bề ngoài, nhìn chằm chằm vào một bộ phận nhạy cảm trên cơ thể và sờ mó một cách cố ý vào người đối phương… Những hành vi quấy rối ở mức độ cao hơn như tán tỉnh, quấy rối liên tục bằng tin nhắn, email, ép xem tranh ảnh khiêu dâm, chụp và phát tán ảnh cá nhân mà không được đồng ý, bị gợi ý hay ép quan hệ tình dục…

Bà Nguyễn Phương Thúy - đại diện nhóm nghiên cứu của ActionAid Việt Nam cho biết, trong số 70% người trả lời đã từng chứng kiến các vụ quấy rối, chỉ có 35% người đã giúp đỡ nạn nhân. Đáng báo động là 45% trong số người đã chứng kiến không giúp đỡ. Lý do không giúp đỡ là do sợ bị trả thù hoặc bị đánh hoặc "không phải việc của tôi".

Bà Thúy kể: “Tôi từng chứng kiến một em gái kể rằng không ai giúp em khi em bị quấy rối tình dục bằng cách sờ mó và bằng lời nói trên phố. Không ai nói hoặc làm một điều gì để giúp em. Bên cạnh đó, đa số các nạn nhân khi bị lạm dụng thường giữ im lặng, lảng tránh ra chỗ khác hoặc xuống xe ở bến tiếp theo để thoát khỏi hành vi quấy rối. Các em rất sợ hãi, xấu hổ nên không dám lên tiếng phản ứng trước những hành vi đó. Điều này thực ra không giúp chấm dứt hành vi quấy rối mà vô hình chung khiến cho kẻ quấy rối không sợ hãi, tiếp tục thực hiện hành vi đó với nạn nhân khác”.

Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc (UN Women) khẳng định tại một buổi tọa đàm rằng bạo lực tình dục thường xuyên bị xã hội che giấu: “Khi một người phụ nữ nói rằng cô ấy bị cưỡng bức ngay lập tức câu hỏi đặt ra là cô ấy đã làm gì khiến bị cưỡng bức, chắc là do cô lẳng lơ, hoặc do cô ấy ăn mặc không đứng đắn… Chính vì vậy, những nạn nhân bị quấy rối tình dục cảm thấy xấu hổ khi nói ra vấn đề của mình và tránh không muốn nói”.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh