THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:49

Vận động viên chân đất đẩy gậy ra “vàng”

 

Bất khả chiến bại

Nguyễn Thị Kiều sinh ra trong gia đình có 4 chị em, bố mẹ đều là nông dân. So với đám bạn cùng trang lứa, Kiều to lớn khác thường. Cô kể với sự thật thà chân chất: “Ngày còn bé tôi luôn bị các bạn đùa cợt và kỳ thị bởi thân hình to lớn. Vì thế tôi bỏ học ngang chừng ở nhà giúp bố mẹ việc đồng áng”.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây đã lâu mà chưa hoàn thiện, trên tường treo kín những tấm huy chương, bằng khen, giấy khen các loại, trong đó đáng chú ý là nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Nhìn vào thành tích ấy, ít ai biết rằng VĐV đẩy gậy từng không có đối thủ ở hạng cân trên 75 kg hàng ngày vẫn phải chăn bò và giúp bố mẹ việc ruộng đồng. Năm 2007, trong một lần sang Bắc Ninh, Kiều đã gặp được thầy dạy võ vật, nhưng do chỉ thích đẩy gậy và cuối cùng cô cũng được thầy nhận đào tạo. Năm 2009, lần đầu tiên ở danh nghĩa VĐV, Kiều đầu quân cho tỉnh Bắc Ninh và giành tấm HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc. Với thành tích xuất sắc và triển vọng, nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bắc Kạn đặt vấn đề “chiêu mộ” nhưng Kiều quyết định trở về Bắc Giang.

VĐV Nguyễn Thị Kiều.

Những ai từng chứng kiến Kiều thi đấu đều không thể quên được hình ảnh một cô gái có thân hình cồng kềnh tập tễnh bước đi và luôn chỉ đi chân đất mỗi khi thi đấu (vì không có giày vừa chân). Điều đó đã khiến cho cô gặp những bất lợi lớn do không phải mặt sân nào cũng thích hợp với chân đất, thậm chí có thể gây nguy hiểm, chấn thương. Kể từ ngày tham gia đẩy gậy chưa khi nào cô bị thua trước các đối thủ ở cùng hạng cân. Kiều từng đấu với một VĐV của đội TP Hồ Chí Minh tại giải đấu toàn quốc, dù đội bạn có sự đầu tư chuyên nghiệp, bài bàn hơn hẳn. Thành tích của Kiều được biết đến hiện nay với 7 HCV toàn quốc và không thể kể hết các HCV tại các giải khu vực và trong tỉnh. Nguyễn Thị Kiều thật thà chia sẻ: “Chân to ngoại cỡ nên không vừa tất cả các loại giày, muốn có giày thi đấu phải đặt riêng, nhưng ít nhất cũng phải trên 5 triệu đồng một đôi, có khi hơn chục triệu đồng, trong khi đó gia đình khó khăn, chế độ cho VĐV môn đẩy gậy chưa đáp ứng được nên tôi đành phải thi đấu chân đất. Chính đối thủ bị tôi đánh bại là chị Nguyễn Thị Kim Hợp, VĐV của TP Hồ Chí Minh đã ngỏ ý tặng một đôi giày đấu và một số món quà.

Luôn đam mê

Đẩy gậy là môn thế mạnh, nhiều năm Bắc Giang luôn đứng ở vị trí thứ hai, chỉ sau TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên từ năm 2010, môn này không nằm trong hệ thống các môn thi đấu của Đại hội TDTT toàn quốc nên không còn được đầu tư nhiều như trước, đây là điều rất thiệt thòi cho các VĐV đẩy gậy nói chung và bản thân Kiều nói riêng. Trong khi đó mỗi năm chỉ diễn ra từ 2 đến 3 giải toàn quốc và khu vực. Mỗi khi chuẩn bị thi đấu, Sở VH-TT&DL mới triệu tập đội tuyển tập trung khoảng một tuần, thi đấu xong ai về nhà ấy. Đồng đội của Kiều hầu hết đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, có người đã xây dựng gia đình nhưng bản thân cô thì không thể xin làm công nhân mà phải ở nhà phụ giúp bố mẹ nuôi bò, chăn lợn và không hề có khoản thu nhập nào khác. Thi đấu nếu có huy chương thì mới được tiền thưởng. Tuy vậy, mỗi khi nhận được “lệnh” là Kiều sẵn sàng chuẩn bị tập luyện, nỗ lực giành kết quả cao. Ngoài yêu cầu về thể lực, VĐV đẩy gậy phải có tính kiên trì, khả năng chịu đau tốt. Đồng thời trong từng tình huống trận đấu thì trí tuệ, kỹ thuật cũng rất cần thiết để đạt mục tiêu cao nhất. Hỏi về dự định trong tương lai, Kiều chỉ cười rồi nói: “Được đến đâu hay đến đó, giờ còn khả năng thì tiếp tục cống hiến, cũng khó có cơ hội cho tôi thành công hơn nữa khi đẩy gậy chỉ còn ở sân chơi phong trào”.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó trưởng Phòng Quản lý TDTT (Sở VH-TT&DL Bắc Giang) cho hay, hoàn cảnh gia đình Kiều rất khó khăn, chế độ đãi ngộ của Nhà nước không có, cô chỉ thi đấu theo mùa vụ nên sân chơi của các VĐV đẩy gậy nói chung đã bị thu hẹp rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên khi tập luyện Kiều rất chăm chỉ, chịu khó, thi đấu rất mạnh mẽ, quyết tâm cao và luôn lạc quan. 

NGUYỄN HƯỞNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh