THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:36

Xã Vạn Thắng (Khánh Hòa): Dân kinh hãi các cơ sở chế biến hải sản

Người dân kêu trời!

Dọc theo tuyến đường dẫn vào xã Vạn Thắng, người đi đường không khỏi ám ảnh vì mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ các cơ sở chế biến chả cá và tôm khô nằm xen lẫn trong khu dân cư. Chị Nguyễn Thị Phương, ở ôn Quảng Hội 2, Vạn Thắng chia sẻ: “Khoảng 3 năm về trước, cuộc sống của người dân ở đây vốn rất yên tĩnh, không khí trong lành, nhưng từ khi các cơ sở chế biến hải sản đi vào hoạt động, cuộc sống của chúng tôi bị xáo trộn rất nhiều. Tất cả các hộ dân ở khu vực này luôn sống trong tâm trạng bức xúc vì mùi xú uế, hôi thối đến đau đầu, nhức óc. Nhiều hôm, cả gia đình tôi đang ăn cơm thì mùi hôi thối xộc vào khiến ai cũng đều bỏ bữa”.

Dòng sông Cầu Huyện "chết" vì ô nhiễm

Theo phản ánh của nhiều người dân, trẻ em ở Van Thắng thường xuyên bị viêm xoang, viêm phổi, đau ốm, nhập viện thường xuyên và ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng. Nhiều hộ gia đình phải chọn biện pháp đưa trẻ con đi gửi ở chỗ khác để “lánh nạn ô nhiễm”. Ông Nguyễn Chung. nhà gần một cơ sở chế biến chả cá bức xúc: “Do sống trong ô nhiễm mà 2 đứa con tôi đã bị viêm xoang, còn vợ tôi thường xuyên bị chảy máu mũi. Thương con, vợ chồng tôi đành đưa các cháu về ở trên ngoại, chỉ buổi tối thì đón về nhà. Nhiều năm gia đình tôi treo biển bán nhà những không ai dám mua ở những nơi ô nhiễm như thế này. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã và các cơ quan chức năng nhưng tình trạng hôi thối đến nay vẫn chưa được cải thiện”.

Cũng chính việc các cơ sở chế biến hải sản gây ô nhiễm môi trường mà hoạt động kinh doanh, buôn bán của một số hàng quán ăn, uống ở đây cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Ông Trần Văn Hai, chủ một quán ăn ở Vạn Thắng cho biết: “Tuy quán của gia đình tôi cách các cơ sở chế biến hải sản gần 200 m nhưng mùi hôi thối vẫn bũa vây. Chính vì thế mà khách hàng đến đây ăn uống mỗi ngày một giảm suốt, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của già đình”. Hàng ngày, khi trời nắng lên thì tình trạng ô nhiễm càng nặng nề hơn, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi nhặng đen kịt, làm cho người dân rất khó sống, có hộ phải bỏ nhà đi nơi khác. Trong hầu hết những cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị mấy cơ sở chế biến cá, tôm khô ở đây xả nước thải trực tiếp xuống sông gây ô nhiễm, hôi thối, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con, gây ra các loại bệnh về hô hấp, đường ruột. Bên cạnh đó còn làm cho các loại thủy sản trên sông Cầu Huyện chết dần vì ô nhiễm do hứng chịu lượng chất thải, nước thải từ các cơ sở chế biến hải sản đổ ra. Thế nhưng tất cả cũng chỉ là “lời nói gió bay, người dân vẫn phải sống chung với ô nhiễm".

Cơ sở chế biến vẫn vô tư xả nước thải

Ông Nguyễn Sáng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết, địa phương hiện có 6 cơ sở sản xuất chả cá và tôm khô với quy mô từ 30 đến 50 lao động. Hàng ngày, mỗi cơ sở chế biến trên 1 tấn hải sản, chủ yếu cá và tôm. Các cơ sở này ít nhiều cũng đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới khu dân cư và môi trường xung quanh nhất là về nước thải, mùi hôi trong quá trình sơ chế. Xã có theo dõi các hoạt động của các cơ sở này, nhưng cũng chỉ đi kiểm tra, nhắc nhở chứ chưa có hình thức xử phạt nào cả.

Các cơ sở chế biến xả nước thải trực tiếp ra môi trường

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các cơ sở sản xuất và chế biến thủy hải sản ở đây đều phát triển tự phát, không có quy hoạch, sản xuất kinh doanh theo hộ gia đình. Rồi qua nhiều năm làm ăn phát triển, các hộ này đầu tư mở rộng quy mô và công xuất chế biến. Thế nhưng, điều đặc biệt là các hộ kinh doanh này chỉ chú trọng lợi nhuận mà không quan tâm đến khâu xử lý nước thải, bảo vệ môi trường. Ban đầu chỉ có một vài cơ sở chế biến hải sản mọc lên, nay có gần chục cơ sở tiếp tục “nở ra”, nhanh chóng làm cho sông Cầu Huyện trở nên ô nhiễm nặng nề hơn. Và theo thời gian nó càng bị bồi lắng, phải “gồng mình hứng chịu” lượng lớn chất thải, nước thải độc hại từ các cơ sở chế biến hải sản trực tiếp thải ra.

 Tiếp cận các cơ sở chế biến hải sản, đập vào mắt chúng tôi là có hàng chục lao động đang miệt mài rửa cá, xẻ cá. Vòi nước máy chảy không ngừng nghỉ trên tay những người lao động, rồi chảy thẳng xuống sông Cầu Huyện. Bên hông mỗi cơ sở có hàng chục thùng nhựa chất đầy xác thủy sản đang trong giai đoạn phân hủy, ruồi nhặng bu đen. Mùi tanh nồng nặc tới mức chúng tôi đeo tới hai chiếc khẩu trang vẫn thấy khó chịu. Do nước thải cùng các phế phẩm của cá, tôm chảy ra sông tạo thành lớp bùn đen. Cứ vào thời điểm nước cạn, mùi hôi từ dưới sông bốc lên nồng nặc. Trao đổi với phóng viên Dân Sinh bà Phạm Thị Thuận, chủ cơ sở chế biến chả cá Thuận ở Vạn Thắng thừa nhận: “Nói thật, trong quá trình sơ chế cá chúng tôi xả trực tiếp nước thải xuống sông. Khi thải xuống tôi cũng nhận thấy xuất hiện lớp bùn đen, thế nên cứ dăm bữa nửa tháng thì tôi cho người cào ra xa cho nước cuốn đi. Chúng tôi cũng không biết làm cách nào khác. Trước đây khi cơ sở còn trên thôn Quảng Hội 1( Vạn Thắng), tôi đã cho đào hầm rút và khi đầy thì cho múc đi nhưng cá tanh cho vào trong hầm lâu ngày rất hôi, khi hút càng gây ra mùi khó chịu cho người dân. Thế nên tôi chuyển từ Quảng Hội 1 tới đây, địa thế gần sông, sát ngay cửa biển nên làm xong là xả luôn ra sông cho tiện”. Khi được hỏi về việc thực hiện xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bà chủ cơ sở sản xuất này nói là không có tiền. “Không phải chúng tôi không đi học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu quy trình xử lý nước thải, tuy nhiên nếu lắp đặt hệ thống đúng quy chẩn phải tốn hơn 1 tỷ đồng. Chúng tôi lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để làm. Vậy nên khi không còn cách nào khác chúng tôi đành thải trực tiếp ra môi trường” - bà Thuận cho hay.

Chắc chắn rằng việc làm này là hoàn toàn sai trái, khi cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ nghĩ tới lợi nhuận của mình mà không nghĩ tới hậu quả nghiêm trọng của việc xả chất thải ra môi trường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc các cơ quan chức năng của huyện đi kiểm tra, nhắc nhở thì việc xử phạt các cơ sở này cũng chưa từng có. “Các cơ sở này đề xuất phương án thuê ghe chở nước thải ra biển để đổ nhưng chúng tôi không đồng ý. Và chỉ thống nhất cho cho xe bồn vào hút và đổ ra khu vực xa khu dân cư. Cách xử lý này chỉ mang tính hình thức, tạm thời và cũng gây ra ô nhiễm môi trường tại khu vực bị đổ nước thải” - ông Sáng khẳng định.

Bao giờ xử lý?

Được biết năm 2011, huyện Vạn Ninh có Đề án xây dựng Khu công nghiệp Vạn Ninh tại xã Vạn Thắng và 1 phần xã Vạn Khánh, với quy mô 144 ha, trong đó có hình thành cụm các cơ sở chế biến hải sản. Đây là hướng đi mang tầm chiến lược giúp phát triển kinh tế địa phương, giải quyết triệt để vấn đề gây ô nhiễm môi trường của những cơ sở chế biến hải sản tại xã Vạn Thắng. Tuy nhiên do không có vốn đầu tư nên huyện đã trả lại đất cho người dân canh tác. Ông Lê Văn Khải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh cho biết: “Trước mắt chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm các cơ quan liên quan đi khảo sát và đánh giá chính xác thực trạng gây ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người dân quanh khu vực chế biến hải sản. Đồng thời, phân tích cho chủ cơ sở hiểu rõ hơn về vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất. Đây là ngành nghề mang lại thu nhập cho người dân địa phương khá tốt vì vậy cần có hướng xử lý hợp tình hợp lý. Còn nếu vẫn cố tình tái phạm thì chúng tôi sẽ lập biên bản xử phạt hành chính, thậm chí đình chỉ hoạt động”.

Hàng chục cơ sở chế biến thô sơ, gây ô nhiễm

Ông Khải cho biết thêm, về lâu dài vẫn cần phải xây dựng khu công nghiệp để đưa các cơ sở sản xuất kinh doanh này ra xa khu dân cư. Tại đây các cơ sở sẽ được đấu nối với hệ thống xử lý nước thải chung, có như vậy mới giải quyết triệt để được vấn đề an toàn cho môi trường. Đồng quan điểm với ông Khải, ông Sáng cũng cho rằng cần phải quy hoạch các cơ sở chế biến hải sản thành một làng nghề. Có như vậy thì việc quản lý sẽ chặt chẽ hơn và vấn đề xử lý nước thải mới được giải quyết triệt để.

Khi chúng tôi nhắc đến việc thành lập khu công nghiệp và đưa các cơ sở sản xuất kinh doanh này ra thì hầu hết các chủ cơ sở đều rất đồng tình. “Như vậy thì quá tốt, chúng tôi ủng hộ luôn, chứ cứ sống trong cảnh bị dèm pha thế này tôi cũng đau đầu lắm. Ra ngoài khu công nghiệp, chúng tôi chỉ chú trọng sản xuất kinh doanh và có nghĩa vụ đóng thuế cũng như các khoản phí còn về môi trường đã có hệ thống xử lý riêng đảm bảo” - bà Thuận nói.

      Không thể phủ nhận các cơ sở chế biến hải sản ở Vạn Thắng đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời tạo nên thương hiệu chả cá Vạn Ninh. Nhưng với cách làm thiếu trách nhiệm, coi thường sự sống của môi trường cũng như ảnh hưởng tới người dân xung quanh thiết nghĩ các cơ quan chức năng ở Khánh Hòa cần có biện pháp xử phạt nặng, đồng thời khắc phục tình trạng trên nhằm ổn định đời sống người dân nơi đây.

Xuân Hướng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh