Những chuyện buồn khi ở “đảo ngọc”- Cô Tô
- Văn hóa - Giải trí
- 16:52 - 31/01/2015
Chuyện ăn, chuyện ở
Tôi khá lo lắng khi lần đầu đi Cô Tô, nên đã bỏ khá nhiều thời gian tìm hiểu về nơi ăn, chốn ở trên đảo. Sau khi tìm kiếm, với cuốn sổ ghi thông tin về các quán ăn, nhà nghỉ, điểm vui chơi kèm theo số điện thoại, tôi yên tâm xách ba lô lên đường.
Sau gần 4 tiếng lênh đênh trên biển, từ cảng Cái Rồng bằng con tầu gỗ, chúng tôi cập cảng Cô Tô. Trong cái say gió, say sóng tôi chỉ còn biết lao vội vào quán nước mía ven đường. Vừa ngồi xuống, chị chủ quán tên Lan hỏi ngay: “Em có thuê nhà nghỉ qua đêm không? Phải tìm ngay đi, mùa này khách du lịch đông nên ít phòng trọ lắm đó”. ". Nói rồi chị chỉ ngay sang mấy căn nhà đối diện bên đường có đề biển nhà nghỉ và cho biết: “Những nhà nghỉ này phòng đơn 1 gường có máy lạnh cứ phải từ 500 ngàn/đêm trở lên , nhưng cuối tuần luôn luôn cháy phòng, em đừng vào hỏi làm gì cho mệt. " Thấy tôi khá lo lắng, chi Lan nói tiếp: "Thôi em cứ đi hỏi một số nhà dân trên đảo xem, chị thấy họ thừa phòng cũng cho khách thuê lại đó. Nếu được, giá cũng mềm hơn 1 chút, tầm 300-400 ngàn/ đêm nếu có máy lạnh".
Cần có biển hiểu hoặc thông báo về lệ phí thu 5 ngàn/ người khi treo lên đèn biển Cô Tô cho du khách.
Tôi vội lấy cuốn sổ thông tin ra gọi thử vào mấy số điện thoại nhà nghỉ đã đăng trên mạng. Quả thực tình trạng cháy phòng nghỉ trong mùa du lịch ở Cô Tô rất ác liệt. Đến những phòng trọ trong nhà dân( theo kiểu homestay) cũng cực hiếm và không bao giờ có giá 100-150 ngàn/ đêm như các diễn đàn đã chia sẻ online. Để kiểm chứng thông tin của chị chủ hàng nước mía, tôi lại xách ba lô bắt đầu hành trình tìm phòng nghỉ qua đêm.
Nhìn những đoàn du khách nườm nượp cập cảng rồi bây giờ lang thang trên các con đường ở Cô Tô tìm nơi qua đêm mà tôi cảm thấy ngao ngán. Vào thử vài nhà nghỉ nằm sâu trong đảo, tôi đều nhận được cái lắc đầu: "Hết phòng rồi em à!"
Vừa đi tôi vừa nghĩ trong đầu: “Hôm nay là giữa tuần cơ mà, sao phòng trọ cũng cháy dã man thế nhỉ”. Khi đang chán nản, vật vã bên lề đường thì một anh mặc đồ công an đi xe qua, rồi dừng lại hỏi: “ Em có phòng nghỉ qua đêm chưa? Nếu chưa thì qua anh, nhà anh có 1 phòng trên tầng thượng ”."
Đang mệt rã rời, cảm thấy lời chào mời cũng ổn, nên tôi quyết định theo anh về nhà. Mặc cả mãi với người vợ, tôi cũng thuê được phòng với giá 250 ngàn/ đêm. Phòng chỉ rộng khoảng 10m2, có mỗi chiếc quạt treo tường và cái gường, còn tắm rửa, vệ sinh thì chung với chủ nhà.
Dù giá khá chát so với thực tế, nhưng tôi cũng cảm thấy khá may. Có phòng trọ, tôi vôi lao đi tìm quán ăn. Ra đảo, về với biển tất nhiên là tìm ăn hải sản và ở đây nghe nói có nhiều su su, rau bí. Tôi chỉ dám vào quán ăn bình dân, biển hiệu không to và nằm ở sâu trong đảo vì nghĩ rằng giá cả sẽ nhẹ nhàng hơn.
Nhưng thật đáng sợ bởi giá đồ hải sản ở đây quá chát so với suy nghĩ ban đầu của tôi. Chỉ 1 bát canh ngao, canh con móng tay cũng 100 ngàn. Còn su su, rau bí ít nhất cũng có cái giá 50 ngàn/ đĩa. Nếu đi lẻ một vài người và kinh phí eo hẹp chút, thì bạn sẽ không bao giờ ăn được đồ hải sản ở đảo Cô Tô.
Tuy cơ sở vật chất khá phát triển, nhưng để tìm 1 nhà nghỉ bình dân cho du khách tại Cô Tô là cực khó.
Thực sự đó là một nghịch lý đáng buồn bởi sáng nào chợ hải sản Cô Tô cũng đầy ắp tôm, cua, mực, ghẹ…Giá hải sản chưa chế biến rẻ hơn khá nhiều so với đất liền. Đi ăn suất cơm bình dân gần 200 ngàn trên đảo xong, tôi ra ngồi quán nước và câu chuyện ăn hải sản lại được mọi người bàn tán sôi nổi.
Một cô gái đi cùng người yêu từ Hà Nôi ra đảo quả quyết : “ Lần sau nếu có ra nữa, chắc chắn em sẽ mang theo bộ đồ nấu ăn, rồi ra chợ mua ít cua, ghẹ thêm vài thứ gia vị nữa về chế biến. Chứ ăn ở nhà hàng tại đây dã man quá, xót tiền thật !"
Nhiều chủ quán, chủ nhà trọ vịn vào cớ rằng xây một căn nhà ở đây đắt gấp 5-10 lần đất liền, mọi thứ hàng hóa, chi phí cũng cao hơn rất nhiều… Nhưng cũng bởi nhiều khách đại gia chịu chơi khi chủ nhà, chủ quán hét giá bao nhiêu cũng ok. Điều đó đã thành tiền lệ xấu cho các chủ hàng, chủ nhà ở đây tự đặt giá cao ngất ngưởng.
Chuyện đi lại
Hiện nay số lượng tầu cao tốc, tầu gỗ của các hãng Mạnh Quang, Phúc Thịnh, Việt Anh đã được đầu tư nhiều hơn. Vào mùa du lịch các nhà tầu cũng tăng chuyến và quảng cáo rầm rộ công tác bảo đảm an ninh, an toàn trên các trang web của mình. Nhưng thực tế cho thấy sự phát triển của tầu du lịch ra đảo Cô Tô chưa theo kịp được với lượng khách ngày một tăng nhanh hiện nay.
Sau chuyến đi bằng cả tầu cao tốc lẫn tầu gỗ, tôi nhận thấy vẫn còn nhiều hiện trạng cần thay đổi. Ý thức người đi du lịch và chủ tầu đều chưa tốt. Ví dụ như chẳng ai tự giác mặc áo phao khi tầu đang chạy, không có sự nhắc nhở quyết liệt, nhiều chuyến tầu chạy chậm giờ so với quy định, vẫn còn có một số đoàn du khách bị mắc kẹt trên đảo vì lỡ chuyến dù đã có vé trên tay.
Lượng du khách ra Cô Tô ngày một đông, phương tiện đi lại và nhà nghỉ, khách sạn chưa đáp ứng kịp.
Khi tham gia giao thông ở trên đảo Cô Tô, chúng tôi thấy rất hiếm người đi xe máy đội mũ bảo hiểm. Ra đường thấy các chàng trai, cô gái kẹp 3, kẹp 4, đánh võng mà chẳng thấy bóng dáng đồng chí CSGT ở đâu . Theo như một số người dân bản địa ở đây cho biết:" Ở Cô Tô đi xe máy hiếm khi phải đội mũ bảo hiểm, chỉ trừ những hôm có đoàn kiểm tra an toàn giao thông từ đất liền tới mới cần chú ý. Mà nếu là khách du lịch thuê xe máy trên đảo đi lại chẳng may bị cảnh sát giao thông bắt gặp thì lỗi chở quá người, không đội mũ bảo hiểm sẽ được châm trước"
Ôi! Thật nguy hiểm ! Tôi chỉ biết thốt lên trong đầu như thế. Không thể lấy lí do giữ chân, thu hút du khách mà buông lỏng quản lí an toàn giao thông như thế. Khi mà, Cô Tô về đơn vị hành chính đã cấp huyện, đường xá ngày càng dầy đặc và đông đúc.
Rác thải vẫn tràn lan trên các bãi biển ở Cô Tô
Đảo ngọc…chưa sạch!
Mỹ từ- đảo ngọc, thiên đường du lịch vẫn được mọi người đặt cho một số hòn đảo có cảnh đẹp ở Việt Nam như : Phú Quốc, Nam Du, Cù Lao Chàm… và Cô Tô nữa. Nhưng ở đây kể cả Cô Tô lớn lẫn Cô Tô con đều chưa sạch. Chúng tôi đã đi một số bãi tắm như Hồng Vàn, Vàng Chải, bãi đá ngầm… vẫn thấy cảnh rác thải sinh hoạt tràn lan trên bãi biển.
Cứ chỗ nào có khách đặt chân tới tắm là y rằng có những túi nilon, vỏ dừa, giấy lộn…vương vãi. Từ ý thức kém của khách du lịch cộng với thùng đựng rác công cộng vắng bóng đã dẫn tới thực trạng đáng buồn trên. Để xứng với mỹ từ đảo ngọc thì không thể như trên được
Rác thải vẫn tràn lan trên các bãi tắm ở Cô Tô.
Có một thắc mắc nhỏ nửa mà tôi chưa hiêu đó là chuyện mỗi khách du lịch trèo lên ngọn đèn biển Cô Tô là phải đóng phí 5 000 đồng Số tiền ấy nhỏ bé, nhưng tôi nghĩ cần có một lời giải thích chính đáng, thông báo rõ ràng cho du khách thì sẽ tốt hơn.