THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:28

Vạch mặt "công nghệ" làm giả giấy tờ xuất, nhập viện

 

Lần giao dịch cuối cùng với Giấy viện

Nắm được phương thức hoạt động của đối tượng, một tuần sau, chúng tôi dùng một số thuê bao di động khác liên lạc lại với chủ facebook Giấy viện. Vẫn với cách tiếp cận trong vai một sinh viên, chúng tôi nhanh chóng đượcGiấy viện chấp thuận và đề nghị chúng tôi chọn địa điểm giao “hàng”.

Thông tin chúng tôi thông báo: Đang là sinh viên năm cuối của trường đại học Bách khoa. Nghỉ học 1 tuần đi du lịch cùng người yêu đang học tại trường đại học Y Hà Nội. Cần gấp 2 giấy xác nhận nằm điều trị ở viện trong 1 tuần để nộp về trường. Tưởng vớ được miếng mồi béo bở, Giấy viện ngay lập tức đề nghị chúng tôi mua 2 giấy chứng nhận điều trị tại bệnh viện B.M. với giá 200.000 đồng/tờ.

Đây là Giấy ra viện một người bạn của PV mua được.

Ngoài việc ngã giá xuống 150.000 đồng/tờ, chúng tôi còn đề nghị mua giấy của bệnh viện Y học cổ truyền vì người yêu đang học trong đại học Y. Sau một hồi ngần ngừ, cuối cùng Giấy viện cũng đồng ý giao “hàng” với mức giá trên cho từng loại giấy của 2 bệnh viện (bệnh viện B.M. và bệnh viện Y học cổ truyền).

Nhằm “đẩy nhanh tiến độ” nhận “hàng”, chúng tôi tỏ vẻ sốt ruột vì đang bị nhà trường yêu cầu nộp giấy tờ, hồ sơ sớm. Chúng tôi yêu cầu gặp luôn tại khu vực cổng Vòm (phường Kim Liên) để được mua “bảo bối”, nhưng Giấy viện từ chối và hẹn 10h sáng hôm sau giao “hàng”, nhận tiền.

Ngay khi có lịch hẹn chính xác, chúng tôi liên lạc với phía Công an phường Kim Liên, quận Đống Đa, TP.Hà Nội để cung cấp thông tin, xác minh và phát hiện hành vi vi phạm luật quả tang của đối tượng. Nhận được tin báo, lãnh đạo Công an phường Kim Liên cử 2 cán bộ trao đổi thông tin cùng PV. Phương án được lên kế hoạch tỉ mỉ để gặp Giấy viện. 9h sáng hôm sau, chúng tôi có mặt tại quán cà phê S., nằm trong tòa nhà B4, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội.

Sau khi trao đổi nhanh phương án tiếp cận đối tượng cùng các chiến sỹ công an, chúng tôi chia thành 3 nhóm nhỏ, mỗi nhóm 2 người mật phục. 9h20, Giấy viện liên lạc lại, hẹn địa điểm giao “hàng”. Chúng tôi yêu cầu được nhận “hàng” tại quán S. Ngay lập tức, đối tượng đồng ý và hẹn 15 phút sau sẽ có mặt. Phòng bị động, tránh đối tượng có thể tẩu thoát cùng tang vật, cả nhóm tách nhỏ, chia thành nhiều tốp, ngồi rải rác tạo thế gọng kìm, hỗ trợ nhau.

Đúng hẹn, Giấy viện một mình xuất hiện trước cửa quán cà phê S. Đó là một cô gái khá xinh xắn. Không vội vào quán, cô gái dừng lại, quan sát kỹ xung quanh, sau đó mới lấy điện thoại trong túi, liên lạc vào số di động của chúng tôi. Giấy viện thông báo rằng, đã có mặt ở điểm hẹn và sẵn sàng giao “hàng”.

Nhận ra tôi đang ngồi một mình chờ “hàng”, cô gái tươi cười bước vào. Lấy lý do đang có việc, phải đi ngay nên các hành động của Giấy viện rất nhanh. Vừa ngồi xuống, cô gái lôi trong chiếc túi xách của mình ra 2 loại giấy chứng nhận xuất và nhập viện của bệnh viện B.M. và Y học cổ truyền cho tôi xem luôn. Không để nữ đối tượng này kịp trở tay, các chiến sỹ hình sự Công an phường Kim Liên bất ngờ tiếp cận, kiểm tra hành chính. Biết hành vi mua bán giấy tờ của tổ chức, cơ quan Nhà nước là trái pháp luật, nữ đối tượng nhanh chóng phản ứng: “Em chỉ là người chuyển “hàng”, em không biết gì đâu”.

Tại hiện trường, các chiến sỹ hình sự tạm thu giữ một máy tính xách tay, cùng 19 giấy tờ các loại; trong đó gồm: Giấy ra viện, giấy nhập viện, giấy khám sức khỏe. Tất cả các loại giấy trên đều được đóng dấu của bệnh viện B.M., bệnh viện Y học cổ truyền. Sau khi được đưa về trụ sở công an phường, đối tượng nữ thành khẩn khai nhận, tên Nguyễn Thị Tơ (SN 1993) ở xóm 3, thôn Nhất, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Tơ là một mắt xích quan trọng trong đường dây mua bán các loại giấy bệnh viện, đã hoạt động nhiều tại địa bàn Hà Nội.

Ngoài cơ sở của Nguyễn Thị Tơ, trên mạng xã hội, nhiều địa chỉ khác sẵn sàng bán công khai các loại Giấy viện.

Từ thông tin của đối tượng nữ cung cấp, các chiến sỹ hình sự phường đã đột nhập cơ sở “sản xuất”, cung cấp giấy xuất, nhập viện giả của Tơ và đồng bọn tại quận Đống Đa, thu giữ nhiều chứng cứ quan trọng trong đường dây sản xuất, cung cấp các loại giấy tờ này ra thị trường gồm: Máy tính, máy scan, máy in, con dấu, cùng nhiều loại giấy tờ đã được in sẵn.

Giấy bệnh viện bán đều là... giấy giả?

Tại Cơ quan điều tra, đối tượng nữ Nguyễn Thị Tơ khai nhận, trước khi bị bắt, cô đã bán trót lọt hàng loạt giấy tờ liên quan đến bệnh viện. Người mua chủ yếu là giới sinh viên và công chức. Mỗi lần giao dịch thành công, cô được chia 50% giá trị. Cũng theo Tơ, ngoài cơ sở của cô, còn nhiều cơ sở khác cũng kinh doanh “mặt hàng” này trên mạng. Khách mua chỉ cần gọi điện đặt là có “hàng” chuyển tới. Cùng thời gian trên, chúng tôi mang các mẫu giấy xuất, nhập viện có dấu xác nhận của bệnh viện Bạch Mai vào bệnh viện này tìm hiểu thì được biết những thông tin trái ngược với các đối tượng mua bán cung cấp.

Theo bác sỹ N.M.T., khoa Thần kinh, bệnh viện Bạch Mai, người có chữ ký ở nhiều giấy nhập, xuất viện đang được mua bán trên thị trường cho biết: “Chỉ nhìn vào con dấu và dấu chức danh, tôi đã biết đây là giấy tờ giả. Giấy chính thống của Viện không bao giờ có mẫu như thế này (vị bác sỹ T. chỉ vào giấy xuất, nhập viện mà PV “sưu tầm” được thông qua một người bạn mua của đường dây). Đặc biệt là chữ ký, họ cố tình nhái, nhưng không sao giống thật được”.

Nói về mức độ nguy hiểm của các loại giấy tờ này, ông Hồ Quang Tấn, Trưởng phòng Bảo vệ Chính trị nội bộ, bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Việc dùng loại giấy tờ giả này không chỉ biến người sử dụng trở thành những kẻ dối trá, mà nó còn làm thất thoát hàng tỉ đồng của Nhà nước, nếu tình trạng này diễn ra liên tục và thường xuyên.

Hiện nay, tình trạng làm giả giấy tờ ở bệnh viện Bạch Mai xảy ra nhiều với diễn biến rất phức tạp. Thời gian gần đây, Công an tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình cũng từng nhiều lần đến bệnh viện Bạch Mai để xác minh về các loại giấy tờ, con dấu, chữ ký bác sỹ do các đối tượng làm giả của bệnh viện Bạch Mai”.

Cần xử lý cả người sở hữu giấy tờ giả vào mục đích xấu

Đánh giá về vấn đề dùng giấy nhập, xuất viện giả để giải quyết chế độ cá nhân liên quan đến bảo hiểm xã hội, lương, thưởng, thạc sỹ luật học Hồ Ngọc Hải, Giám đốc công ty Luật TNHH MTV Công Phúc cho hay, Điều 267 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, bị phạt từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 7 năm”. Như vậy, rõ ràng các đối tượng trên có hành vi của tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức. Cần thiết phải có hình thức trừng phạt, răn đe họ và những người môi giới. Ngoài ra, cần có hình thức xử lý thích đáng cả những người sử dụng con dấu, tài liệu giấy tờ làm giả để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

Theo Nguoiduatin.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh