Vài suy nghĩ về dự án lấp sông Đồng Nai
- Văn hóa - Giải trí
- 21:52 - 24/03/2015
Cũng có vài bài báo đưa ra các ý kiến của các nhà chuyên môn về việc can thiệp và hiểm họa khôn lường của “nắn dòng chảy”. Dù vậy, những thông tin đưa ra chưa đủ thuyết phục cá nhân tôi và có lẽ sẽ chưa đủ thuyết phục độc giả.
Dự án lấp sông Đồng Nai là cách gọi tắt dự án “lấp một khúc sông Đồng Nai xây đô thị xanh” . Đoạn lấp dài hơn 1,3 km, với chiều rộng lấn từ mép bờ ra luồng sông là 30-100 m sẽ tác động lớn đến dòng chảy và an toàn trên luồng lưu thông của tàu thuyền. Đặc biệt, đoạn lấp nằm giữa cầu Hóa An và cầu Ghềnh (cầu đường sắt, có tĩnh không chỉ 2,5 m) sẽ uy hiếp mạnh đến sự an toàn của hai cầu trọng yếu này.
Bờ kè cố định của dự án ngổn ngang, phần lớn đá lấp ở ngoài bờ sông có kích thước to hơn trong bờ (Ảnh Vnexpress)
Hẳn chúng ta đã quá quen thuộc với cụm từ “nắn dòng chảy” khi trên thế giới và khu vực Đông Nam Á cứ vài năm lại đưa tin con người nắn dòng chảy tự nhiên của những con sông nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên việc tác động vào dòng chảy tự nhiên bằng nhiều hình thức chặn, nắn hầu hết đều đem lại hậu quả tiêu cực hơn là tích cực. Chỉ trừ con đập ở Mỹ đem lại hiệu quả tích cực, còn lại đập Tam Hiệp (Trung Quốc) đang được giới chuyên môn coi là hiểm họa của thế giới. Con sông Mekong là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Lào, Myanma, Thái Lan,Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam bị con người can thiệp thô bạo đã gây bao hậu quả nghiêm trọng gây nên lũ lụt khiến cho cuộc sống của người dân ở lưu vực dòng sông này gặp rất nhiều khó khăn. Ở Việt Nam, vựa lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ. Chúng ta đã tiêu tốn rất nhiều nguồn kinh phí khác nhau để khắc phục hậu quả này. Mời xem thêm bộ phim tài liệu “Ký sự Mekong” của nhóm tác giả đài truyền hình TPHCM thực hiện mà cố NSND Phạm Khắc là tổng đạo diễn.
Những dự án thủy điện ở nước ta có tác dụng kinh tế tạm thời giải quyết vấn đề năng lượng nhưng lại gây tác động không có lợi cho môi trường. Thủy điện Sông Đà, thủy điện Sơn La khiến sông Hồng trở nên hung hãn hơn bao giờ hết. Những cơn lũ ống, lũ quét làm khổ dân miền núi. Thủy điện sông Tranh là thủ phạm chính gây nên những cơn lũ ngập lụt khắp miền Trung…
Rõ ràng, việc can thiệp vào các dòng sông cho đến thời điểm này phần nhiều khiến chúng ta mất kiểm soát xói, sạt lở ở các vị trí dù quan trắc, viễn thám cẩn thận như thế nào đi chăng nữa.
Trở lại với dự án lấp sông Đồng Nai. Chủ đầu tư là tập đoàn Thành Thành Công phối hợp cùng với HD Bank đầy tai tiếng (tai tiếng thế nào mời bà con tự gúc). Trực tiếp san lấp và thi công đô thị xanh là công ty con của tập đoàn Thành Thành Công có tên Toàn Thịnh Phát.
Ảnh VnExpress
Giả sử dự án cải tạo dòng sông giúp cho dòng sông đỡ bị sạt lở, chỉnh nắn những khiếm khuyết, sửa chữa hiện trạng xấu đã tồn tại từ trước (sửa chữa quy hoạch cũ ảnh hưởng tiêu cực), tức là chúng ta chỉ tác động vào dòng chảy không đáng kể thì hay quá! Nhưng đây lại là “lấp sông xây thành phố” - một việc làm vô tiền khoáng hậu.
Việc nắn dòng gây tác hại về môi trường thì các nhà khoa học trên thế giới đều hiểu và Việt Nam thì không lơ mơ, tôi nghĩ vậy. Chỉ có điều người ta luôn cân nhắc, đắn đo trước cái Lợi hay cái Hại để tiến hành nắn dòng (lấp sông) hay hủy bỏ việc này. Nếu lợi ích kinh tế được người ta đặt lên hàng đầu thì mọi quyết sách, quyết định đúng sai chỉ là dư luận mà thôi. Chưa kể đến các rủi ro cố tình hoặc kém trình độ khai thác gây nên.
Tóm lại, tác động vào “mẹ thiên nhiên” là hiểm họa rình rập khôn lường. Vấn đề lấp một khúc sông mà chỉ giải trình ở dạng cải tạo cảnh quan đô thị thì khác nào mành thưa che mắt thánh? Con người không bao giờ kiểm soát được tốc độ dòng chảy của một con sông. Cũng như con người chỉ có thể kiểm soát mạch máu trong cơ thể nhờ tác động lâm sàng nhưng khi mạch máu xuất hiện khối u thì việc kiểm soát mạch máu khó khăn như nào thì chắc chắn không ai không biết. Với con sông Đồng Nai, khi nó xuất hiện “khối u” do con người tự cho phép mình tạo nên thì hiểm họa lớn gấp bao nhiêu lần thì chỉ có trời tính được.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc