THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:47

Vi chất dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ

Sai lầm trong chế độ ăn

Gần đây, thấy con gái 2 tháng tuổi nhà mình thường xuyên quấy khóc, ngủ không yên giấc, đổ mồ hôi nhiều, da nhợt nhạt, chị Hà ở Quan Hoa, (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đưa con đi khám bác sĩ mới biết bé bị thiếu canxi và sắt do bú sữa mẹ không đủ dưỡng chất.

Theo chị Hà vì sinh mổ, nghe mọi người nói, muốn vết mổ mau lành, nên chị ăn kiêng khem đủ thứ, như: Không  ăn thịt bò, gà, vịt, tôm, cua... "Phải chăng lúc trước, mình ăn uống đầy đủ thì đâu đến nỗi", chị Hà tâm sự.

Ngoài việc ăn kiêng, chị Hà còn mắc sai lầm khi cho con bú là không để bé bú hết một bên rồi mới đổi qua vú kia, mà cho bú mỗi bên một chút. Chị đâu, biết rằng sữa cuối mới chứa nhiều dinh dưỡng nhất.

Dù theo dõi cân nặng của con hàng tháng, chị Nga ở Đống Đa cũng hết sức hoang mang, lo lắng, vì từ lúc bé Lyly con chị ăn dặm đến nay, bé tăng cân rất ít (hiện 15 tháng mà có 8,5 kg), năm bữa nửa tháng lại bị ho, sốt, sổ mũi... Đưa con đi khám, chị được bác sĩ cho biết nguyên nhân chậm tăng cân, ốm vặt của bé là do thiếu vi chất dinh dưỡng.

Chị Nga tâm sự: Khi nghe bác sĩ phân tích, mình mới thấy có nhiều sai lầm khi chế biến thức ăn cho bé làm hao hụt lượng vitamin và khoáng chất.

Theo chị Nga, do không có nhiều thời gian nên mỗi lần nấu cháo, chị thường nấu một nồi cho bé ăn cả ngày, cứ hâm đi hâm lại nhiều lần. Để bé dễ ăn, dễ nuốt, chị cũng hầm cho thật nhừ cháo, thịt và rau củ. Hồi bé Lyly 4 tháng, tập cho bé ăn dặm sớm, nhưng chị lại "ưu tiên" cho nhiều chất đạm, trong khi hệ tiêu hóa của bé lúc này còn non yếu chưa hấp thu được. Có lần, chị nấu cháo với nhiều tôm, cua, bé bị nôn ra hết nên sau này sợ, chị cũng không dám cho con dùng nhiều các thức ăn này. Khi nêm nếm thức ăn, chị có thói quen dùng bột nêm thay vì dùng muối i-ốt.Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, với cách chế biến như trên là nguyên nhân dẫn đến các bé bị thiếu vi chất dinh dưỡng.

Làm gì để bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ?

Theo BS Lê Thị Thủy, bệnh viện Nhi Trung ương, ở trẻ  các vitamin và khoáng chất rất dễ bị thiếu là vitamin A, B1, C, D, sắt, i-ốt, kẽm. Thiếu vitamin A, trẻ thường có biểu hiện chậm lớn, răng mọc không đều, da tay nhăn nheo, mắt khô, sức đề kháng kém. Thiếu kẽm cũng làm trẻ chậm lớn, chán ăn thường xuyên, hay cảm lạnh. Thiếu sắt hoặc thiếu máu do thiếu sắt, trẻ thường có biểu hiện: Da bị ngứa, tóc khô dễ gãy, móng tay mềm, mặt mũi nhợt nhạt, xanh xao... Khi trẻ biếng ăn, tiêu hóa không tốt,... có thể do thiếu vitamin B1.

Để phòng ngừa thiếu hụt vi chất dinh dưỡng cho trẻ, các bà mẹ cần lưu ý, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ tắm nắng 10-15 phút mỗi ngày để hấp thụ nguồn vitamin D từ ánh sáng mặt trời. Với người mẹ đang mang thai, phải ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tạo nguồn sữa tốt cho con, chú ý tới nguồn thức ăn giàu vitamin D như gan, trứng, cá biển; có thể uống thêm dầu cá, vitamin D phối hợp với viên sắt để phòng thiếu máu đối với trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Khi 6 tháng tuổi, ngoài sữa mẹ, trẻ bắt đầu ăn bổ sung, bữa ăn phải đầy đủ 4 nhóm thực phẩm (tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng). Cần chú ý khẩu phần ăn đa dạng, ưu tiên thực phẩm tươi sống, thường xuyên kết hợp các loại thực phẩm, thay đổi cách chế biến để trẻ ngon miệng, đủ chất; sử dụng muối i-ốt trong chế biến.

Các bà mẹ cũng cần tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, như nhóm thực phẩm giàu vitamin A có trong gan gà, lợn, lươn, trứng vịt lộn, trứng gà, bơ, sữa bột toàn phần, phô mai, thịt vịt, cá chép, bầu dục lợn...; Thực phẩm giàu beta caroten (rau ngót, rau dền, cà rốt, đu đủ chín, quýt, hồng đỏ...); thực phẩm giàu canxi (tôm đồng, tép gạo, phô mai, cá, sữa chua, đậu nành, các loại rau dền, mồng tơi...); thực phẩm giàu sắt có nhiều trong gan (vịt, gà, lợn), lòng đỏ trứng, tim, đậu nành, đậu trắng, rau dền đỏ, củ cải, cải xanh, cải xoong...; vitamin C chủ yếu tồn tại trong rau và hoa quả tươi sống các loại; vitamin B1 có nhiều trong gạo (không xát trắng), thực phẩm họ đậu, thịt cá...

Nhằm tránh làm mất và hao hụt lượng vitamin trong thực phẩm, đặc biệt các loại rau, củ, quả, các bà mẹ cần chú ý cách chế biến, bảo quản, lưu trữ đúng cách. Đây là việc làm rất quan trọng vì rau xanh và củ, quả cung cấp khoảng 80% nhu cầu về vitamin hàng ngày cho cơ thể. Rau tươi mua về cần bảo quản nơi thoáng khí, mát mẻ, khô ráo, không ngâm rau trong nước mà nên rửa dưới vòi nước chảy; thái rau rồi thì nấu ngay, nấu vừa chín, nấu xong ăn ngay, vì nấu kỹ quá, hoặc càng để lâu càng mất nhiều vitamin C, nếu chế biến sẵn rồi hâm lại thì vitamin C mất đến 90%.

Khi nấu thực phẩm chứa các loại vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, E, K), nên cho chút dầu ăn để cơ thể dễ dàng hấp thu. Đối với các loại chất khoáng (canxi, phốt pho, kali, magie...), trong quá trình nấu ăn, có thể bị biến đổi về số lượng do hòa tan vào nước, vì vậy, nên cho trẻ ăn cả phần cái và nước để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.

Ngoài ra, hãy cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A một năm hai lần theo chỉ định của bác sĩ. Đối với bà mẹ ngay sau khi sinh con cũng cần được uống một liều vitamin A.

Bác sĩ Lê Thị Khánh Hương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh