Văn Yên, Yên Bái: 70.782 hộ nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi
- Dược liệu
- 19:45 - 31/07/2022
Trên cơ sở nội dung của Nghị định 78, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực sự vào cuộc, coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch thường xuyên của Đảng bộ, chính quyền địa phương.
Huyện Văn Yên đã ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn. Hàng năm chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo để xác định các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được thụ hưởng kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ.
Trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, huyện Văn Yên đã tập trung nguồn lực tín dụng ưu đãi qua NHCSXH cho 70.782 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với số tiền là 1.524.514 tỷ đồng.
Thông qua 16 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi đã và và đang triển khai thực hiện, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã, đang và sẽ trở thành nguồn lực quan trọng trong công tác giảm nghèo, là “điểm tựa” cho nhiều gia đình ổn định kinh tế và thực hiện các tiêu chí thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Văn Yên.
Đến 30/06/2022, tổng nguồn vốn cho vay qua các chương trình tín dụng chính sách đạt 637.427 triệu đồng tăng 612.167 triệu đồng so với năm 2003, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11% với 12.684 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn.
Dư nợ bình quân đạt 50,3 triệu đồng/hộ, tăng 42,6 triệu đồng/hộ so với năm 2003. Đồng vốn tuy không lớn nhưng đã kịp thời vươn tới 100% thôn, bản và các xã trên địa bàn huyện Văn Yên thông qua việc ủy thác qua hội, đoàn thể, ủy nhiệm qua hệ thống các Tổ tiết kiệm và vay vốn để đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự trở thành công cụ hữu hiệu góp phần giảm nghèo bền vững.
Với nguồn vốn cho vay từ các chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai trong 20 năm vừa qua, các đối tượng được vay vốn, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo đã đầu tư chăm sóc, cải tạo, trồng mới 10.605 ha rừng, 1.115 ha cây ăn quả, mua 10.112 con trâu bò, 2.320 con lợn, dê và hàng trăm con giống gia súc, gia cầm khác.
Đồng thời mở rộng hàng ngàn mét vuông nhà xưởng sản xuất, đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; làm mới và cải tạo 9.143 công trình nước sạch, 9.110 công trình vệ sinh. Bên cạnh đó 2.122 em học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập, hỗ trợ 1.561 hộ nghèo làm nhà ở, tạo thêm được 3.745 việc làm mới cho người lao động, 31 người được vay vốn đi xuất khẩu lao động, 06 hộ vay vốn nhà ở xã hội, 01 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động, 01 cơ sở mầm non vay vốn phục vụ chi phí sửa chữa cơ sở, mua sắm vật tư y tế phòng chống dịch, mua sắm thiết bị dậy học…