THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:53

Vẫn còn một nỗi đam mê

 

Quà  thì không, vật chất với riêng tôi không thấy thích gì, rất thật lòng. Tôi chỉ còn có một đam mê, không chỉ nghe nhạc, đọc sách, xem phim? Cũng còn tùy đọc sách theo quỹ thời gian còn lại sau viết. Đam mê của tôi là được đi khắp nơi. Từ bé tôi đã đi theo kiểu mua một chiếc vé xe điện năm xu, từ phố Huế đi lên chợ Bưởi, hay từ phố Huế đi xuống chợ Mơ. Đi chợ phiên là để nghe chim hót, ngửi mùi lá của 5 thứ rau thơm; ngửi mùi hương nhu của hàng lá thuốc nam hết buổi chợ mới về. Bây giờ Hà Nội không còn xe điện, chợ phiên; tôi đành đi xe buýt, đi chợ bên kia sông Hồng, chợ gốm Bát Tràng, hay đi xuống làng Hạ Thái, đi xe ôm quá giang vào làng xem vẽ tranh sơn mài;  tôi hay nghĩ ra một chuyến đi khác nếu có đủ tiền nhuận bút để  đi xa hơn.

Ngày trước trong một chuyến đi biển tôi ngủ quên trên xe bị kẻ xấu lấy mất  tiền, đành xuống xe rẽ ngay vào một nhà người bạn, khó khăn lắm mới hỏi vay tiền mua chiếc vé trở về, rồi lo lắng về nhà, phải sớm gửi trả tiền lại cho bạn qua bưu điện.

Lần đó tôi hỏi thầy tôi, nhà báo Phạm Phú Bằng, cách để tiền ra sao để đi  đường dài, thầy dạy nên để tiền làm hai ba nơi, giấu dưới đáy túi vải, tiền để một tờ dự phòng khâu phía sau cổ áo, có khi là trong hộp thuốc đánh răng. Nếu có mất hết tiền, thì ít ra cũng có một đồng dự trữ để mua vé tàu xe trở về. Đi dài ngày  thì nhớ mua thêm đôi pin cho máy ảnh, và 1 thẻ nhớ nữa dự phòng. Bây giờ tiện hơn nếu có thẻ rút tiền dọc đường. Không lo sợ mất mát. Đi đơn lẻ luôn có cái thích thú đặc biệt là được tự do. Tự do đi theo sở thích và ghi chép bằng hình  ảnh là rất tiện và độc lập.

Khi nào đủ ảnh tư liệu và ghi chép  xem ra  kha khá vốn sống ở vùng đất mà  ta  đặt chân đến, thì nhảy tàu hay xe khách trở về; mấy cái thẻ ghi ảnh phải gói như bảo bối cất đi trong túi quần hay túi áo và khư khư gìn giữ. Đó là đi một mình tác nghiệp chuyên nghiệp của nghề báo.

Còn đi theo đoàn, người bạn đi cùng rất quan trọng bạn ạ.

Tôi nhớ lần đi Đà Lạt xuống đến chùa Linh Ẩn rồi mà chẳng ai chịu đi xuống chân thác Voi. Thác Voi với 7 tầng thác đẹp mê hồn. Rủ mãi cũng không có ai đi, bỗng nhiên chị Minh Thái xuất hiện, thì chị bảo đi ngay, khó mấy cũng đi.Hai chị em bỏ lại đoàn leo xuống thác, trời vừa sau mưa đường trơn trượt, dốc đứng, hết nhìn thác nghe thác, chụp ảnh xong mới lên. Chị Minh Thái lên trước, tôi lên sau. Khi lên dốc đứng, tôi nằm tựa lên bậc thang rồi ngất lịm. Khi mở mắt ra chợt thấy đôi vợ chồng người nước ngoài đứng bên cạnh, thì ra họ đã chờ tôi tỉnh lại rồi dìu tôi lên khỏi vực thác. Lần đó chị Minh Thái nom mệt lắm. Sau đó lại chua một câu: “Đần độn, vừa mới mổ tĩnh mạch xong mà dám xuống thác. Đần độn. Mà này, lúc mà cậu khó thở nhất, tỷ dụ nhé, nếu đi mãi, kịp nghĩ gì không?” Đáp: “Thôi không gặp được con nữa rồi”. Chị Minh Thái lại ừ, rồi cúi xuống, không hỏi thêm câu gì nữa. Sau này, tôi mới biết chị cũng đầy bệnh tật trong người, nhưng nói đến đi thì khó mấy cũng đi.

Lại nhớ lần đi rừng nguyên sinh Cúc Phương, sương mờ và lác đác mưa, càng đi xa  càng mệt. Chị Minh Thái luôn hăm hở đi, đi để nhìn rồi thở. Lần đi động Ngườm Ngao (Cao Bằng) cũng vậy, chị luôn đi tới nơi tới chốn. Hai chị em tôi chốn đi chợ quê mua đủ thứ bánh ngải, bánh chuối để ăn. Hương vị của núi  và rừng hay thác bạc luôn trôi đi và có lúc đọng lại trong ẩn ức từng tấm ảnh. Ngỡ kỷ niệm nào rồi cũng xếp lại, nguôi ngoai. Tôi vẫn tay nải lên đường mải miết ghi chép đối thoại của dân chài vùng biển, hay cách tỏ tình bằng khèn lá của người ở núi, chăm chỉ như con ong cái kiến kiếm ăn.

 Mới đây thôi, chuyến đi thử nghiệm bằng cáp treo lên đỉnh PhanXiPang lần thứ hai của tôi, đi, để tìm kiếm cảm xúc nó khác với lần leo núi đường bộ hai ngày của năm xưa có gì khác nhau. Lên đến nhà ga cáp treo vẫn còn 600 bậc nữa mới lên đến đỉnh, vậy mà ba người đi thì hai người bỏ cuộc không leo vì rất nhiều lý do, lý trấu.

Cũng khó thở và giông gió táp vào người, cảm giác bị gió quất trên cao rất đau. Lúc leo núi một mình tôi đã nghĩ đến chị Minh Thái, nếu có chị đi chuyến này chắc sẽ leo cùng với tôi, cùng chia sẻ  sương mù và hân hoan khi vượt qua chính nỗi sợ hãi của mình chứ chẳng phải ai khác để lên đến độ cao 3.143mét. Nhưng chị Minh Thái đang trọng bệnh, vẫn nói qua điện thoại , trị xạ khỏe lại sẽ đi lên núi lần nữa. Trên giường bệnh vẫn còn một đam mê là đi. Một khi gặp giây phút bạc nhược trong con người của ta, nếu ta có một người bạn quyết đoán, chuyến đi luôn đem lại nhiều niềm vui lớn không gì sánh được. Hỏi chị Minh Thái, người viết phê bình sắc sảo, nếu khỏi bệnh chị sẽ ước gì: Đi, đi chứ sợ gì.

Ôi thì ra phút chạm ngưỡng của nghề viết người ta vẫn còn một nỗi đam mê: Đi.

Hoàng Việt Hằng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh