THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:51

Vai trò người đứng đầu trong các phong trào thi đua khen thưởng

Dự Hội nghị có bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà; Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang.

Cùng dự có các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các vụ, ban, phòng Thi đua - Khen thưởng các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.

Dấu ấn người đứng đầu trong các phong trào thi đua khen thưởng - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thay mặt lãnh đạo Nhà nước và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm qua có sự đóng góp quan trọng của phong trào thi đua và công tác khen thưởng.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh năm 2020 có nhiều sự kiện trọng đại như kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Đại hội thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.  Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành thi đua, khen thưởng phát huy kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần có định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để phong trào thi đua và công tác khen thưởng đạt hiệu quả thiết thực, thực sự trở thành động lực cách mạng to lớn, thúc đẩy việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước...

Tại Hội nghị, ông Bùi Sỹ Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH đã có bài tham luận về vai trò của người đứng đầu trong đổi mới công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm thiết thực hiệu quả.

Theo ông Tuấn: Vai trò của người đứng đầu là vô cùng quan trọng trong các phong trào thi đua, như khẳng định của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018): "Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, phải phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân, là ngọn cờ dẫn đầu trong các phong trào thi đua."

Dấu ấn người đứng đầu trong các phong trào thi đua khen thưởng - Ảnh 2.

Ông Bùi Sỹ Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH trình bày tham luận tại Hội nghị.

Trong bài tham luận của mình, ông Bùi Sỹ Tuấn nêu: "Đối với ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã phát động nhiều phong trào trong toàn ngành đã góp phần gắn kết các công chức, viên chức, người lao động đoàn kết hơn, tạo động lực để thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn của các đơn vị, chủ động đề xuất các ý tưởng và tổ chức các phong trào thi đua thực hiện theo phương châm chỉ đạo "Đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - hiệu quả"."

Nhờ sự quyết liệt của Lãnh đạo ngành và toàn ngành, đặc biệt là việc phát động phong trào thi đua, sự quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng nên năm 2019, ngành LĐTBXH tiếp tục ghi thêm những dấu ấn, đó là: (1) Góp phần cùng cả nước hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Nghị quyết Quốc hội đề ra, trong đó ngành LĐTBXH đóng góp 3/12 chỉ tiêu (giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ thất nghiệp); (2) Đây là năm thứ tư liên tiếp Bộ hoàn thành 100% Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; (3) Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thông qua (với tỷ lệ tán thành 90,06%) với nhiều nội dung lớn, quan trọng, có tác động tất cả các thành phần kinh tế, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao; (4) Gia nhập Công ước số 98 của ILO, kỷ niệm 100 năm thành lập ILO, với chủ đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh và ILO với lý tưởng chung hướng tới việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người; (5) Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương 500 thương binh nặng từ 81% trở lên và trao 783 Bằng Tổ Quốc ghi công cho gia đình và thân nhân liệt sỹ; (6)  Bộ LĐ-TB&XH tổ chức thành công Diễn đàn Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam với chủ đề "Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp", đạt kết quả cao nhất từ trước đến năm trong Kỳ thi tay nghề thế giới tổ chức tại Kazan, Nga; (7) Cả nước đưa 148 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài, nâng tổng số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đạt trên 550 nghìn người, hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm (2016-2020) và về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra; (8) Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018), tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn dưới 29%; (9) Trong năm 2019, cả nước tạo việc làm cho 1 triệu 635 nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 3,12%; (10) Tiếp tục đảm bảo tốt các chính sách an sinh xã hội, trong đó đặc biệt là phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng nhanh, năm 2019 có 280 nghìn người tham gia, đưa tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cả nước đạt 545 nghìn người, vượt chỉ tiêu Nghị quyết  số 28-NQ/TW đề ra 02 năm.

"Tuy vậy, trên thực tế vẫn có một số đơn vị cơ sở, công tác thi đua, khen thưởng còn mang tính hình thức, chưa tạo được động lực và sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Điều này thể hiện rõ sự thiếu quan tâm chỉ đạo của người đứng đầu đối với cơ quan tham mưu giúp việc về công tác thi đua, khen thưởng dẫn đến nội dung, chỉ tiêu thi đua chung chung, chủ yếu sao chép của trên, chưa cụ thể hóa sát với đặc điểm, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị. Trong một số thời điểm, các phong trào thi đua còn "chồng lấn" nhau, phong trào này chưa kết thúc đã có phong trào khác, dẫn đến nhàm chán. Có cơ quan, đơn vị lãnh đạo vì không quan tâm nên đã xảy ra tình trạng các phong trào thi đua có "phát" nhưng không "động". Một số phong trào, việc biểu dương khen thưởng chưa kịp thời, xét khen thưởng làm không đúng quy trình dẫn đến khen thưởng và đề nghị khen thưởng chưa đúng người, đúng việc từ đó làm phản tác dụng của khen thưởng, tạo tâm lý cho cán bộ, công chức và người lao động không mặn mà với thi đua.

Sự thiếu quan tâm kiểm tra, giám sát của người đứng đầu còn dẫn tới tình trạng phát động là do cấp trên còn thực hiện như thế nào là do cấp dưới điều này dẫn tới việc thực hiện các phong trào thi đua ở một số đơn vị cơ sở hiệu quả chưa cao.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là do các cấp ủy đảng và người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng đắn và coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua. Việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng cho cán bộ, công chức viên chức và người lao động không có chiều sâu. Việc xây dựng, bồi dưỡng nhân rộng điển hình tiên tiến chưa được quan tâm. Việc duy trì nền nếp, chế độ hoạt động của các Cụm, Khối thi đua chưa thường xuyên, nhận xét, đánh giá còn chung chung, thiếu cụ thể.

Để công tác thi đua, khen thưởng thực sự kích thích cá nhân, tập thể hăng say hoạt động, cần phát huy hết tài năng của mình trong việc xây dựng cơ quan, phát huy vai trò của người đứng đầu đơn vị. Cùng với đó là nhân rộng điển hình, tuyên truyền và đổi mới các hình thức, phong trào thi đua, cải cách quy trình, ứng dụng công nghệ thông tin...", ông Tuấn, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ.

Quang Dương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh