Vi phạm pháp luật lao động: Doanh nghiệp có thể bị phạt tới 200 triệu đồng
- Bài thuốc hay
- 02:39 - 23/03/2018
Sử dụng lao động nước ngoài không phép sẽ bị xử phạt nặng
Theo Dự thảo Nghị định, đối với những hành vi vi phạm quy định về tiền lương, phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật... Mức phạt từ 5 triệu đến 50 triệu đồng. Đồng thời, buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Đối với vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, mức phạt lên đến 15 triệu đồng, vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mức phạt lên đến 60 triệu đồng; vi phạm quy định về thuê lại lao động sẽ bị xử phạt, mức cao nhất lên đến 100 triệu đồng.
Chủ sử dụng có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định (200 giờ/năm và 300 giờ/năm trong trường hợp đặc biệt) hoặc quá 12 giờ trong 1 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần sẽ bị xử phạt hành chính từ 5-75 triệu đồng tùy thuộc vào số lượng người lao động vi phạm. Đặc biệt, đối với những chủ sử dụng huy động từ 101 người lao động trở lên làm thêm quá thời gian quy định, ngoài xử phạt hành chính còn bị đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng. Trường hợp giờ làm việc bình thường quá số giờ quy định hoặc huy động làm thêm giờ không được sự đồng ý của người lao động, chủ sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 20-25 triệu đồng.
Đối với vấn đề người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Dự thảo Nghị định quy định: người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nếu làm việc nhưng không có giấy phép lao động theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động) hoặc sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn) sẽ bị trục xuất. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không thông báo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động hoặc báo cáo nhưng chưa đảm bảo những nội dung, thời hạn theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền người sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn theo với mức phạt từ 30-75 triệu, đồng thời, đình chỉ hoạt động từ 1 - 3 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm này…
Vi phạm pháp luật về lao động sẽ bị xử phạt nặng
Phạt đến 75 triệu đồng vi phạm trong lĩnh vực BHXH
Đối với những vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc tham gia không đúng mức quy định.
Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đón.
Đối với những hành vi trục lợi BHXH, BHTN, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp sau đây: Thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung.
Vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ: Mức phạt lên đến 200 triệu đồng
Trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Nghị định quy định mức xử phạt đối với những vi phạm điều kiện hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ từ 5 triệu đến 200 triệu. Trong đó, mức phạt cao nhất từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có một trong các hành vi sau đây: Sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp khác để tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp mình để đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Giao nhiệm vụ điều hành hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho người đã từng quản lý một doanh nghiệp dịch vụ khác bị thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc cho người đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên do vi phạm quy định của pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm quy định về đăng ký hợp đồng, báo cáo việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chịu mức phạt từ 5 triệu đến 180 triệu đồng; Vi phạm quy định về tuyển chọn, ký kết và thanh lý hợp đồng, mức phạt từ 20 triệu đến 80 triệu đồng. Vi phạm quy định về bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho người lao động chịu mức phạt từ 20 triệu đến 180 triệu đồng; Vi phạm quy định về thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền môi giới, tiền ký quỹ, tiền dịch vụ và các khoản tiền thu của người lao động; đóng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, mức phạt từ 20 triệu đến 200 triệu; Vi phạm quy định về tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và quản lý người lao động ở ngoài nước mức phạt từ 20 triệu đến 200 triệu.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ việc thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động từ 1 tháng đến 12 tháng tùy hành vi vi phạm.
Đối với những vi phạm của người lao động; phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng mà không phải do bị cưỡng bức lao động; Sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng; Lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định. Đồng thời, buộc về nước, cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn từ 2 đến 5 năm tùy hành vi vi phạm.