CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:55

Kỳ bí và độc đáo lễ hội Thẳm Bua

 

Hang Bua- biểu tượng cho tình yêu đôi lứa

Theo lời kể của những già làng Mường Chiềng Ngam: Thuở xa xưa, nơi đây là một vùng đất trù phú. Sông cần mẫn đưa nước tưới đẫm cho cả một vùng đồng lúa mênh mông. Ven dãy Phà Ẻn cao ngất với đủ loại cỏ cây, chim thú. Dòng Nậm Hạt, Nâm Niên lúc nào cũng đủ loại tôm cá.

Thuở đó, trong vùng có người con gái tên gọi là Nàng Ni. Nàng đẹp lắm, da trắng như trứng gà bóc, mắt sáng như sao. Mỗi lần nàng cất tiếng hát Nhuôn, hát Xuối, ngay cả con chim, con sóc cũng lặng yên nghe. Tới tuổi chọc sàn, mặc bao lời hay lời ngọt của những trai làng con nhà giàu có, nàng Ni vẫn không xao lòng, bởi từ lâu nàng đã đem lòng yêu Ban, một chàng trai nghèo hiền lành chân thật nhà ở cuối bản.

Vốn là con gái một phìa bản giàu có, nhiều thế lực, bố mẹ nàng ngăn cấm không cho nàng được tự do đến với người mình yêu. Để căn cản tình yêu đôi lứa, phìa bản đã sai Ban vào Thẳm Bua để diệt loài thuồng luồng hung dữ chuyên gây hại cho dân bản. Chàng trai đi vào lòng hang và cứ đi mãi không về. Nàng Ni ở nhà đợi mãi, đợi mãi mà không thấy người yêu quay trở lại, nàng nhất quyết đi vào hang sâu để tìm chàng.
Qua bao ngõ ngách trong lòng hang, trải bao vất vả, nàng men theo những bậc đá lên tới đỉnh Thẳm Bua ngồi đợi chàng. Nàng ngồi vậy khóc thương người yêu không biết bao ngày, cho mãi đến khi nước mắt cạn kiệt nơi phiến đá lớn trên đỉnh Thẳm Bua. Nhớ thương người con gái chung tình, phiến đá từ đó được người đời gọi là Choong Nang (giường đá nàng Ni); những giọt nước mắt của nàng ngấm qua đá núi từ bao đời thành những giọt thạch nhũ long lanh trong lòng Thẳm Bua.
Từ đó, cứ mỗi dịp xuân về, trai gái trong vùng lại rủ nhau vào lòng Thẳm Bua tình tự như chia sẻ, cảm thông với mối tình trong sáng của người con gái đẹp đất Mường. Năm này qua năm khác, dần dần thói quen đó trở thành một lễ hội hàng năm với người dân vùng sơn cước. Lòng Thẳm Bua rộng rãi là nơi thuận tiện cho những cuộc vui tập thể mang đậm chất văn hóa dân gian. Nhiều ngõ ngách sâu thẳm thích hợp cho những cuộc hẹn hò của những đôi trai gái.

 

Trò vui khắc luống trong lễ hội Thẳm Bua.

Đặc sắc lễ hội Thẳm Bua

Hang Bua (tiếng thái gọi là Thẳm Bua) nằm trên dãy núi đá vôi “Phà én” thuộc hệ thống dãy Trường Sơn bắc huyện Quỳ Châu, cách TP Vinh khoảng gần 200km. Hang Bua được hình thành trong quá trình kiến tạo địa tầng cách đây hàng triệu năm, là một danh thắng tự nhiên, gắn liền với truyền thuyết lịch sử, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Đây là nơi giao hòa, gặp gỡ của đất trời, có vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng con người nơi đây.

Trước khi khai hội, thầy mo làm lễ cầu xin thần núi, thần hang cho phép mở cửa hang để “trai gái được vào chơi, cầu cho thành đôi hạnh phúc, lúa tốt như rừng gianh đầu bản”.

So với các lễ hội đầu năm ở xứ Nghệ, có thể nói Lễ hội Hang Bua là một trong những lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa dân gian, kết tinh của những giá trị tuyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Nghệ.

Lễ hội Hang Bua được chia thành 2 phần. Phần lễ được tổ chức tại đền thờ thành hoàng Mường Chiềng Ngam để ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân có công khai bản lập mường như: Xiêu Bọ, Xiêu Ké, Xiêu Luông. Trong phần hội, các nam thanh nữ tú với trang phục truyền thống của đồng bào Thái hòa mình trong các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như: Giao lưu văn nghệ, nhảy sạp, khắc luống, cồng chiêng, thi bắn nỏ, thi đẩy gậy, thi văn hóa ẩm thực, văn hóa rượu cần, thi thêu váy, kéo sợi, viết chữ thái... và đặc biệt là cuộc thi người đẹp Hang Bua thu hút rất nhiều du khách.
Ông Vi Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: Lễ hội Hang Bua năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 27/ 2 đến 29/3 (tức ngày 21, 22, 23 tháng Giêng). Dự kiến sẽ có khoảng một vạn du khách xa gần về dự hội. “Đây là lần đầu tiên em đến với Lễ hội Hang Bua. Được nghe kể về câu chuyện tình đầy cảm động của Nàng Ni; được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của hang động; được đắm say trong những bước nhảy, điệu khèn, những khúc nhuôn, xuối, lăm tha thiết của các cô gái Thái xinh đẹp,... cũng như rất thích thú trước những nét văn hóa đặc sắc khác của vùng đất Mường Chiềng Ngam này”-du khách Trịnh Thị Thành đến từ huyện Tân Kỳ cho biết.

Được biết, ngoài những hoạt động văn hóa nêu trên, Lễ hội hang Bua năm nay có thêm nhiều nét mới như thi kể chuyện dân gian Thái, thi trình diễn kỹ thuật chế biến rượu cần, thi viết chữ Thái, quấn hương trầm... Ngoài ra, đến với Lễ hội hang Bua, ngoài thú được hòa mình vào không gian văn hóa của một lễ hội vùng cao, du khách có thể đi thăm thú những hang động và thác nước nổi tiếng trong vùng như Thẳm Ồm, Thẳm Chạng, Tôn Thạt, thác Tạt Ngoi, thác Đũa... của huyện miền núi Quỳ Châu.

Theo Cand.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh