THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:54

Vận động viên đỉnh cao bây giờ vẫn thua... người xưa

 

Usain Bolt và người Australia cổ đại


Trong bộ môn điền kinh, một vận động viên đang giữ kỷ lục Thế vận hội và thế giới hiện nay là anh Usain Bolt, người Jamaica sinh năm 1986. Anh là nhà vô địch nội dung chạy nước rút ở cự ly 100 mét chỉ với 9,58 giây, 200 mét - 19,19 giây và cùng đồng đội chia sẻ kỷ lục ở nội dung chạy 400 mét tiếp sức - 37,04  giây. Tại Olympic Bắc Kinh năm 2008, anh đã trở thành nam vận động viên đầu tiên đoạt huy chương vàng ở cả ba nội dung trên cũng lập cả ba kỷ lục thế giới mới. Vì thế, báo chí gọi anh là Bolt tia chớp. Tính tới thời điểm này có thể nói, anh là người chạy nhanh nhất hành tinh với 42 kilômét/giờ. Thế nhưng, theo những dấu vết trên các con đường hóa thạch 20 nghìn năm tuổi ở Australia, người ta thấy rằng, xưa kia thổ dân Australia- những người Aussie thường ngày vẫn chạy đi chạy lại với tốc độ 37 km/giờ bằng chân đất. Và nếu như họ chạy ở trường đua có bề mặt nhẵn phẳng , lại bằng giày đinh để chân đỡ đau thì tốc độ có thể lên tới 45 km/giờ. Sở dĩ như vậy vì người xưa có chân tay dài, chắc khỏe nhiều hơn ngày nay tới 40%. Họ còn là những thợ săn thiện xạ trên sa mạc chuyên bắt những con thú nhảy siêu tốc như kangaroo và emus. Bình thường một người hôm nay có thể chạy được 24 km/giờ, chậm hơn anh Bolt 18 km do anh ta không được tập luyện và có kinh nghiệm như anh Bolt ,và nếu quay lại ngày xưa một người Aussie cũng được tập luyện thì anh ta sẽ có thể chạy đến 63 km/giờ.

Samuel Kamau Wanjiru và người Mỹ cổ đại


Tương tự Usain Bolt, Samuel Wanjiru (1986) cũng là người giữ kỷ lục về chạy đường trường nhanh nhất quả đất. Năm 18 tuổi, anh đã vô địch nội dung bán marathon, và mới đây nhất vào năm 2008 ở Olympic Bắc Kinh, anh đã lập nên một kỳ tích mới chạy marathon chỉ với hai giờ, sáu phút, 32 giây, trở thành người Kenya đầu tiên dành huy chương vàng Thế vận hội về marathon. Năm 2009, anh tiếp tục vô địch cuộc thi London Marathon và Chicago Marathon, và là người chạy nhanh nhất trong lịch sử thể thao Anh, Mỹ. Tuy nhiên, nếu có một thổ dân Mỹ cổ đại ở đó cùng thi với anh thì danh hiệu trên rất có thể được trao cho người thổ dân đó. Bởi vì anh ta không những chạy nhanh mà còn chạy xa hơn nhiều. Được biết người Mojave có một môn thể thao gọi là kickball giống như bóng đá ngày nay, để chiến thắng một người phải dẫn bóng (đá một quả bóng gỗ) từ một điểm này tới một điểm kia cách xa hàng kilômét trong thời gian ngắn nhất xuyên qua các sa mạc ven sông Colorado. Mỗi ngày, người Mojave chơi rất nhiều trận, cùng với các hoạt động chạy nhảy khác trung bình lên tới 322 km/ngày. Cũng có một người hiện giữ kỷ lục thế giới về chạy dài trong một ngày là anh Yiannis Kouros, vận động viên người Hy Lạp. Vào năm 1997, anh đã chạy xa được tới 304 km/ngày song đó là chạy trên đường trơn tru, không như người xưa phải chạy trên địa hình gồ ghề và tránh rắn chuông, chồn, sói dọc đường.

Jan Zelezny và lao thủ Hy Lạp cổ đại

Jan Zelezny, người Czech (1966) lại là vận động viên vô địch nội dung ném lao thế giới, Olympic và hiện giờ giữ năm kỷ lục quốc tế, nhất là kỷ lục 98,48 mét tại Atlanta năm 1996. Chỉ với một lần phóng lao, ngọn lao của anh đã bay xa tới hơn 98 mét. Dù vậy, kỷ lục này vẫn chưa thấm thoát gì nếu anh thi đấu cùng một vận động viên Hy Lạp cổ đại bởi lẽ những nhà vô địch Olympic đầu tiên còn ném lao xa hơn 150 mét. Đầu thế kỷ 19, nam giới bộ tộc Dalleburra Australia cũng ném được những chiếc giáo gỗ đi xa 110 mét. Để lý giải điều này, chỉ có thể nói rằng cái lao hồi xưa nhẹ hơn hoặc tư thế phóng lao lúc ấy chuẩn hơn.

 

Viktor Ruban và cung thủ Mông Cổ xưa

Để dành huy chương vàng ở Olympic Bắc Kinh 2008, Viktor Ruban (1981), một vận động viên người Ukraine đã bắn được năm mũi tên trong 12 mũi tên vào đúng hồng tâm cách xa 70 mét. Đến nay, những vận động viên bắn được trúng đích nhiều lần như vậy hãy còn rất hiếm. Song, vào thời xưa khi việc bắn cung là một điều tất yếu trên chiến trường quyết định sinh tử, thì con số chuyên gia bắn tên trăm trúng phải tới hàng trăm. Đặc biệt ở quân đội của Thành Cát Tư Hãn Mông Cổ, một đội quân hiếu chiến đã từng xâm chiếm châu Âu thì mỗi cung thủ còn có thể bắn trúng vào một lá cờ bé xíu cách xa 150 mét, thậm chí 536 mét và hạ dễ dàng một con vịt trời đang bay chỉ với một mũi tên. Các cung thủ Caribea thế kỷ 17 cũng đã từng bắn trúng những đồng xu cách xa 76 mét. Để bắn giỏi như vậy, họ cần tập luyện hết sức kỹ lưỡng. Không như các vận động viên bây giờ thường chỉ tập bắn mỗi ngày 40 tiếng, người Mông Cổ xưa tập tới 80 tiếng/tuần và đã làm quen với cung từ nhỏ, khi đến 17 tuổi, độ tuổi trưởng thành, họ đã luyện tập được 64 nghìn tiếng. Các vận động viên hôm nay đều dùng cung tên bằng sợi các bon công nghệ cao, đứng ở một chỗ cố định song ngày xưa người ta đều dùng cung gỗ cưỡi trên lưng ngựa, bắn vào mục tiêu di động.

 

Javier Castellano và kỵ sĩ Mông Cổ xưa

Javier Castellano, người Venezuela (1977) là vận động viên cưỡi ngựa lão làng hiện nay trong giới nài ngựa quốc tế. Vào năm 2013, bằng các cuộc đua, anh đã kiếm được 26 triệu đô la và năm 2014 là 25 triệu đô la. Tổng số anh đã đua ở hàng nghìn cuộc thi và nổi tiếng vì những màn vắt vẻo phi nhanh như gió. So với anh, các kỵ sĩ Mông Cổ xưa không kiếm được nhiều tiền như vậy song họ có thể đánh bại bất cứ ai dám đua với mình. Là dân du mục, cả con trai con gái Mông Cổ đều biết cưỡi ngựa và hàng ngày vượt xa hàng trăm km đồi nú để chăn thả gia súc. Thành Cát Tư Hãn, vị hoàng đế của họ đã xây dựng quân đội dựa trên các tộc người du mục và dùng các kỵ sĩ giỏi để đi chiến đấu, truyền tin khắp nơi. Họ đi nhanh, thắng nhanh thần tốc, đến nỗi quân địch chỉ cần nghe danh còn đang bàng hoàng thì đã thấy đoàn kỵ binh tràn tới. Nhờ các cuộc viễn chinh, Thành Cát Tư Hãn đã tạo nên một đế chế vô cùng phồn vinh, chỉ đến thời cháu trai của ông vì mất lòng tin của các bộ lạc nên đã mất nước.

 

Ilya Ilyn và người Neanderthals tiền sử

Dân Kazakh nổi tiếng là những vận động viên cử tạ giỏi, trong đó anh Ilya Aleksandrovich Ilyn (1988) là một ví dụ. Anh đã hai lần vô địch Olympic, bốn lần vô địch thế giới và hiện là người giữ kỷ lục cử đẩy 242 kilôgam và tổng cử 432 kilôgam. Vào năm 2014, anh đã phá kỷ lục của chính mình, cũng là kỷ lục thế giới mới, nâng từ mức 418 kilôgam ở hạng cân 95 lên 432 kilôgam. Mặc dù hiện là người khỏe nhất hiện nay song nếu so anh với một người Neanderthal tiền sử thì đó sẽ là một sự khập khiễng. Theo các nghiên cứu thì người Neanderthal đã xuất hiện từ cách đây 41 nghìn năm, có quan hệ gần với người hiện đại với DNA chỉ khác 0,12%. Tuy là người tiền sử song họ khá vạm vỡ, nam cao tới 168 centimét, nữ cao 156 centimét, nặng gần 78 kilôgam và có bộ não cực lớn, khi mới sinh giống như chúng ta song khi trưởng thành thì lớn gần 1/3. Không chỉ vậy nam giới còn có nhiều cơ bắp hơn, nhờ thế khỏe hơn chúng ta từ 126 đến 138%. Nếu so với anh Ilya, một người Neanderthal lực lưỡng có thể cử đẩy 309 kilôgam và tổng cử 554 kilôgam. Trong giải đấu của nữ, chị Zhou Lulu vận động viên Trung Quốc cũng lập được kỷ lục thế giới hạng cân 75 kilôgam với số điểm là 328 kilôgam. Song nếu là một nữ lực sĩ Neanderthal thì con số này sẽ là 475 kilôgam. Do họ cũng khỏe hơn phụ nữ ngày nay 145%, hơn thế còn có tay ngắn giúp nhấc được nhiều.

 Javier Sotomayor Sanabria và thổ dân Tutsi thế kỷ 19

Javier Sotomayor Sanabria, người Cuba (1967) là một nhà vô địch thế giới nội dung nhảy cao với kỷ lục 2,54 mét tại Olympic Barcelona năm 1992. Bằng sự vượt qua chiều cao hơn 8 feet, anh là người duy nhất cho đến nay nhảy cao nhất thế giới. Thế nhưng, được biết những người Tutsi, thổ dân của Rwanda xưa thế kỷ 19 còn nhảy cao hơn. Với các vận động viên hôm nay, nhảy cao là để dành niềm vinh quang về cho quê hương song với thổ dân Tutsi thì đó là một việc làm để chứng minh họ đã trưởng thành, không còn bé bỏng. Theo văn hóa của họ, khi đến tuổi cập kê mỗi người sẽ phải nhảy cao được bằng chiều cao cơ thể, càng cao thì càng phải nhảy cao, thường từ 2,0 đến 2,52 mét mà không cần tập, còn nếu tập thì phải đạt tới ba mét.

 Wladimir Klitschko và người Australopithecus tiền sử

Wladimir Klitschko là võ sĩ quyền anh vô địch hạng nặng của thế giới. Anh sinh năm 1976 tại Ukraine và  đang giữ tới năm cái đai quán quân võ sĩ  gồm WBA, IBF, WBO, IBO và The Ring. Công chúng biết tới anh với những cú đấm tựa sấm sét và cái tên Tiến sĩ búa thép, bất khả chiến bại. Song khi xem lại lịch sử, thì bạn sẽ phải ngạc nhiên vì những người Australopithecus tiền sử thấp hơn anh Wladimir đến 60 centimét còn khỏe  mạnh hơn. Họ đã xuất hiện cách đây bốn triệu năm và có đóng góp cho sự phát triển của loài người với một chi là loài Homo- tiền thân của chúng ta ra đời cách đây ba triệu năm. Tuy rằng bé nhỏ, chỉ cao từ 1,2 đến 1,4 mét song họ có cơ bắp rắn chắc gấp bốn lần người bây giờ. Một loài có sức lực giống người Australopithecus là loài tinh tinh, những con đực bình thường có thể nhấc được 272 kilôgam, và cá biệt một con cái được biết đã dùng một tay kéo rê 572 kilôgam. Giả sử nếu để chúng vào trong võ đài thì không chỉ chúng hạ đo ván bạn mà còn quăng bạn khỏi sân tức thì.

 Vận động viên đua thuyền Olympic và thợ chèo Athen xưa.

Khi nghĩ đến những vận động viên đua thuyền hôm nay hẳn mọi người sẽ thích vì những sải tay chèo lưới đi thoăn thoắt. Thế nhưng, trở về 2500 năm trước, thì những tay chèo ấy còn như đang bay, phi trên mặt nước. Vào năm 427 trước Công Nguyên, một con thuyền chiến ba tầng của Athen đã thực hiện một chuyến đi dài 340 km từ đây tới Lesbos chỉ trong một ngày trong khi nếu là những tay chèo hiện đại một ngày cũng chỉ đi được 210 km, với tốc độ 9 km/giờ. Buổi ấy, Athen có khoảng 200 chiếc thuyền ba tầng và 34 nghìn tay chèo hàng ngày rong ruổi khắp nơi với tốc độ trung bình 14 km/giờ.

Chu Mạnh Cường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh