THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:20

Vài câu chuyện “ngày xưa”...

 

Bộ trưởng Trần Đình Hoan, các Thứ trưởng: Trịnh Tố Tâm, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Lương Trào và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ thăm báo nhân dịp 21/6/1994.

 

Thời gian nhanh tựa thoi đưa, thấm thoắt tờ báo Lao động & Xã hội đã kỷ niệm 25 năm ngày thành lập. Tôi cũng có gần ngần ấy năm gắn bó với tờ báo. Cũng có lúc “cơm không lành canh không ngọt” muốn bỏ nghề, có lúc nhận được những lời mời rất “đường mật” để làm trưởng tờ báo khá “ngon lành cành đào”. Nhưng duyên nghiệp với nghề, với Báo đã khiến tôi không thể rời xa...

Còn nhớ ngày này năm ấy, vợ chồng cô Lý Hoài Thu - cô giáo môn Lý luận văn học của tôi ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và chú Văn Anh (thư ký tòa soạn báo Văn hóa) gửi gắm tôi cho “cặp đôi hoàn hảo” rất “hot” trên văn đàn lúc bấy giờ là nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Lê Lựu. Hai người nhận trách nhiệm tìm việc cho tôi. Anh Trần Đăng Khoa bảo tôi: Có hai tờ báo mới ra đang cần phóng viên, một là tờ Lao động & Xã hội, hai là tờ Thời báo Tài chính, em muốn về tờ nào thì anh sẽ giới thiệu. Lúc ấy tôi nghĩ nhanh: Mình dân Văn, biết gì về tài chính. Thôi về tờ Lao động & Xã hội, nghe tên... dễ gần hơn!

Thế là “cặp đôi hoàn hảo” dẫn tôi đến gặp  Phó tổng biên tập phụ trách tòa soạn Hà Nội, ông Kim Quốc Hoa.

Dù có “ci-vi” từng làm báo, đã có khối bài đăng báo với hai người tiến cử danh giá như vậy, Phó TBT Hoa nhận hồ sơ của tôi nhưng bảo: Phải có thời gian thử việc không lương, thời hạn bao lâu là do năng lực của cháu!

 

Phòng Phóng viên tại Đà Lạt dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Báo.

 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa giao hẹn với tôi: Nhiệm vụ của anh đến đây là xong. Bây giờ có vào được báo hay không là do em đấy nhé!

1/10/1993, tôi bước chân vào tờ Lao động & Xã hội, với tư cách là một phóng viên thử việc. Lúc ấy báo mới ra được 2 số, hai tuần xuất bản 1 kỳ, in ở TP Hồ Chí Minh.

Từ khi làm báo Lao động & Xã hội, tôi mới nhận thấy, kinh nghiệm thực tế là hết sức quý báu với người làm báo. Nhờ mấy tháng sau khi ra trường thực sự lăn lộn ngoài cuộc sống, kiếm tiền bằng sức lao động và giao tiếp với đủ tầng lớp người lao động, tôi đã có vốn sống bằng bao nhiêu năm và còn có ích cho nhiều năm sau này nữa. Cũng nhờ nó mà tôi có nhiều bài được đăng báo nhất so với mấy bạn tập sự cùng tôi - Lúc đó được một bài lên mặt báo rất khó, được đăng bài là vinh dự lắm vì báo in trong miền Nam, 2 tuần mới có một số, đua chen với các phóng viên lâu năm và phóng viên của miền Nam là cả vấn đề lớn (tuy báo mới ra nhưng hầu hết phóng viên đều là người có kinh nghiệm sừng sỏ ở các báo khác về đầu quân). Cũng nhờ thế, tôi là người đầu tiên của nhóm phóng viên tập sự được ký hợp đồng sau 6 tháng thử việc.

Coi như đó là cái duyên với tờ báo ngành, tờ báo đến nay tôi đã gắn bó gần hết cuộc đời làm báo của mình!

 

Bộ trưởng Trần Đình Hoan ký Quyết định thành lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ngay khi ra số báo đầu tiên.

 

Nhớ Tổng biên tập đầu tiên - Người Anh hùng làm báo

Bây giờ, khi tờ báo đều đều xuất bản mỗi tuần 3 kỳ ở Hà Nội, các phóng viên không còn cái cảm giác hồi hộp, bồn chồn chờ báo về tòa soạn như chúng tôi thuở ấy. Năm 1993, tờ  báo được in ở TP Hồ Chí Minh, một tháng chỉ phát hành 2 số. Vì vậy, cứ đến ngày ra báo, ai cũng mong ngóng. Hễ thấy thoáng bóng chiếc xe ô tô chở báo từ sân bay về đến tòa soạn là mọi người lao ra đón, hì hục khuân khuân vác vác rồi háo hức giở từng trang báo, cũng là thầm mong bài của mình được đăng. Lúc ấy, chen được một bài vào báo không phải đơn giản, có phóng viên mấy số mới được đăng một bài, tức là có khi tháng, tháng rưỡi không có bài viết nào được đăng báo!

Phó Tổng biên tập Ngọc Niên phụ trách văn phòng miền Nam chịu trách nhiệm toàn bộ khâu thư ký tòa soạn và in ấn. Tòa soạn tại Hà Nội do Phó tổng biên tập Kim Quốc Hoa điều hành tại trụ sở báo ở số 2 phố Ngô Thì Nhậm. Chức Tổng biên tập do Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm kiêm nhiệm. Trước đó, khi còn công tác ở Trung ương Đoàn, Thứ trưởng Tâm đã nhiều năm phụ trách công tác báo chí của Đoàn.

Gọi là kiêm nhiệm nhưng Thứ trưởng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Trịnh Tố Tâm lúc nào cũng sát sạt với báo. Tuần nào cũng về báo, thậm chí tuần vài lần để đôn đốc nhắc nhở công việc. Mấy đứa trẻ ranh lau nhau thử việc như bọn tôi mà ông cũng thuộc mặt hết. Ông đọc duyệt tất cả các bài báo trước khi lên khuôn. Bài từ TP. Hồ Chí Minh gửi ra Hà Nội chuyển lên Bộ cho Tông biên tập đọc rồi lại gửi ngược vào trong đó.

 

Tác giả và cố nhạc sĩ Văn Cao tại nhà riêng của ông, năm 1994.

 

Khi mới vào báo, nghe Tổng biên tập là Thứ trưởng, lại là Anh hùng LLVT, bọn tập sự chúng tôi đứa nào cũng cảm thấy rất sợ. Mỗi lần TBT Tâm xuất hiện ở báo, đứa nào cũng rón rén khép nép.

Thứ trưởng, TBT Trịnh Tố Tâm người nhỏ thó nhưng nói to, rõ ràng, dứt khoát, tính tình quyết liệt, khá nóng nảy. Đặc biệt, ông rất đúng giờ. Có lần, tôi và Vụ trưởng Vụ Thương binh Liệt sĩ lúc bấy giờ là ông Nguyễn Đình Liêu (sau này là Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) đi họp ở Hải Phòng cùng xe Thứ trưởng Tâm, vừa kết thúc cuộc họp chừng mươi phút, tôi và Vụ trưởng Liêu đi ra cửa hội trường thì nhìn thấy xe Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm đã lướt ra đến cuối phố... Tính ông thế, đúng giờ là đi, không chờ, không gọi. Ngày trước không sẵn xe như bây giờ, sau 5 giờ chiều chả bao giờ còn xe khách rời bến. Tôi và Vụ trưởng Liêu ngậm ngùi... ở lại Hải Phòng!

Sau này, khi Tổng biên tập bị bệnh hiểm nghèo nằm điều trị trong bệnh viện Quân y 108, tôi vẫn phải kỳ cạch mang bài vào viện để ông duyệt bài. Có hôm cầm bản thảo vào viện, thấy ông nằm im trên giường bệnh, tôi không dám gọi, cứ ngồi chờ, lúc lâu sau ông mở mắt nói: Hôm nay chú mệt quá không đọc được, cháu mang về nói anh Hoa, anh Niên duyệt kỹ, cẩn thận nhé!

Tự tin nhờ được... khen

Bộ trưởng Trần Đình Hoan là người có ý tưởng ra tờ báo của ngành. Chính vì vậy, Bộ trưởng cũng dành cho tờ báo rất nhiều thời gian và tâm huyết.

Hồi đó còn là một phóng viên rất non nớt trong giao tiếp, nhưng vì có nhiều bài viết bước đầu khẳng định được ngòi bút, tôi đã được Ban biên tập tin tưởng cử đi theo đoàn công tác của lãnh đạo Bộ, khi là Bộ trưởng Trần Đình Hoan, lúc theo Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm. Tôi là người sợ đi ô tô vô cùng vì say xe đến mức phát... bệnh. Chỉ cần nhìn thấy cái ô tô và được bảo là sắp phải lên cái xe đó là tôi đã choáng váng đầu óc đến mức nôn ngay được. Nhưng khi trèo lên xe lãnh đạo Bộ, thì cái sợ đã ức chế cơn say xe đến độ chính tôi cũng ngạc nhiên là tại sao mình lại không say xe. Trong đầu chỉ còn ý nghĩ: “Mình mà say xe, nôn ra xe Bộ trưởng thì... chết”! Vậy mà không say xe nữa mới tài!

Đến cơ sở, trong các buổi làm việc, tôi thường chọn chỗ ngồi sau, khuất. Phần vì ngại ngùng, phần vì nghĩ mình không phải thành viên chính thức, chỉ đi theo đoàn để đưa tin. Vậy mà cứ sau khi giới thiệu thành phần đoàn, không thấy có tôi, Bộ trưởng trực tiếp giới thiệu: Trong đoàn còn có phóng viên của Báo Lao động & Xã hội, lát nữa anh em nhớ đưa tài liệu để nhà báo viết bài nhé! Vậy là tôi không phải đi năn nỉ xin tài liệu của cơ sở nữa. Hồi đó máy photocopy và máy in đâu có sẵn như bây giờ, máy ghi âm cũng hiếm, cả tòa soạn chỉ có một hai cái, phóng viên chủ yếu phải tốc ký. Sự quan tâm, hiểu về công việc của người làm báo của Bộ trưởng đã khiến tôi thật sự cảm động.

Còn nhớ lần đi công tác Nhà máy mía đường Lam Sơn ở Thanh Hóa, trên đường về anh lái xe mở Đài Tiếng nói Việt Nam, không rõ chương trình gì mà nhà đài mang báo Lao động & Xã hội ra đọc, lại đọc đúng bài của tôi, rành rẽ cả tên tác giả. Tôi ngồi im không nói gì nhưng Bộ trưởng Trần Đình Hoan hỏi: Có phải Đài vừa đọc bài của cháu không? Tôi khép nép: Vâng, đúng ạ! Bộ trưởng khen: Bài viết tốt lắm, truyền thông được đúng việc của ngành lao động.

Lời khen của Bộ trưởng khiến tôi cảm thấy tự tin hẳn lên và luôn nghĩ phải tích cực hơn nữa, viết nhiều hơn nữa về các công việc của ngành LĐ-TB&XH.

Sau này, có dịp được tham gia đoàn công tác của Thủ tướng đi nước ngoài, tôi gặp lại anh Bình, thư ký của Bộ trưởng Trần Đình Hoan, lúc đó anh đang công tác ở Văn phòng Chính phủ, mang hàm Vụ trưởng. Anh hỏi tôi công tác ở đâu, tôi trả lời: Em ở báo Lao động - Xã hội. Anh lại hỏi: Em ơi, thế cái Hằng có còn làm ở báo không?

Tôi nhìn đôi mắt ngơ ngác sau cặp kính cận dày cộp của anh phì cười: Em là Hằng đây, bây giờ làm gì còn cô nào ở Báo biết anh nữa! Anh Bình cười ngượng nghịu: Lâu lắm không gặp, anh vẫn nhớ thời làm việc ở Bộ quá!

 

Vào hầm lò với thợ mỏ Quảng Ninh.

 

Nghề khổ mà... sướng

Làm phóng viên ở tờ báo ngành, ngoài những “đặc sản” xông pha bão lụt, trèo đèo lội suối cùng các đoàn cứu trợ sau lũ, gắn bó với đối tượng chính sách, thương binh liệt sĩ, người già, trẻ mồ côi, thậm chí là “khách quen” của các trung tâm cai nghiện... tôi còn có dịp được đến những nơi mà nếu không làm nghề báo, chắc chả bao giờ được vinh dự đặt chân đến.Năm 1996, lần đầu tiên được cử theo dõi Quốc hội. Thật không thể nào quên được cái cảm xúc dạt dào khi đứng ở cửa chính Hội trường Ba Đình nhìn sang Lăng Bác. Tôi thầm nghĩ, nếu không làm báo, liệu có bao giờ mình được đặt chân vào tòa nhà uy nghi đẹp đẽ nhường này!

Phóng viên (PV) theo dõi Quốc hội ngày ấy toàn người đã tuổi khá chững chạc, ăn mặc rất tề chỉnh, hay tại lúc ấy tôi còn trẻ nên nhìn ai cũng thấy già!? Hội trường Ba Đình ngày ấy rất đẹp và thoáng, hành lang dài hai bên hội trường là chỗ PV tha hồ la cà, đứng bám vào cửa sổ, thò cả đầu cả mặt vào hội trường. Thỉnh thoảng còn có PV rón rén len vào hàng ghế đại biểu, vỗ vai nói khẽ vào tai, mời anh ra hành lang cho em “in tơ viu” tí. Thế là đại biểu ra trả lời phỏng vấn ngay lúc Quốc hội đang họp!

Ảnh thì lúc ấy chỉ có máy cơ, chụp phim, mấy bác phó nhòm “hoành tráng” ở Thông tấn xã VN mới có máy xịn, ống tele dài chụp được cảnh hội trường. Nhà báo Xuân Tuân, Ban ảnh TTXVN mở cửa hàng ảnh ở ngay cửa ra vào của Quốc hội, anh ấy dặn anh em PV: Cái túi của anh để cố định ở đây, chú nào cần ảnh thì cứ ở đấy đợi anh (làm gì đã có di động mà gọi).

Mua ảnh của Xuân Tuân là trả tiền tươi tại chỗ, về không được đăng thì ráng mà chịu lỗ. Báo nào muốn lobby thì cứ mang vài trăm tờ đến phát cho đại biểu ngay đầu giờ hoặc lúc giải lao, đại biểu cầm báo vào hội trường. Sau này QH không cho tự do mang báo vào phát nữa. Lúc giải lao, đại biểu tràn ra hành lang và sân sau QH, PV tha hồ phỏng vấn. Vài năm sau, PV có được cái trung tâm báo chí nho nhỏ ở phía cuối vườn phía bên trái hội trường, từ đó đến hội trường chỉ mấy chục mét, cũng khá thuận tiện để tác nghiệp.

Hồi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn mạnh khỏe, vào những ngày lễ trọng của Quốc hội, bác đến dự, cứ giải lao là mọi người vây quanh bác chuyện trò và chụp ảnh rất là vui vẻ ấm cúng. Tôi muốn chụp ảnh chung với Đại tướng ở sân mà thẹn thò mãi chả dám nói, về cứ tiếc mãi.

Sau này, tôi có vài lần được tháp tùng đoàn Thủ tướng đi công du nước ngoài. Nhờ đó được vào Dinh Thủ tướng Hàn Quốc; tham dự buổi hội đàm giữa Thủ tướng với Tổng thống Nga Putin tại Điện Kremlin và những cuộc gặp của Thủ tướng với một số nguyên thủ quốc gia nữa... Đây thật sự là những cơ hội hiếm có mà nếu không làm báo, thật khó mà được trải nghiệm!

Nhà báo Nguyễn Ngọc Niên, nguyên Tổng biên tập: Ngày 25/8 - ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là ngày thành lập Báo 

“ Vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/1993, mọi tiến trình chuẩn bị cho sự ra đời của Báo đã hoàn tất. Giờ là lúc phải chọn cho Báo một thời điểm đẹp để làm ngày chào đời. Ban biên tập đầu tiên của Báo có Anh hùng Trịnh Tố Tâm, anh Kim Quốc Hoa và tôi đều xuất thân từ quân ngũ. Để lưu giữ một kỷ niệm đẹp đẽ và hào hùng, tôi đã trình phương án lên Bộ trưởng Trần Đình Hoan và Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm cho phép chọn ngày 25/8 - ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm ngày thành lập. Sáng kiến này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ. Vì lẽ đó, Báo Lao động & Xã hội đã có một ngày sinh hết sức có ý nghĩa.

Không thể nói hết một khối lượng công việc chồng chất và gay cấn trong cái khoảng thời gian ngắn ngủi mấy tháng trời của thời kỳ ấy. Nhưng tất cả những gian nan, vất vả ấy đã tan biến hết chỉ sau 2 tháng được lãnh đạo Bộ chính thức giao nhiệm vụ.

Đúng ngày 25/8/1993, chỉ sau một thời gian ngắn khẩn trương tổ chức vận hành, số báo đầu tiên chính thức đã ra đời và được phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Trước đó, đêm 21/8/1993, số báo đầu tiên đã được in ấn xong xuôi tại TP Hồ Chí Minh và ngày 23/8 được chở máy bay ra Hà Nội. Ngày 24/8, Báo chính thức làm Lễ ra mắt tại Thủ đô Hà Nội và đúng ngày khai sinh 25/8, Báo làm Lễ ra mắt rất trọng thị tại Dinh Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh. Khó có thể diễn đạt hết được niềm hạnh phúc của chúng tôi, những người trực tiếp thực hiện Đề án và cả những người đã hết sức tâm huyết vun đắp cho sự ra đời của tờ báo. Tờ Lao động & Xã hội ra đời là sự kiện rất có ý nghĩa, đánh dấu sự hiện diện của một gương mặt mới trong đội hình báo chí nước nhà, đồng thời là Cơ quan ngôn luận hữu hiệu của Bộ LĐ-TB&XH”.

THU HẰNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh