Vấn nạn mua bán người cần sự chung tay của toàn xã hội
- Dược liệu
- 03:04 - 30/11/2019
Những con số biết nói
Phát biểu tại hội nghị, Cục Trưởng cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập cho biết, Trong những năm qua, theo thống kê nhiều Quốc gia trên thế giới có gần 20 triệu người di cư tự do, bất hợp pháp thông qua nhiều tổ chức bất hợp pháp, tổ chức mua bán người hoạt động tinh vi nhưng chưa kiểm soát được hết. Tại Việt Nam Quốc hội thông qua Luật mua bán người có hiệu lực từ ngày 01/01/2012, các Bộ, Ban, Ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm tốt Nghị định số 09/2013/NĐ-CP, thông tư số 134/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH; phối hợp công an, biên phòng làm tốt công tác xác minh, chuyển tuyến khi bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng. Tại các địa phương đã làm tốt công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển xã hội, các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân từ Trung ương đến cơ sở đều được ban hành hàng năm nhưng việc triển khai trong thực tế chưa thực sự quyết liệt. Thiếu các chương trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể, công tác triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng, chống mua bán người có lúc, có nơi chưa đồng bộ và thống nhất. Sự phối hợp liên ngành trong công tác hỗ trợ nạn nhân chưa chặt chẽ, đặc biệt trong việc cung cấp, trao đổi thông tin dẫn đến hiệu quả xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân còn thấp và chưa kịp thời, Cục Trưởng cục phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập cho biết thêm.
Bà Masako Iwashina, cố vấn Trưởng dự án, tổ chức JICA tại Việt Nam chia sẻ tại hội nghị: " Buôn bán người là một trong những tội ác tồi tệ và là tội phạm phức tạp nhất trên thế giới, do vậy chúng ta phải cùng nhau chống lại tội phạm buôn bán người. Dự án tăng cường hoạt động đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân mua bán người tại Việt Nam do tổ chức JICA hỗ trợ. Từ năm 2012 JACA đã cử chuyên gia cố vấn hỗ trợ tại An Giang và Hà Giang, Hà Nội và đang triển khai giai đoạn 2 từ 11/2018 trong vòng 3 năm, triển khai kế hoạch tại Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang để hoạt động, tiếp nhận đường dây nóng tại 64 tỉnh thành . Chúng tôi đang tăng cường hệ thống các cấp như: hợp tác giữa các cơ quan liên Bộ, chuyển tuyến, chia sẻ thông tin liên quan giữa các tỉnh, thành; giữa các địa phương với nhau".
Hỗ trợ nạn nhân
Theo báo cáo thống kê cơ bản của các tỉnh, thành phố, từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2019, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, hỗ trợ 2.961 nạn nhân, trong đó, 2.891 nữ, 528 người dưới 18 tuổi. Dựa trên nhu cầu của nạn nhân, có 2.216 nạn nhân được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, 1.347 người được hỗ trợ y tế, 2.105 người được tư vấn tâm lý, 1003 người được trợ giúp pháp lý, 103 người được hỗ trợ học văn hóa, học nghề; 817 người được trợ cấp khó khăn ban đầu và 72 người vay vốn sản xuất.
Ông Nguyễn Xuân Lập chia sẻ: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội luôn quan tâm, chỉ đạo lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về với chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em.
Tại các địa phương, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh/thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan chỉ đạo các huyện, quận, thị xã, thành phố làm tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân gắn với chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, phòng, chống ma túy, trợ giúp xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội, dạy nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa tại địa phương.
Các chương trình này đều chú trọng tới các đối tượng là chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Tạo điều kiện cho họ được tiếp cận các thông tin, kiến thức về mua bán người, được hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm để tạo ra thu nhập, ổn định cuộc sống
Đồng thời, tăng cường và huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng trong hỗ trợ, giúp đỡ người bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng thông qua các mô hình cho vay vốn tín dụng; huy động các nguồn lực sẵn có tại địa phương để đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, tạo điều kiện cho nhiều lao động có việc làm, ổn định cuộc sống, hạn chế nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người vì mục đích tìm việc làm.