Nhạc sỹ Văn Ký và bài hát "Nha Trang mùa thu lại về"
- Văn hóa - Giải trí
- 16:22 - 01/09/2017
Chả biết có phải do vậy không mà Văn Ký định cư ở Hà Nội và thành danh với những bài hát gắn với những vùng quê khác nhau. Bài hát “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” viết về miền Tây Bắc, bài “Tây Nguyên bất khuất” viết về Tây Nguyên và anh hùng Núp, viết về Hà Nội thì ông có “Trời Hà Nội xanh” và “Nha Trang mùa thu lại về” đã khiến ông thành nghệ sĩ của nhân dân, thành người con yêu quý của thành phố biển.
Biển Nha Trang mùa thu
Mùa thu – tháng tám năm 1975, khi miền Nam vừa giải phóng được ba tháng, ông cùng một đoàn nhạc sĩ đi trên một chiếc xe U-oát rong ruổi vào nam. Đến Nha Trang, trong không khí nước nhà độc lập, trước một bãi biển thơ mộng tràn ngập cờ đỏ và nắng vàng ông đã ấp ủ một bài hát về nơi này. Nhưng cũng phải mãi đến năm 1977 bài hát “Nha Trang mùa thu lại về” mới được ông viết tại Hà Nội trong đúng chưa đầy hai tiếng đồng hồ, viết liền một mạch sau đó chỉ chỉnh lại một chút về giai điệu. Ngay lập tức bài hát được gửi vào hội diễn ở thành phố biển, do tốp nữ trình bày và đạt huy chương vàng. Giai điệu đẹp, lời ca mượt mà bài hát đã được mọi người dân Nha Trang đón nhận một cách tự giác và họ coi Văn Ký là thần tượng của mình.
“Nha Trang mùa thu lại về” với sự ngọt ngào, say đắm và du dương đã trở thành một trong 4 ca khúc hay nhất về thành phố biển Nha Trang cho đến nay. Mùa thu trong bài hát không còn chỉ là sự quyến rũ, vẻ đẹp của thiên nhiên, mà đó là mùa thu cách mạng là sự háo hức trong lòng người với men say của niềm vui độc lập.
Nhạc sỹ Văn Ký trẻ trung ở tuổi gần 90
Với bài hát này, nhạc sĩ Văn Ký đã được thành phố Nha Trang tặng giải thưởng cống hiến – đó là một vinh dự, là sự ghi nhận những đóng góp của ông. Tuy nhiên, Văn Ký bảo “Mình thực sự thích thú với một thứ giải thưởng khác – không phải nhạc sĩ nào cũng có được. Đó là giải thưởng nhân dân”.
Mùa thu năm 2005, Văn Ký có dịp trở lại Nha Trang vừa từ trên tàu hỏa bước xuống, người bạn bảo: Anh Văn Ký có thích ngồi trên xích lô vừa đi vừa ngắm phố, ngắm biển không?. Thích chứ! Vậy thì còn gì thú bằng. Về đến khách sạn, bác chạy xe xích lô nhẹ nhàng: Có phải đây chính là tác giả bài hát hay nhất về Nha Trang không? Đúng vậy, người bạn nhạc sĩ nói. Vậy thì cho tôi được phép không nhận tiền cuốc xe này và từ nay về sau cũng vậy. Được chở nhạc sĩ mà mình yêu thích là vui lắm rồi.
Một thoáng tần ngần, rồi Văn Ký bảo: Cả ba chúng ta cùng ra bờ biển ăn sáng, uống cà phê đi – tôi đãi.
Một lần khác, Văn Ký được một người bạn là nhạc sỹ Đỗ Trí Dũng đưa đến ăn sáng tại nhà hàng Lus trên đường Hoàng Văn Thụ, Nha Trang. Nghe hai người nói chuyện, bà chủ quán - một người rất mê văn nghệ, tình cờ biết đây là Văn Ký. Bà chủ mời hai người lên lầu, tưởng có chuyện gì, hóa ra bà muốn được hát bài “Nha Trang mùa thu lại về” cho chính người đã viết ra nó nghe trên đất Nha Trang. Bà Đính - chủ quán là người vốn hát khá hay, hôm ấy trong không khí thật đặc biệt giọng hát lại càng hay hơn khiến rất đông khách có mặt phải giật mình. Sau lần ấy, hễ có dịp vào Nha Trang, Văn Ký lại tìm đến Lus như tìm lại một chút kỷ niệm xưa thật ngọt ngào. Và có lẽ trong sự nghiệp sáng tác không phải nhạc sĩ nào cũng có những có những ký ức đẹp đẽ như vậy!
Nhạc sỹ Văn Ký trả lời trên truyền hình
Một lần, tôi có may mắn được gặp nhạc sỹ Văn Ký ông bảo: Có một nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng nói “mọi thứ nghệ thuật có thể mất đi nhưng âm nhạc thì sống mãi’. Và ông nhấn mạnh – quan trọng nó phải sống trong tâm trí, trở thành tình cảm của người dân. Cũng thật may, tôi đã chứng kiến bài hát “Nha Trang mùa thu lại về” được người dân yêu quý đến mức nào.
Khi cùng nhạc sĩ ra thăm Đảo Hoa Lan – thuộc Công ty Du lịch Long Phú của Tổng Công ty Khánh Việt, một cuộc gặp gỡ tình cờ diễn ra giữa nhạc sỹ và một người chăn bò khắc khổ ở trên đảo. Sau khi hỏi han về đời sống, nhạc sỹ nói tên mình, bác chăn bò rơm ướm nước mắt, ông cầm chặt tay nhạc sỹ mãi không rời, sau đó bác chạy vội về nhà. Văn Ký còn chưa hiểu chuyện gì thì bác chăn bò trở lại với rất nhiều người.
- Tôi muốn xin nhạc sỹ giúp một chuyện – bác nói. Đây là vợ và các con tôi, cả nhà tôi đều thích và thuộc bài “Nha Trang mùa thu lại về” nhưng không bao giờ nghĩ lại được gặp người viết ra nó. Xin nhạc sỹ cho mọi người trong gia đình tôi được bắt tay ông một lần thôi.
Văn Ký xúc động không nói nên lời, ông không chỉ bắt tay mà ôm chầm lấy những con người bình dị nọ.
Nhạc sĩ Văn Ký còn có một bài hát khác về Nha Trang. Ông kể, một đêm nọ, trăng rất đẹp Văn Ký ngồi bên biển Nha Trang thì thấy có một vật gì như con cá đang nhảy trên bãi cát. Ông chạy theo thì thấy đó là một tờ giấy trên đó có một bài thơ không ghi rõ tên chỉ có hai chữ viết tắt ở cuối bài là T.N. Ông lấy ra một đôi ý của bài thơ và bài hát “Nhớ Nha Trang” ra đời. Bài hát có những câu rất hay như “Tôi hỏi trăng vầng trăng không nói” và có những câu thể hiện tình cảm tha thiết của ông “Xa ngàn trùng tôi vẫn nhớ Nha Trang”.
Bây giờ đã bước sang tuổi 90 nhưng niềm say mê âm nhạc, tình cảm với quê hương đất nước nói chung, với Nha Trang nói riêng trong ông vẫn không hề suy giảm. Và cũng vậy không chỉ những công dân của thành phố biển mà bất cứ người Việt Nam nào khi cất lên câu hát “Ơi Nha Trang mùa thu lại về” thì trong lòng lại rạo rực tình cảm với Nha Trang và với người nhạc sĩ tài hoa Văn Ký.