CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:39

Vẫn còn tồn 200.000 tấn thịt lợn hơi

 

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, từ tháng 2/2017 giá thịt lợn hơi xuất chuồng bắt đầu giảm mạnh, đến thời điểm tháng 3 và tháng 4/2017, giá giảm xuống mức 25.000 đồng/kg. Thậm chí có những ngày giá còn xuống dưới mức 20.000 đồng/kg ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và một số tỉnh phía Bắc, thấp nhất trong 10 năm qua.

Tính đến thời điểm đầu tháng 5/2017, giá do người chăn nuôi nông hộ, trang trại quy mô nhỏ có nơi chỉ bán được khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ nặng, mỗi con lợn có thể lỗ từ 1 - 1,5 triệu đồng.

Số lượng lợn được tiêu thụ không tăng trong khi còn một số lượng lợn tương đối lớn tồn trong các trang trại, cơ sở chăn nuôi.


Báo cáo nhanh của các địa phương cho thấy, hiện còn một lượng lợn thịt trọng lượng từ 100 – 150kg/con, tồn đọng trong các cơ sở chăn nuôi, tương đương 200.000 tấn thịt hơi.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay, đa phần người chăn nuôi dù nuôi nhỏ lẻ hay nuôi quy mô trang trại thì vẫn tự sản xuất từ con giống, nuôi lớn cho tới khi xuất bán ra thị trường thông qua thương lái. Cách làm này đang dần bộc lộ nhiều yếu kém trong bối cảnh nền kinh tế thị trường.

Nghịch lý ở đây là dù giá bán tại chuồng, cổng trại xuống rất thấp nhưng giá bán thịt lợn tại các chợ, siêu thị đến tay người tiêu dùng vẫn duy trì ở mức cao (chỉ giảm khoảng 10 - 15% so với lúc giá lợn hơi cao, tương đương khoảng từ 70.000 - 90.000 đồng/kg tùy loại thịt), có nghĩa là người tiêu dùng không mua được thịt giá rẻ, người chăn nuôi bán lỗ vốn trong khi phần chênh lệch được thương lái, khâu lưu thông trung gian hưởng.

Trước thực trạng giá thịt lợn xuống thấp, thời gian qua, một số địa phương đã tích cực triển khai giải pháp tháo gỡ đầu ra và ổn định phát triển chăn nuôi. Đơn cử như tại Đồng Nai tổ chức 11 điểm thu mua lợn tập trung với giá khảng 30.000 – 31.000 đồng/kg và bán sản phẩm thịt với mức ổn định trung bình từ 55.000 – 60.000 đồng/kg.

Công ty CP Tập đoàn Dabaco tăng cường thu mua lợn thịt thương phẩm của người dân, Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương đã thu mua giết mổ khoảng 20.000 con lợn thịt, Công ty Thực phẩm Xanh Hà Nội có kế hoạch tiêu thụ 25.000 tấn với các loại lợn trên 120kg/con. Ngoài ra, nhiều hệ thống siêu thị đã cam kết giá mua lợn hơi cho các hộ chăn nuôi, đảm bảo để người nông dân bớt khó khăn.

Cục Chăn nuôi đề nghị, trong thời gian tới, các địa phương tham gia vào thị trường điều tiết giá đầu vào và đầu ra của sản phẩm, thực hiện tốt khâu kết nối và tận dụng mọi cơ hội để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Trước mắt, các tỉnh, Thành phố cần có cơ chế hỗ trợ người dân mở các điểm bán thịt lợn nhằm giảm chi phí trung gian, giảm thua lỗ cho người chăn nuôi. Theo đánh giá của nhiều Bộ, ngành, nguyên nhân cốt lõi nhất dẫn đến những khó khăn trong tiêu thụ của ngành chăn nuôi lợn thời gian qua là do các hộ nông dân tăng đàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bất chấp các cảnh báo rủi ro từ Bộ Công Thương, khiến nguồn cung thịt lợn nội địa vượt quá nhu cầu trong nước.

Khi Trung Quốc tăng cường giám sát, phòng chống hoạt động nhập khẩu hàng hóa (trong đó có lợn sống) trái phép qua biên giới đất liền, hoạt động xuất khẩu lợn sống qua biên giới phía Bắc sang Trung Quốc ngay lập tức bị ảnh hưởng, càng gây sức ép lên giá thịt lợn trong nước.

Vấn đề quy hoạch ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Như nhiều mặt hàng nông sản khác, mặt hàng lợn thịt được chăn nuôi khá phân tán, quy mô nhỏ lẻ (hình thức chăn nuôi truyền thống, kiểu tận dụng với quy mô nhỏ lẻ đang tồn tại ở hầu khắp các tỉnh trong cả nước, chiếm khoảng 65-70% về đầu con) nên tiêu thụ tại các vùng miền phần lớn phụ thuộc vào các tiểu thương (cá nhân) mua gom và tự giết mổ bán cho các tiểu thương tại các chợ. 

THANH NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh