Vải thiều Tây Nguyên, ngạc nhiên chưa?
- Huyệt vị
- 15:42 - 16/05/2018
Nhộn nhịp hái vải trong vườn nhà anh Hải ở xã Ea Sar.
Một số vườn vải chất lượng cao ở Đắk Lắk bắt đầu được doanh nghiệp lựa chọn kiểm định để chào hàng xuất khẩu.
Chuyên gia nếm vải tận vườn
Ea Kar là huyện mạnh về cây ăn quả của tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, cho tới bây giờ, huyện chưa có mặt hàng trái cây nào tạo được thương hiệu. Vì vậy, khi nghe một chuyên gia về quả vải “mật báo” những lô vải thiều đầu tiên của huyện Ea Kar được một doanh nghiệp lớn lựa chọn để chào hàng xuất khẩu, phóng viên lập tức lên đường.
Tại UBND huyện Ea Kar, lãnh đạo địa phương và cán bộ chuyên trách nông nghiệp đều chưa hay biết gì về việc quả vải ngon của địa phương đã và đang được đóng hàng trăm thùng trong kho lạnh ngay trên địa bàn, chuẩn bị tỉ mỉ cho hành trình xuyên biên giới. Để kịp giờ hẹn với chủ vườn, không thể chờ huyện bố trí cán bộ khuyến nông đi cùng dù phóng viên đã liên hệ từ sáng sớm, chúng tôi tự lái xe hỏi đường vào tận nơi.
Cách TP Buôn Ma Thuột, trung tâm tỉnh gần 70km, vuông sân láng xi măng trước nhà anh Đỗ Công Hải tại xã Ea Sar, huyện Ea Kar rộn ràng nhóm lao động nữ cột vải tươi rói mới hái thành từng bó, xếp vào bao, chất lên xe chở tới kho lạnh cho công nhân đóng gói. Hai chuyên gia nông nghiệp người Israel, ông Yaron và ông Simon đánh giá cao quy trình sản xuất xanh sạch, chất lượng vải tuyệt hảo thu hái từ vườn nhà anh Hải. Có chuyên gia nhận xét: Từ hương vị, màu sắc đến độ dày thịt quả, độ ngọt thanh, thoảng chút vị chua nhẹ; kích thước quả vải khi đo trên sàng đa số lớn hơn 27mm, tương đương 23-24 quả/ký, đều rất phù hợp với khẩu vị khách hàng Trung Đông, Âu-Mỹ, vượt tiêu chuẩn yêu cầu.
Trong trang phục nhàu nhò lấm lem, anh Đỗ Công Hải cho biết: Doanh nghiệp đặt mua vải để chào hàng xuất khẩu là T.Vita- Thương hiệu nông sản an toàn của công ty Phát triển Nông nghiệp Cuộc sống Xanh T&T, thuộc Tập đoàn T&T “của ông Bầu Hiển nổi tiếng về bóng đá”. T.Vita cử chuyên gia đến hướng dẫn tận tình cho dân làng hiểu rõ cách thu hoạch quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, và cách bảo quản sau thu hoạch. Có 2 vườn vải tại xã Ea Sar được T.Vita chọn mua đợt đầu hơn chục tấn, với giá “tạm chia sẻ lợi nhuận” giữa đôi bên trong giai đoạn chào hàng mở thị trường, là 40.000đ/ký. Sẵn kho lạnh của một doanh nghiệp chuyên mua bán trái cây tại huyện, T.Vita thuê lại làm nơi đóng thùng và tập kết hàng trước khi vận chuyển.
Nhìn cách Đỗ Công Hải khéo léo trả lời điện thoại từ các nơi muốn đặt mua hàng, cắt đặt mọi việc nhanh chóng, tôi cười nhận xét anh không mấy giống nông dân. Hải gạt mồ hôi, xác nhận anh là cử nhân Công nghệ thông tin, từng làm việc vài nơi trước khi quay về làng, giúp bố làm vườn 3 năm nay.
Chất lượng và kích thước trái vải Ea Sar vượt mức yêu cầu.
Ấm no có công “thầy vải”
Tò mò, chúng tôi ra sau vườn. Toàn bộ nền vườn phủ kín thảm cỏ xanh mềm đẹp mắt. Hơn chục nông dân đang bận rộn cắt những chùm vải đỏ thắm nặng trĩu đầu cành, xếp vào hàng chục bao tải. Một trung niên vui vẻ cầm mấy quả vải căng mọng đến mời khách nếm thử. Đó là ông Đỗ Công Sơn, bố của anh Đỗ Công Hải.
Ông Sơn cho biết đã tậu mảnh rẫy này gần 20 năm. Xoay vần trồng tiêu, điều, hoa hòe, cà phê cả chục năm vẫn không hiệu quả. Năm 2007 ông Sơn bắt đầu trồng vải, chờ mãi vải mới ra trái lơ thơ nhưng toàn bị sâu đục cuống. Sau đó được gặp “thầy vải” Phạm Thế Quốc - cựu binh tiểu đoàn Ba Đình mang tâm nguyện dành trọn quãng đời còn lại để truyền bá rộng rãi nghề trồng vải chín sớm cho nông dân Tây Nguyên. Ông Sơn cảm động kể: Thầy Quốc năm nào cũng bay vào đây vài chuyến, ăn ngủ trong nhà dân, dạy cách chọn giống, chăm sóc, tỉa cành, khoanh hãm, không nhận đồng nào của dân mà còn tặng thêm tài liệu để dân làm cho đúng. Nhờ thầy Quốc mà nhiều hộ nông dân thoát đói nghèo, trong đó có gia đình tôi.
Anh Hải tiếp lời bố: Chú Quốc thấy có những vấn đề kỹ thuật giải thích mãi nông dân không nhớ, nên hỏi bố mẹ em nhà còn đứa nào có thể về giúp không? Lúc đó em đang làm việc cho 1 doanh nghiệp ở Nha Trang. Chú Quốc điện thoại trực tiếp thuyết phục em thôi phận làm thuê để tự gây dựng sự nghiệp. Tới nay đã thấy những lời ông nói đều không sai. Em hài lòng vì mình đã chấp nhận rời phố về quê, vừa chăm sóc vườn nhà vừa giúp đỡ những người khác, như chú Quốc đã làm.
Cùng được T.Vita chọn mua vải để chào hàng xuất khẩu đợt này, còn có hộ ông Bình ở thôn 10 cùng xã Ea Sar huyện Ea Kar, đều gọi ông Quốc là “thầy vải”. Đơn giản vì chính ông Quốc là người tư vấn cho T.Vita tìm đến vùng nguyên liệu giá trị này. Nghe tin, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar phấn khởi nhận định đây có thể là duyên lành với nông nghiệp huyện, vốn từ lâu mong có sản phẩm xuất khẩu, tạo thương hiệu cho nông sản địa phương.
“Thầy vải” Phạm Thế Quốc cho biết các vườn vải mà ông tư vấn cho nông dân trồng đều thuộc giống Phúc Hòa, Bình Khê, Yên Hưng, là 3 trong 8 giống vải giá trị nhất đã được Bộ NN&PTNT khuyến cáo nên chọn. Ông vẫn sống đơn giản bằng lương hưu, đang hoàn thiện tập bản thảo cuốn sách dày khoảng 200 trang sắp in để tặng người có nhu cầu. Cuốn sách này là tâm huyết, đúc kết kinh nghiệm quý, bài học hay và những câu chuyện đáng nhớ của ông trong gần chục năm ngược xuôi tư vấn cho nông dân làm giàu bằng cây vải thiều chín sớm.
Chuyên gia hướng dẫn cách chọn vải xuất khẩu.
Cây trái tuyệt vời
Đất trời Tây Nguyên với thổ nhưỡng bazan và nắng gió ngập tràn đã khiến những giống vải quý phương Bắc du nhập vào đều trở thành vải chín sớm, hương vị lại đặc biệt thơm ngon, thỏa cơn thèm trái ngọt của thị trường rộng lớn phía Nam. Từ tháng Tư, giới tiểu thương chuyên mua bán trái cây đã đến nhiều vườn xin đặt cọc trước để mua trọn gói. Tùy kỹ năng chăm sóc, năng suất vải thiều từ trên 5 năm tuổi ở Tây Nguyên dao động từ 14-20 tấn/ha. Với giá thu mua từ 30-50 nghìn đồng/ký tùy thời điểm, nhiều chủ vườn có thu nhập mỗi năm tiền tỷ.
Sự no ấm từ cây vải thiều cũng góp phần giúp trật tự xã hội nhiều nơi trở nên an lành hơn trước. Xã Trường Xuân huyện Đắk Song tỉnh Đắk Nông trước kia khét tiếng “giang hồ mỏ đá” với nhiều vụ án giới đào đãi lậu tranh giành sa phia, ruby. Nhiều năm gần đây Trường Xuân trở thành xã vải thiều. Cứ vào tháng 5 này lại tấp nập những chuyến xe thu mua vải. Tiên phong trồng vải từ 12 năm trước ở Trường Xuân, ông Nguyễn Văn Nuôi tự nhận là “dân Sài Gòn thích lên núi sống”. Giữa tháng 5/2018, ông Nuôi cho biết ông mới trồng thêm 4 sào vải non, năm thứ ba đã cho trái bói. Còn 200 cây “vải cụ” ước mùa này cho 20 tấn trái, tuần tới thu hoạch cao điểm, chỉ lo không đủ bán chứ chẳng sợ ế cành nào.
Còn ở xã Đông vùng sâu huyện K’Bang của tỉnh Gia Lai, cách phố núi Pleiku tới 100km về phía Đông Bắc, nằm giữa 2 đoạn đèo An Khê và Mang Yang, có vườn vải 200 gốc tuyệt đẹp hơn 15 năm tuổi của anh Lương Văn Thịnh. Từng là thợ lái máy ủi của Binh đoàn 15, anh về vườn trồng vải và trở thành người cung cấp vải giống U hồng cho dân quanh vùng. Loại vải tuyển của anh Thịnh chỉ cần 15-18 trái là đủ ký. Những ngày này vườn nhà anh nhộn nhịp trên dưới 20 lao động. Công làm thuê ở đây 160 nghìn, anh Thịnh trả 200 nghìn để chia vui với người giúp thu hái, chuyển quả ngọt ra Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Anh Thịnh kể, “thầy vải” Phạm Thế Quốc đã nhận xét K’Bang có gió mùa đông bắc tuyệt vời cho chất lượng vải thiều, vài năm tới sẽ có hàng trăm hecta vải cho thu hoạch. Anh hy vọng sẽ sớm có doanh nghiệp tới đầu tư kỹ thuật, giúp vải thiều K’Bang trở thành một thương hiệu xuất khẩu nổi tiếng.
Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có 336 ha vải thiều, nhiều nhất ở huyện Ea Kar 192 ha, năm 2017 đạt sản lượng khoảng 2.126 tấn quả. Các tỉnh lân cận trên Tây Nguyên như Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum cũng đều đã có vải thiều chín sớm dù sản lượng ít hơn. Chính quyền một số địa phương đã bắt đầu chào mời những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản lên Tây Nguyên, giúp quả vải thiều tiếp cận cơ hội xuất khẩu, mở thêm hướng làm giàu mới cho nông dân. |