THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:52

Vất vả mưu sinh vẫn đối mặt với cảnh sống bấp bênh

Bươn chải kiếm sống

Nhiều người lao động vốn quen với công việc đồng áng, chân lấm tay bùn, nhưng khi nguồn thu ít ỏi đó chẳng đủ để phục vụ những nhu cầu cuộc sống ngay tại quê nhà, bản thân vốn không có trình độ chuyên môn, cũng chẳng có nghề nào cố định trong tay. Những người nông dân chất phác tìm đường lên thành phố bươn chải kiếm sống, hy vọng kiếm thêm đồng tiền mang về quê cải thiện mâm cơm gia đình.

Hàng ngày từ 5 giờ sáng anh Trần Văn Đức (quê ở Hà Nam) đã có mặt tại “chợ người” Dốc Bưởi chờ được bán sức lao động, Tại khu chợ lao động này, cũng như ông Đức, hàng chục lao động khác đã có mặt từ lúc trời rạng sáng. Kẻ người đứng, người ngồi bất kể đông hay hè họ vẫn đứng tại đây với hy vọng ‘biết đâu lại có người cần thuê giúp việc.

Hầu hết lao động phi chính thức đều thuộc diện dễ bị tổn thương, phải đối mặt với cuộc sống bấp bênh

Theo anh Đức những năm trở lại đây “chợ” lao động ngày càng đìu hiu, người thuê ít, nhưng không đi cũng không chẳng biết bắt đầu công việc gì, nên cũng như mọi ngày ông và những cùng cảnh như mình vẫn đứng tại con đốc này chờ bán sức.

Mỗi khi có khách hàng lướt qua, từng tốp người lại nháo nhác, chạy xúm lại như thể tìm thấy cơ hội kiếm mấy đồng. Tuy nhiên, cơ hội cũng chỉ thoáng qua, bởi rất nhiều lần họ cất tiếng gọi mua sức lao động rồi không ứng ý lại đột nhiên quay đi, ông Đức chia sẻ. “Đến với nghề bán sức kiếm ăn này, ai thuê gì chúng tôi cũng làm, từ việc gánh gạch, đào đất …. Nhưng thu nhập vẫn thất thường lắm,” anh Đức nói.

Tại một khu vực chợ Long Biên, đội quân lao động tự do, hay lao động mùa vụ cũng hoạt động rất nhộn nhịp. Họ “thèm” được bán sức mình và chấp nhận làm bất cứ việc gì, miễn có thêm thu nhập. Là người có thâm niên ở “chợ” lao động Long Biên, anh Nguyễn Văn Trung (quê Thanh Hóa) quá quen thuộc với chuyện “ế ẩm mình mẩy” sau mỗi chuyến hàng về.

Anh Trung bày tỏ: “Thời buổi kinh tế khó khăn, công việc cũng trì trệ em ạ! Mang tiếng cả năm lao lực làm ăn, nhưng có tích góp được đồng nào đâu. Thế nên, những ngày này ngồi vật vờ mãi cũng nóng ruột lắm. Mà dân lao động mùa vụ như mình, không ai thuê thì lấy đâu ra tiền mà trang trải cuộc sống." 

Thường thì cứ sau vụ mùa, những người lao động như anh lại lăn lộn ra Hà Nội tìm kiếm việc làm, những mong cải thiện cuộc sống gia đình. Nhất là thời điểm cuối năm này lượng người đổ xô tới Hà Nội kiếm việc, với hy vọng kiếm được chút tiền tiêu tết. Thế nhưng, không phải lúc nào cũng có đủ việc để họ làm: ”Có những lúc người lao động tự do phải chờ ba bốn ngày liền là chuyện thường, có khi cả tuần lễ không kiếm được việc ra tiền cũng chẳng phải là chuyện hiếm” anh Trung giãi bày.

 Không riêng gì cánh đàn ông, thanh niên quyết rời quê tới thành phố mưu sinh, mà nhiều chị em cũng làm liều tìm tới Hà Nội, họ mưu sinh bằng đủ thứ nghề từ đi làm thuê cho quán ăn, đi bán hàng rong, nhặt ve chai… Phần lớn những người lao động này là người ở các tỉnh lẻ, lên thành phố kiếm ăn, nên ai cũng có chung mục địch là kiếm được đồng tiền mang về trang trải cuộc sống gia đình ở quê nhà.  Mơ ước là vậy, song không phải ai cũng tìm được việc làm, hoặc may mắn tìm được công việc nhưng có khi cũng không mấy suôn sẻ.

Theo lời chị Hoa (quê Hòa Bình) khi mới xuống Hà Nội, chị xin được một công việc rửa bát tại một quán ăn tại quận Hoàn Kiếm: “Thế nhưng sau 2 tháng làm việc, chủ cửa hàng liên tục chậm trả tiền lương và tìm nhiều cách để trừ lương, nên chị đành phải tìm kiếm một công việc làm mới, chấp nhận chịu thiệt mà không biết làm sao, chị Hoa thở dài nói. 

Những người như anh Đức, anh Trung, chị Hoa… là những đại diện cho 19 triệu lao động phi chính thức ở nước ta hiện nay còn gặp nhiều khó khăn và  rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để ổn định cuộc sống.

Nhóm người yếu thế, dễ tổn thương

Theo số liệu của Tổng Cục Thông kê đến hết Quý 1/2019 Việt Nam có 19 triệu lao động có việc làm phi chính thức. Đa số lao động có việc làm phi chính thức đều chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Trong số đó, lao động có trình độ trung học cơ sở chiếm tỷ trọng cao nhất (33,6%), tiếp đến là lao động có trình độ tiểu học (24,3%) và trung học phổ thông (18,2%). Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên chỉ chiếm tỷ trọng 13,1% tổng số lao động có việc làm phi chính thức.

Tại hội thảo quốc tế chia sẻ về lao động phi chính thức ở Việt Nam tổ chức mới đây tại TP Hà Nội, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng cho biết có tới 97,9% số lao động phi chính thức không có BHXH. Phần lớn trong số họ không được ký kết hợp đồng lao động nên không được tiếp cận BHXH, bảo hiểm y tế mà chỉ có thể tham gia BHXH tự nguyện song tỷ lệ rất ít trên thực tế. Điều này dễ dẫn đến tình trạng họ không có cơ hội thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, nhất là khi hết độ tuổi lao động.

Lao động phi chính thức không có cơ hội thụ hưởng những chính sách công khi hết tuổi lao động

Lao động phi chính thức làm nhiều hơn hai giờ so với lao động làm công ăn lương chính thức, cao hơn số giờ làm việc theo quy định (49,2 giờ/47,2 giờ). Hầu hết lao động phi chính thức đều thuộc diện dễ bị tổn thương. Nhóm này rất dễ bị tác động bởi các chính sách quản lý nhà nước cũng như tác động của các điều kiện tự nhiên, thời tiết. Nhìn chung, phụ nữ làm việc trong các nghề dễ bị tổn thương cao hơn nam giới.

Thu nhập bình quân hằng tháng của lao động khu vực phi chính thức khoảng 4,4 triệu đồng/tháng, thấp hơn khu vực chính thức 30%. Với con số này, người lao động rất khó bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Ngoài việc không tham gia BHXH, theo một nghiên cứu, thì tỉ lệ lao động nữ/tổng số lao động di cư từ 15-59 tuổi là 52,4%; trong đó, 34,3% gặp khó khăn về việc làm, 42,6% gặp khó khăn về chỗ ở; 79,1% tổng số lao động di cư đến từ nông thôn; 2/3 lao động di cư không có trình độ chuyên môn; lao động di cư thường làm các công việc giản đơn...

Trong khi đó, theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ở khu vực phi chính thức, lao động nữ tập trung ở những ngành nghề dễ bị tổn thương như giúp việc gia đình, bán hàng rong, thu gom đồng nát… thường không tham gia các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp và chưa có tổ chức đại diện để hỗ trợ, bảo vệ khi gặp phải vướng mắc trong công việc và cuộc sống. 

Có thể thấy, mặc dù thực tế đã chứng minh tầm quan trọng của lao động phi chính thức đối với nền kinh tế, nhưng lao động phi chính thức vẫn bị bỏ quên trong nhiều chính sách công, ít nhận được sự bảo vệ của công đoàn và pháp luật. Các hoạt động tương trợ về xã hội, trợ giúp về pháp lý cũng chưa tiếp cận sát với nhiều người trong nhóm đối tượng này. 

Với những đóng góp của lao động phi chính thức đối với xã hội và nền kinh tế hiện nay, việc thừa nhận vị trí, vai trò xã hội và tạo điều kiện cho họ thụ hưởng các dịch vụ công ích là điều không thể phủ nhận.

Để khắc phục sự yếu thế và giảm tính dễ bị tổn thương đối với lao động phi chính thức, rất cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể nhằm bảo vệ cho lao động phi chính thức.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh