THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:49

Về “kinh đô” hàng giả, hàng nhái

Choáng với “công nghệ” làm bánh bằng tay

La Phù mùa này nhiều việc nên đâu đâu cũng treo biển “tuyển nhân viên đóng hàng Tết”. Đi tìm lời giải cho việc hàng giả, nhái, mất vệ sinh ở La Phù, tôi đã “lựa đại” một tấm biển để liên lạc. Lập tức có người đến đón, vẻ rất vội vàng, chạy qua các ngõ ngách xe dừng ngay tại nhà xưởng.

Nhiều nhãn hàng nổi tiếng bị làm nhái.

Xưởng này của một bà chủ tên Dương, chuyên sản xuất bánh dẻo gia công, rộng khoảng 40m2, bên trong bày la liệt các loại thùng, bột, túi nilon, đường kính và cả khuôn làm bánh phủ đầy bụi trắng, trong xó còn hàng loạt khuôn đúc bị mạng nhện giăng kín. Tiếp đến là sân nhà, nơi một số thợ đang dùng tay không làm bánh. Ai cũng dễ dàng nhận ra hình ảnh người ta vừa làm việc nhà vừa làm bánh, bánh rơi xuống đất lại nhặt lên đóng gói tiếp.

Nguyên liệu làm bánh dẻo.

Nhận thấy nơi này rất bừa bộn và thô sơ, công nhân làm thuê cũng không được trang bị các thiết bị như quần áo hay găng tay, khẩu trang để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tôi tỏ ý e dè, lập tức bà Dương xua tay: “Bảo hộ bảo hiếc cái đếch gì. Rách việc lắm. Chỉ cần học việc nửa ngày có thể biết việc và làm luôn. Mặt khác có thể ăn ở tại nơi sản xuất. Làm không?”.

Quả thật, nếu “khuất mắt” chẳng ai dám tin những loại bánh mình ăn hàng ngày lại được làm với phương thức không “bắt mắt” nếu không muốn nói là “mất vệ sinh” như thế này. Điều khó hiểu hơn là làm bằng phương pháp thủ công, nhưng hạn sử dụng có thể kéo dài cả tháng. Khi hỏi về nguyên nhân, bà Dương đơn giản hoá: “Bí mật. Làm rồi sẽ biết”.

Dịp Tết, mặt hàng bán chạy nhất vẫn là bánh kẹo. Những mặt hàng được sản xuất theo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm thường rất đắt và khan hiếm nên đó là kẽ hở để các đối tượng làm bánh giả, nhái, mất vệ sinh ở La Phù tận dụng. Đúng là hàng hoá làm có mất vệ sinh nhưng được thương lái tuồn đi nhiều nơi để bán nên làm đến đâu hết đến đấy. Và đúng như tìm hiểu của chúng tôi, những xưởng sản xuất bánh thủ công mất vệ sinh như chỗ bà Dương quả thật không ít.

“Kỹ nghệ nhái” hoàn hảo đến từng chi tiết

Tiếp cận một xưởng khác, đó là gian nhà tối om với nhiều loại vỏ hộp bánh khác nhau mang thương hiệu lớn như: Hữu Nghị, Kinh Đô, Hải Hà… song cũng có nhiều hộp bánh có tên na ná như Choco Pia (nhái của Choco Pie), Alpellebe (Alpenliebe), Custar (Custas), Oriion (Orion), Oshi (Oishi), Chewing Gum (Cheng Gum)…

Người quản lý xưởng cho hay, riêng loại bánh Choco pie thì hàng nhái chủ yếu có vỏ màu vàng, riêng loại màu đỏ thì ít nhái hơn. Trước đó, tôi có nghe đến việc, nơi này có không ít kẹo có xuất xứ từ Trung Quốc, khi về đến La Phù, bỗng biến thành các loại bánh kẹo mang thương hiệu như trên. Giờ mới thấy câu chuyện đó là có căn cứ. Quan sát thực tế tại "kinh đô hàng nhái" mới thấy quy trình sản xuất của La Phù hoàn hảo đến từng chi tiết, hoàn toàn khép kín với bên ngoài. Có khoảng 3 cơ sở chuyên sản xuất bao bì nhái các hãng uy tín, chỉ cần yêu cầu kích cỡ, tên bao bì, thương hiệu cần làm nhái sẽ có ngay.

Hàng loạt bánh có thương hiệu bị làm nhái.

"Người khôn của khó, bây giờ làm giả rất nguy hiểm, nên chuyển qua làm...nhái cho lành", đó là cách nói của ông H.V.N - chủ một cơ sở sản xuất bao bì. Theo ông N. cách dễ làm nhất là dựa trên các bao bì hàng thật, các chủ hàng sẽ đặt xưởng của ông làm giống hệt hàng thật về màu sắc, kích cỡ,...và chỉ thay đổi một vài chữ trên thương hiệu đó. Chủ hàng chỉ việc mang bao bì về đóng hàng vào, ghi đầy đủ địa chỉ sản xuất, và dĩ nhiên địa chỉ có thể ghi ở Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn hoặc… tuỳ ý.

Với những chiêu “núp bóng” thương hiệu nổi tiếng, lên đời hàng Trung Quốc, tất cả sản phẩm này đều có giá “cực rẻ”. Các hộp bánh nhái của những thương hiệu nổi tiếng như Danisa, Cookies, Daily… chỉ có giá trên 10.000 đồng/hộp, trong khi nếu tung ra thị trường, hoàn toàn có thể bán với giá trên dưới 100.000 đồng, thậm chí còn đắt hơn. Bởi người dân ở các tỉnh lẻ, khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế về kiến thức và yêu cầu về chất lượng sản phẩm nên các lái buôn cứ tuồn hàng về đó, lợi nhuận gấp 5-10 lần bất chấp vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với nhu cầu tìm nguồn hàng “rẻ” về làm quà cho công nhân, chúng tôi tìm vào một đại lý bán buôn có tên  Hương Hương. Bà chủ liếc mắt một lượt rồi tỏ vẻ rất quen với bộ dạng của chúng tôi: Chị lạ gì các em. Ngày nào chả có người đến lấy hàng về phát cho công nhân. Chỗ chị loại nào chả có, loại một, hai, ba có tất. Muốn lấy loại nào? Khi được hỏi về “hàng ta” có nghĩa là hàng được sản xuất nhái các nhãn hàng nổi tiếng của các hãng sản xuất uy tín như BK HN, KĐ... bà Hương đáp: “Có luôn”.

Khi yêu cầu được xem “quy trình sản xuất”, bà chủ cho hay “phải đồng ý đặt hàng thì chị mới đi lấy hàng ở xưởng sản xuất và cho xem được”. Theo bà Hương, với mỗi loại “hàng ta”, giá cả sẽ rẻ hơn từ 10.000 đến 15.000 đồng so với hàng chính hãng. Bà chủ cũng cho chúng tôi xem một số loại mẫu để đặt hàng, đó đúng là loại mà chúng tôi vừa được tiếp cận quy trình làm. Và bà Hương cũng cho biết: Nếu đồng ý lấy, các mặt hàng này sẽ được lấy về từ xưởng sản xuất ở La Phù hoặc chở về từ Đan Phượng, Phúc Thọ (Hà Nội) hay một số cơ sở ở Hưng Yên.

Hàng giả, nhái tuồn đi muôn phương

Một thực tế ở La Phù đó là người dân ở đây không ai sử dụng các loại bánh kẹo do chính địa phương mình làm ra. Bởi lẽ, họ biết hoặc thậm chí là chứng kiến cái “công nghệ cao” để sản xuất ra những loại bánh kẹo này.

Ô tô về La Phù bốc hàng đi các tỉnh tiêu thụ.

Những cơ sở sản xuất bánh kẹo, nước giải khát tại La Phù những ngày gần Tết này hoạt động hết công suất để ra lò sản phẩm “rẻ bèo” phục vụ nhu cầu của lái buôn và người tiêu dùng. Không ít xưởng sản xuất trong đó là những nhà cấp 4 ẩm thấp, pha tạp các loại mùi nồng nặc bởi các hóa chất làm kẹo và dầu mỡ. Nguyên liệu từ đường hóa học, phẩm màu, hương liệu được nhập trực tiếp từ Trung Quốc hoặc qua các mối quen ở chợ Đồng Xuân được đóng trong bao tải lớn hoặc can nhựa không có bất kì nhãn mác bảo đảm nào, chỉ có duy nhất dòng chữ ghi tên để người pha chế phân loại.

Đối với người dân La Phù thì hàng chục năm trở lại đây không có giờ nghỉ trưa, càng trưa cảnh xôm tụ mua bán càng tấp nập. Các dòng xe tải lớn nhỏ từ 500kg cho đến các loại container trọng tải lên tới hàng chục tấn nườm nượp ra vào để chuyển hàng đi các tỉnh. Theo nhẩm đếm của chúng tôi trong khoảng nửa ngày có đến hàng trăm xe ô tô lớn nhỏ đến bốc hàng. Nhìn biển số thì thấy đủ các tỉnh: Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, xa hơn có Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai...Vì tắc đường nên cánh tài xế tụ tập ở các quán nước ven đường để giết thời gian. Tài xế tên Đ chạy con xe Huyndai 3,2 tấn  biển 21D.... vừa uống nước vừa càu nhàu, hôm nay lại tắc, bình thường mỗi ngày đi được 2 chuyến, giờ cứ ùn ứ kiểu này có khi đến tối may ra mới về được.

Tài xế N.T.N tận Quảng Trị cũng ra đây đánh hàng, vì đường sá xa xôi, mỗi tháng mới ra lấy một lần nên chủ hàng phải điều hẳn con container tải trọng trên 30 tấn. Tài xế N. cho biết, hàng ở đây tuy "dỏm thiệt", nhưng khi tiêu thụ tại các địa phương ở miền núi lại rất đắt hàng, bởi giá rẻ, mẫu mã cũng rất đẹp. Ông chủ của T. dự tính từ giờ đến cuối năm còn ra đánh thêm vài chuyến nữa, vì trong đó đang rất khan hàng. Con đường làng ở trung tâm La Phù dài chừng 1km và được cơi nới khá rộng rãi như đường quốc lộ. Năm ngoái vào dịp này thì xe tải chật như nêm, khó khăn lắm mới lấy được hàng. Năm nay cũng chẳng kém, càng giáp Tết, xe tải về đây lấy hàng chở đi các nơi tiêu thụ ngày càng nhiều.

Thái Ngọc - Mai Thêm/ Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh