Về thăm vùng chuối tiến vua
- Văn hóa - Giải trí
- 22:56 - 15/02/2016
Trong tiềm thức của người dân Đại Hoàng ai cũng biết rõ về một sự tích: Vào thời Trần, hàng năm cứ trung tuần tháng 8, vua Trần cùng các văn võ bá quan, cờ xí rợp trời xuôi thuyền từ kinh đô Thăng Long về phủ Thiên Trường yết kiến Thái Thượng Hoàng. Một lần đến ngã 3 Tuần Vường, đoàn thuyền dừng lại nghỉ chân. Dân làng ven sông đổ ra nghênh đón. Mọi người ai cũng mang của ngon, vật lạ để dâng vua. Có cặp vợ chồng nông dân nọ ở làng Đại Hoàng, vì quá nghèo không có sản vật gì quý giá dâng tiến nên rất băn khoăn. May sao trong vườn nhà còn một buồng chuối nhỏ xinh xắn đã chín, toả hương thơm ngát, họ bèn chặt hạ đem tiến vua với niềm cung kính. Thấy buồng chuối của vợ chồng nghèo tuy nhỏ nhưng rất xinh, quả căng tròn, vàng óng như tơ tằm với 3 chiếc tua vươn dài đẹp mắt lạ thường, vua cho gọi vào. Nhà vua bèn nếm thử, thấy vị ngọt, hương thơm, càng ăn càng thấy ngon. Vua ban thưởng cho vợ chồng nghèo và truyền cho dân làng Đại Hoàng nhân rộng loại chuối này để thần dân khắp nơi cùng được thưởng thức. Từ đó, người dân thường dâng chuối ngự lên nhà vua để thể hiện tình cảm, sự biết ơn của mình và đặt tên giống chuối ngự ấy là Chuối tiến Vua.
Theo nguồn tư liệu về lịch sử chuối ngự Đại Hoàng, do bà Nguyễn Thị Quyên, Phó phòng Nông nghiệp (Phụ trách Trồng trọt) huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cung cấp thì: Chuối là tên cây, còn Ngự là vật quý tiến vua. Còn theo cụ Trần Thế Trực, 94 tuổi cùng một số cao niên trong xã Hòa Hậu cho biết, cây chuối ngự đã xuất hiện tại địa phương từ vài trăm năm trước.
Ngoài sự tích chuối ngự được dâng tiến vua Trần và trở nên nổi tiếng, các cụ cao niên ở xã Hòa Hậu còn kể cho chúng tôi rằng, chuối ngự Đại Hoàng từng được đem vào tiến vua Tự Đức ở cung đình Huế.
Những buồng chuối ngự Đại Hoàng khi mới thu hoạch đang chờ róc nhựa để đưa vào lò dấm. Ảnh QC
Đặc biệt, theo lịch sử Đảng bộ xã Hòa Hậu, năm 1960 chuối ngự Đại Hoàng (vốn được coi là loại quả quí của vùng) từng được cụ Trần Đình Văn, khi ấy là Bí thư Đảng ủy cùng đoàn đại biểu xã Nhân Hậu đem biếu Bác Hồ trong chuyến đi thăm Bác. Cùng ngày, Bác Hồ đã tiếp đón đoàn đại biểu Trung Quốc bằng chính sản vật của quê hương Nhân Hậu. Khi đoàn đại biểu xã Nhân Hậu ra về, Bác còn dặn dò “Đây là vật quý của Đại Hoàng nên lưu giữ” .
Khác với loại chuối thông thường, Chuối tiến Vua quả nhỏ hơn, khi chín chuối có màu vàng óng, cuống quả có màu xanh, đầu ruồi nhỏ, có 3 chiếc tua râu vươn dài rất đẹp. Vỏ mỏng như tờ, thịt vàng, ăn thơm, có vị ngọt thanh đạm, ăn nhiều không cảm thấy chán. Mỗi nải chuối như bông hoa xòe cánh trông rất đẹp mắt.
Chuối ngự Đại Hoàng có nhiều loại, nhưng 02 loại thường thấy là chuối ngự trâu và chuối ngự mít (còn gọi là chuối ngự thóc). Chuối ngự mít quả nhỏ và ăn thơm ngon hơn, ruột chuối vàng như múi mít và đặc biệt khi chín vỏ lốm đốm những chấm nâu hồng (do vậy còn được gọi là chuối ngự tía).
Để có được quả chuối chín vừa, thơm và ngọt nhất, không chỉ cần đến cách trồng của bà con nơi đây mà công đoạn dấm chuối cũng rất quan trọng. Gia đình nào có vườn chuối lớn thường phải xây vài ba cái lò dấm trong nhà. Lò dấm vách đất, chứa được khoảng mươi buồng, đủ nhiệt độ cho chuối chín tự nhiên mà không nẫu. Do vậy, cứ đến mùa chuối chín, cả gian nhà của người làng luôn nưng nức hương thơm của chuối ngự.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích chuối ngự tiến Vua những năm qua ở Lý Nhân nói riêng và Hà Nam nói chung đã phát triển khá mạnh cả về diện tích, quy mô, sản lượng. Năm 2005 diện tích chuối ngự Đại Hoàng nhân lai giống toàn tỉnh Hà Nam khoảng 20.7 ha, sản lượng khoảng 315 tấn/năm; năm 2011 diện tích ấy đã tăng lên 150 ha (riêng Lý Nhân là 100 ha) với sản lượng 2.300 tấn/năm. Giá trị sản xuất bình quân đạt 150 triệu đồng/ha/năm.
Đáng ghi nhận, từ năm 2006 đến 2009 xã Hòa Hậu và Tiến Thắng (nay đã thêm xã Nhân Mỹ), huyện Lý Nhân được dự án GEF/SGP thuộc Quỹ môi trường toàn cầu (UNDF) tài trợ phát triển vùng sản xuất và xây dựng thương hiệu, quảng bá chuối ngự Đại Hoàng. Cuối năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN đã có Quyết định cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý Đại Hoàng cho sản phẩm chuối ngự tiến vua…
Chuối ngự Đại Hoàng sau khi chín có màu vàng đẹp mắt, tỏa hương thơm ngào ngạt. Ảnh QC
Về quá trình sinh trưởng của chuối, bà Trần Thị Ngân, một người trồng chuối lâu năm, hiện đang là Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ chuối ngự Đại Hoàng chia sẻ: Giống chuối ngự trồng khó hơn các giống chuối thông thường khác. Trước đây phải từ mùa xuân năm nay đến mùa xuân năm sau mới bắt đầu ra hoa kết trái. Qua mùa bão táp mưa sa, cây càng phải gìn giữ kỹ. Vì thân chuối rất giòn và dễ gẫy, mỗi cây thường có một cột tre làm điểm tựa. Đến khâu chăm sóc, chuối ngự cũng cầu kỳ, "ăn" sạch các loại bùn ao, nước gạo, dầu lạc, chứ không ưa các loại phân uế tạp...
Cứ khoảng 6 tháng chuối cho thu hoạch một vụ. Từ khi ra hoa đến lúc cho quả mất khoảng 45 ngày vào mùa hè và 65 ngày vào mùa đông, với mỗi buồng bình quân từ 5 – 6 bẹ (nải). Còn giá bán ra tại vườn từ 25 – 30 nghìn đồng/nải vào ngày thường, và 70 – 100 nghìn đồng/nải vào dịp lễ tết. "Những năm thời tiết thuận lợi cây chuối ngự đã cho người dân chúng tôi thu nhập đáng kể, ngược lại có năm thời tiết xấu, hàng trăm người trồng chuối trắng tay, có hộ dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng vì chuối…” – Bà Ngân cho biết thêm.
Về phân bố, do đặc thù lịch sử địa lý để lại, chuối ngự không chỉ có ở huyện Lý Nhân, mà còn được trồng ở một vài nơi dọc lưu vực sông Châu của Hà Nam và một số vùng ngoại thành Nam Định. Tuy nhiên ngon nhất vẫn là chuối ngự được trồng ở làng Đại Hoàng – Nhân Hậu. Trung tâm sách Kỷ lục và Trung tâm sách Top Việt Nam ngày 7/8/2012 đã công bố 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích, trong đó có chuối ngự Đại Hoàng nằm trong 19 loại trái cây đại diện của miền Bắc và đã được Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, Hiệp hội Trái cây Việt Nam, Phòng Chỉ dẫn Địa lý của Cục Sở hữu Trí tuệ và các địa phương công nhận.
Trải qua hàng trăm năm, qua bao thăng trầm của lịch sử, song vị thơm ngon đặc trưng của chuối ngự làng Đại Hoàng thuở ban sơ dường như được bảo tồn nguyên vẹn đến hôm nay. Là thứ sản vật quí mà vùng quê chiêm trũng đã chắt chiu nên, rồi đây quả chuối tiến Vua sẽ ngày càng phát triển và khẳng định là một loại quả có thương hiệu, tiếp tục giúp cho quê hương ngày một thay đổi, tạo diện mạo mới cho làng Đại Hoàng đẹp hơn mỗi khi soi bóng bên dòng Châu Giang trù phú.