THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:36

Vật lộn mưu sinh để chung thủy với nghệ thuật

 

Họa sỹ Lê Vũ bên tác phẩm của mình.

Sau gần nửa thế kỷ lăn lộn ở Khánh Hòa, Lê Vũ đúc rút rằng: Tôi phải trải qua nhiều căn nhà, thuê có, xây cất có. Còn nghiệp thì lạc đến năm bảy đường: kịch, họa, văn, thơ, quay phim dịch vụ, chơi trống và cả kinh doanh quảng cáo. Đếm đủ bảy nghề, may sao không ... thất nghiệp. Nhiều nghề vậy, nhưng cuộc sống túng trước quẫn sau. Nhưng, tài sản quý giá nhất của ông đó là tạo ra hướng đi cho riêng mình, góp phần tạo đột phá cho nghệ thuật thư họa Việt Nam. Đó là môn nghệ thuật dùng chữ thư pháp vẽ tên nhân vật, mà cái tên ấy tượng hình cho chính khuôn mặt hoặc chân dung nhân vật ấy. Để đến được với sự khai phá đó, dẫu trải qua bao khổ ải nhưng “lửa” đam mê của họa sỹ Lê Vũ luôn bừng cháy. Đó cũng là cách để ông bền bỉ theo đuổi đến cùng với nghệ thuật. Ông tâm sự: Nghệ thuật sân khấu của gia đình tôi đã trải qua 4 đời: Từ ông cố, ông nội, ba tôi và đến tôi cũng "vướng nghiệp" ánh đèn sân khấu với Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng (Khánh Hòa) trên 10 năm, trong vai trò diễn viên tạp kỹ, độc tấu trống dân tộc, tấu hài và kịch câm.

Bỏ xứ Quảng Nam lao vào cuộc mưu sinh bằng nghệ thuật ở Khánh Hòa, có lúc Lê Vũ cảm thấy đuối sức. Ông chọn cách lấy ngắn nuôi dài là diễn hài, đóng phim để lấy tiền sống và nuôi đam mê hội họa. Với ông, hội họa đã bén duyên từ thời trai trẻ, vẽ truyền thần, vẽ truyện tranh, vẽ biếm họa cho các báo, sáng tác tranh nghệ thuật và có một thời gian dài vẽ panô quảng cáo phim cho các rạp chiếu bóng tại Nha Trang trước 1975. Sau khi rời đoàn Hải Đăng, Lê Vũ được chuyển qua làm họa sĩ Thiết kế phim cho Nha Trang Video (hãng phim Nha Trang thời ấy). Làm được một thời gian, hãng phim xuống dốc, thu nhập hẹp dần, cuộc sống của Lê Vũ càng trở nên khó khăn hơn. Vừa tìm hướng mới cho nghệ thuật hội họa ông vừa phải lo trang trải gia đình. Làm thuê bất cứ việc gì miễn là không bỏ hội họa. Sự chật vật trong cuộc mưu sinh đôi khi cũng tạo ra chất liệu, là liều thuốc kích thích sự lao động, cá tính sáng tạo của ông. Hãng phim bớt bát, ông lại sang giúp việc ở Sở VH-TT Khánh Hòa một thời gian rồi tự thành lập Công ty Quảng cáo & Mỹ thuật Lê Vũ. Làm công ty tư nhân, tự chủ về thời gian nên ông quần quật làm việc suốt ngày đêm nhưng mỗi ngày vẫn dành vài giờ đồng hồ để nghiên cứu hướng đi mới cho nghệ thuật. Khi cuộc sống tạm ổn định, Lê Vũ miệt mài vẽ nhưng luôn thấy thiếu vắng sự đột phá. Sau bao trăn trở ông chọn thư họa.

Định hình được hướng đi riêng cho mình, Lê Vũ liên tục cho ra đời những tác phẩm thư họa ấn tượng, đậm chất Phật giáo. Ông giãi bày: Tôi không bao giờ phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, vì tất cả tôn giáo đều là ánh sáng nhiệm màu của lòng yêu thương. Khởi đầu từ bức thư họa Giác ngộ đầu tiên qua hình ảnh của Đức Phật, bức thứ hai là Từ bi tạo hình Phật bà Quán Thế Âm, thì bức thứ ba lại là bức Bác ái. Ngoài những bức thư họa ấn tượng, lan truyền nhiều nước trên thế giới như: Bồ đề Lạt Ma, Di Lặc, Huệ Năng... tôi cũng có những bức ông già Noel, Lão tử, Khổng tử…Sau khi gặt hái được thành công với các bức thư họa này, Lê Vũ tiếp tục gây ấn tượng bằng nhiều tác phẩm thư họa về các danh nhân. Đó là những danh nhân đáng trân trọng như: Phan Bội Châu, Trịnh Công Sơn, Cao Xuân Hạo... Ông muốn tại hiện hình ảnh các danh nhân bằng thư họa để hậu thế nhớ chân dung và sự nghiệp của họ, để học tập và cám ơn.

Sau gần hai chục năm chìm đắm trong nghệ thuật thư họa, Lê Vũ nghiệm ra cái khó nhất của môn nghệ thuật này là bắt được nét chính của nhân vật muốn vẽ, tìm chữ chính tên của họ mà tạo hình, nhìn dễ đọc, không gượng ép phá chữ. Nhất là phải giống nhân vật muốn vẽ. Đó là điều rất khó, bởi ký họa bình thường cũng đã khó giống rồi. Ông tâm sự: Sáng tạo vốn là trăn trở của người làm nghệ thuật, tôi cũng không ngoại lệ. Ngoài việc tiếp tục con đường thư họa, tôi vẫn tìm tòi thêm một lối đi riêng nữa, nhưng không dám nói trước, vì con đường nghệ thuật dẫu mênh mông nhưng lại rất khó đi, dù chỉ là một lối đi riêng nhỏ cho chính mình. Xác định như thế nên dẫu là khổ ải đến đâu tôi cũng cam lòng. 

ĐẠO HÀ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh