THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:07

Vấn nạn hàng nhái, hàng giả vẫn diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng

Hoàn thiện khung khổ pháp lý để chống hàng giả, hàng nhái

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đến dự và phát biểu. Phó Thủ tướng đề nghị, các cơ quan chức năng, nhất là các Bộ Tài chính, Công Thương, Công an, Khoa học và Công nghệ tiếp tục chủ động, thường xuyên rà soát chính sách, pháp luật liên quan. Đồng thời, kịp thời phát hiện những bất cập để khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý vững chắc tạo thuận lợi cho thực thi công tác chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

 

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc Gia phát biểu 

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, đây là việc làm thiết thực để góp phần thực hiện chủ trương chống hàng giả của Đảng và Nhà nước. Sự tham gia đông đảo của các cơ quan chức năng hiệp hội, doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đối với các công tác chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu hiện nay. Đặc biệt, vấn đề về an toàn thực phẩm đang diễn ra rất phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trên cả nước. Nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón kém chất lượng… đã ảnh hưởng đến chất lượng vật nuôi, cây trồng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu, lực lượng Hải quan cùng lực lượng Biên phòng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng trên; không để những mặt hàng kém chất lượng, có tồn dư chất độc được nhập khẩu cả đường chính ngạch, tiểu ngạch cũng như buôn lậu vào Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan thực thi, nhất là trong công tác giám sát thị trường; quản lý tốt hệ thống phân phối, thu nhập, cung cấp thông tin và hỗ trợ các cơ quan thực thi trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm.

Vấn nạn hàng nhái, hàng giả vẫn diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng

Ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch Hiệp hội VATAP cho biết, vấn nạn hàng nhái, hàng giả, vi phạm SHTT đang diễn ra phức tạp và có xu hướng gia tăng. Trong lĩnh vực chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm SHTT rất khó chỉ ra nhóm hàng nào không bị làm giả từ mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, điện tử, điện lạnh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc nuôi trồng thủy sản, các loại hàng sắt, tôn lợp, vật liệu xây dựng các loại, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi…

 

VATAP kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh cần làm quyết liệt, mạnh hơn chính sách áp thuế bán phá giá. Hiệp hội dẫn chứng, hiện nhiều DN nhập thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y hàng ngàn chủng loại, 90% trong số đó nhập từ Trung Quốc, nhiều loại chứa hàm lượng độc tố cao (ngay ở Trung Quốc cũng chỉ cho phép sử dụng vài trăm hoạt chất) gây hại cho nền nông nghiệp trong nước. Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện kiểm tra trong nội địa và kiểm soát ở biên giới chưa gắn kết với nhau.

Bên cạnh đó, hiện có nhiều tổ chức như: công an, hải quan, quản lý thị trường, thanh tra… làm nhiệm vụ thực thi song chưa phân định rõ đầu mối để quy rõ trách nhiệm dẫn đến tình trạng chồng chéo và không rõ trách nhiệm. Do vậy, VATAP kiến nghị xem lại thẩm quyền của từng lực lượng thực thi nhằm đảm bảo trách nhiệm trong chủ trì, phối hợp trong phát hiện và xử lý vi phạm.

Ngoài ra, phía VATAP cho rằng, việc cấp phép lưu hành chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn hợp quy việc cấp tem CR (tem chất lượng) là rất… hình thức, không kiểm soát được sau khi cấp. Chính vì vậy, kiến nghị Chính phủ yêu cầu các Bộ phải nghiên cứu, cải tiến theo hướng ban bố tiêu chuẩn, căn cứ vào tiêu chuẩn đó để kiểm tra và DN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu làm sai. Thêm vào đó, VATAP kiến nghị các Bộ (Bộ Công Thương, Bộ Y Tế, Cục Quản lý dược, VSATTP) thống nhất về các tiêu chí khi kiểm tra hàng hóa bởi hiện nay quy định chưa thống nhất, nhất là cách ghi nhãn hàng hóa.

Về kiểm tra xử lý hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, vi phạm SHTT trong thời gian tới, VATAP kiến nghị cần triển khai có trọng tâm trọng điểm vào các mặt hàng như: thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, đồ uống, thực phẩm chữa bệnh, thuốc thú y, mỹ phẩm… đối với các địa bàn trọng điểm.

Được biết trong 10 tháng của năm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện 145.000 vụ kiểm tra, phát hiện 88.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, với số tiền xử phạt, thu về cho ngân sách 523 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại vẫn xảy ra, có chiều hướng gia tăng, trở thành vấn nạn nhức nhối trong xã hội.

 

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh