CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:38

Vàng tăng giá: Cẩn thận nguy cơ bong bóng

 

Giá vàng SJC ngày 6/7 tại thị trường Hà Nội duy trì giao dịch quanh mức 37,7 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 38,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Mức giá này đã thêm hơn 1,1 triệu đồng/lượng so với mức 36,45 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 37,02 triệu đồng/lượng chiều bán ra cùng thời điểm ngày hôm trước. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, giá vàng trong nước đã tăng hơn 4 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước tăng theo đà tăng của giá vàng thế giới. Theo Phòng Kinh doanh vàng - Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, vàng thế giới đã đánh dấu tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp do đồng USD suy yếu và triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ sau sự kiện Brexit. Nhu cầu vàng với tư cách tài sản trú ẩn đã đẩy giá kim loại quý tăng mạnh khi giới đầu tư đổ tiền vào kênh này. Các quỹ đầu tư vàng lớn thế giới như SPDR Gold Trust, iShares Gold Trust cũng tiếp tục tăng lượng vàng nắm giữ.

Khi giá vàng tăng mạnh, nhiều người giữ tiền mặt có xu hướng mua vàng lướt sóng, ôm vàng để tăng giá trị tiền. Không ít người mua được vàng ở mức thấp hơn bán chốt lời nên thị trường vàng trong mấy ngày gần đây càng trở nên sôi động. Chị Nguyễn Thị Dung, Long Biên, Hà Nội phấn khởi khoe: Ngày Vía thần tài năm nay chị mua 5 cây vàng SJC lấy may và quả là may thật. Thời điểm chị mua, vàng có giá 33 triệu đồng/lượng. Nhưng đến thời điểm hiện tại, mỗi cây vàng chị Dung mua đã mang về cho chị hơn 3,5 triệu đồng. Bỏ ra 165 triệu đồng trong vòng 4 tháng, chị Dung đã có lãi 15 triệu đồng. “Mặc dù có nghe dự báo giá vàng có thể tăng trong thời gian tới nhưng mình vốn ít nên thấy lãi là “chốt” luôn. So với những hình thức kinh doanh khác như gửi tiết kiệm hay mua ngoại tệ thì vàng vẫn mang lại lợi nhuận cao nhất”, chị Dung chia sẻ. Trong khi đó, có không ít người quyết định đổi USD, rút sổ tiết kiệm để lấy tiền mua vàng lướt sóng với kỳ vọng giá vàng vẫn sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Sự hấp dẫn của vàng những ngày qua đã khiến các tổ chức tài chính quốc tế, quỹ đầu tư thay đổi dự báo về giá trong thời gian tới. Hầu hết đều cho rằng giá vàng sẽ trên 1.400 USD/ounce vào cuối năm và mức cao nhất có thể lên tới 1.600 USD/ounce. Đặc biệt, báo cáo thường niên năm 2016 vừa công bố mang tên “In gold we trust” của nhóm tác giả Ronald - Peter Stoeferle và Mark J.Valek đến từ quỹ đầu tư Incrementum AG đã đưa ra dự báo “khá sốc” khi cho rằng trong 2 năm tới, giá vàng có thể đạt mức 2.300 USD/ounce (tương đương khoảng 62 triệu đồng/lượng). Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô tháng 7/2016, HSBC Việt Nam nhìn nhận vàng sẽ tăng giá mạnh cùng Yen (Nhật) và Franc (Thụy Sĩ) nhờ động thái “đầu tư an toàn” của thị trường trong tương lai gần. Đại diện HSBC phân tích: “Vàng là một dạng tài sản đầu tư ít rủi ro nên sẽ tăng giá sau quyết định rời EU của Anh. Những người đầu tư an toàn nhắm vào vàng giúp lực mua tăng. Trong trường hợp dòng vốn khiến đồng bảng Anh và đồng euro yếu đi, vàng có thể là kênh đầu tư hoàn hảo”

Trước đó, năm 2008, có tổ chức từng dự báo giá vàng có thể lên tới 5.000 USD/ounce (tương đương 100 triệu đồng/lượng) nhưng thực tế lại rớt giá thảm hại và chưa bao giờ lên bằng một nửa mức dự báo. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng, xu hướng giá vàng sẽ tăng trong ngắn hạn nhưng để đạt đến mốc 1.920 USD/ounce vào cuối năm 2011 là điều rất khó. Brexit khiến bảng Anh và euro mất giá nhưng đồng USD tăng. Về nguyên tắc, USD tăng kéo giá vàng giảm nhưng lần này, cả vàng và USD cùng đi lên. Bởi lẽ, sau sự kiện Anh rời EU, người dân đã bán bảng Anh và đồng euro, chuyển sang mua vàng và USD như một kênh bảo toàn tài sản. Trong đó, vàng tăng mạnh hơn nhưng để lên mức kỷ lục tới 2.300 USD/ounce như trong lịch sử hoặc như dự báo của một số tổ chức là điều không dễ dàng.

Vàng tăng giá, người dân đổ đi giao dịch.

Theo nhiều chuyên gia cảnh báo, người dân nếu “lướt sóng” vàng rất nguy hiểm vì giá vàng nội tăng thì chỉ tăng chút một, nhưng xuống ào một cái là lỗ lặng. Vàng miếng hiện nay Ngân hàng nhà nước đang độc quyền và giá phụ thuộc nhiều yếu tố chứ không chỉ so với thế giới. Tại Việt Nam, chênh lệch giá mua vào và bán ra vẫn do các doanh nghiệp tự định ra và khoảng cách này là quá lớn. Khi cần kích thích giao dịch các doanh nghiệp có thể co hẹp khoảng chênh lệch này về 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng. Khi giá vàng biến động mạnh, doanh nghiệp vàng lại giãn khoảng cách này ra tới 3-5 triệu đồng/lượng khiến nhà đầu tư mua giá thấp nhưng không thể bán được giá cao như mức tăng giá vàng thế giới.   

KHÁNH VÂN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh