Về nơi ấm áp tình người
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 22:50 - 30/11/2016
Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ ấm cúng là Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng Trần Thị Hiền cùng những cán bộ, bác sĩ, y tá, y sĩ, điều dưỡng của trung tâm. Với họ, công việc nơi đây không chỉ đơn thuần là chăm sóc bệnh nhân, mà hàng ngày phải đóng rất nhiều vai, vừa là thầy thuốc, giáo viên, là người bạn tâm tình, người thân trong gia đình, nhiều khi lại nghiêm nghị trong vai một... cảnh sát.
Y tá điều dưỡng Đỗ Thị Huyền quan tâm chăm sóc cho đối tượng tâm thần từ những việc nhỏ nhất.
Bà Trần Thị Hiền cho biết, hiện Trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc 324 đối tượng, được bố trí ở 3 khu bệnh nhân, với 88 bệnh nhân nặng – kích động, 99 bệnh nhân thuyên giảm, 137 bệnh nhân phục hồi chức năng. “Do áp lực của cuộc sống về kinh tế, những xung đột, mâu thuẫn trong gia đình, ngoài xã hội, thiên tai, hỏa hoạn, ô nhiễm môi trường và nhiều nguyên nhân khác khiến số người mắc bệnh tâm thần có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Quan điểm của chúng tôi khi chăm sóc, điều trị là không xem họ là người điên, cũng có lúc họ lên cơn nhưng khi cơn bệnh đi qua, họ trở lại bình thường, và chúng tôi lại tiếp tục giúp họ”, bà Trần Thị Hiền chia sẻ.
Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng Trần Thị Hiền hướng dẫn đối tượng tâm thần xếp hàng để uống thuốc.
Cũng theo bà Trần Thị Hiền, thực tế hiện nay do hiểu biết về sức khỏe tâm thần còn hạn chế nên người tâm thần thường bị miệt thị, coi thường, xa lánh. Bên cạnh đó, gia đình người bệnh tâm thần phải chăm sóc dài ngày dẫn đến chán nản, cùng với những khó khăn về kinh tế nên đã buông xuôi, nhốt người thân, để đi lang thang hoặc phó mặc cho xã hội. Do vậy, người tâm thần càng thêm thiệt thòi, họ rất cần sự quan tâm, trợ giúp của gia đình, xã hội và cộng đồng.
Đối tượng tâm thần xếp hàng chờ uống thuốc.
Giờ phát thuốc buổi chiều cho đối tượng tâm thần.
Trong khoảng thời gian ít ỏi ở Trung tâm, chúng tôi may mắn được chứng kiến giờ uống thuốc, giờ ăn cơm của các đối tượng tâm thần nơi đây. Đến giờ, chỉ cần thấy bóng dáng áo trắng, áo xanh của bác sĩ, y tá, điều dưỡng, những đối tượng tâm thần đã nhanh nhẹn lấy ghế xếp hàng ngồi ngay ngắn chờ đến lượt. Dù vậy, vẫn có những người không chịu hợp tác, nhưng sau khi được bác sĩ động viên, dỗ dành, họ lại ngoan ngoãn uống thuốc, ăn cơm như một đứa trẻ. Có đến, gặp gỡ, trò chuyện với họ, mới thấy tất cả y bác sĩ, điều dưỡng và bệnh nhân nơi đây đều thân tình như người một nhà.
Lãnh đạo trung tâm, y bác sĩ hát cùng bệnh nhân.
Mặt trời đã khuất hẳn sau hàng dừa, cơn gió đông bắt đầu thổi mạnh, tạm biệt Trung tâm điều dưỡng người tâm thần, những tiếng hát, cái vỗ tay, nụ cười khờ khạo, ánh mắt dữ dằn và hiền dịu của những bệnh nhân tâm thần khiến chúng tôi nhớ mãi và càng thấu hiểu thêm nỗi vất vả của đội ngũ cán bộ, bác sĩ, y tá, điều dưỡng nơi đây. Nếu như không có một tấm lòng, tình thương bao la, sự chịu đựng, thông cảm, sẻ chia như chính với những người thân của mình thì họ không thể mang lại niềm vui, cuộc sống, chăm lo từng bữa ăn và giấc ngủ cho những bệnh nhân tâm thần.
Bệnh nhân xếp hàng trước giờ ăn.
Bữa ăn của bệnh nhân được chăm lo đầy đủ về dinh dưỡng.
Cán bộ tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng chăm sóc từng miếng ăn cho đối tượng tâm thần.
Thậm chí khi đối tượng tâm thần bỏ bữa, cán bộ điều dưỡng phải dỗ dành, bón từng thìa cơm.
Sau bữa ăn, đối tượng tâm thần phải tự rửa bát và cất về nơi qui định.