V-League vẫn ném tiền qua cửa sổ
- Văn hóa - Giải trí
- 16:38 - 22/04/2021
Chia tay hàng loạt ngoại binh kém chất lượng
Đầu mùa giải năm nay, CLB TP.Hồ Chí Minh đã chiêu mộ 3 tiền đạo người Brazil để tăng cường sức mạnh hàng công. Tuy nhiên, sau 10 trận của V-League, Joao Paulo, Dario Silva và Barros tỏ ra lạc nhịp trong cỗ máy vận hành của CLB khi không để lại nhiều dấu ấn trên hàng công.
Trong 10 trận đấu, bộ đôi Junior Barros và Dario chỉ ghi được 1 bàn thắng còn Joao Paulo thậm chí không có pha lập công. Hình ảnh nhạt nhòa ấy của các ngoại binh đã khiến TP.Hồ Chí Minh rơi dần vào nhóm chống xuống hạng. Từ tham vọng vô địch, đội bóng của HLV Alexandre Polking phải vật lộn với cuộc đua… trụ hạng nếu không cải thiện tình hình ở 2 vòng đấu tới trước khi giai đoạn 1 V-League khép lại.
Đến lúc này, người ta có thể đặt dấu hỏi về cách sử dụng nhân sự của CLB TP.Hồ Chí Minh. Họ gạt tên Pape Diakite, trung vệ đã chơi hay dưới thời HLV Chung Hae Seong để nhường chỗ cho một tiền đạo. HLV Polking muốn CLB TP.Hồ Chí Minh thể hiện lối chơi hiện đại, dựa trên nền tảng kiểm soát bóng. Ông muốn các cầu thủ triển khai bóng ngay từ sân nhà. Lối chơi này đòi hỏi tinh thần đồng đội, khả năng phối hợp cao. Nhưng khi bóng ở 1/3 sân cuối cùng, các ngoại binh lại xử lý cá nhân. Đó chính là vấn đề của đội bóng Sài thành.
Sau TP.Hồ Chí Minh, CLB Sài Gòn FC cũng vừa chia tay 3 ngoại binh kể từ sau vòng 10 V-League 2021. Theo đó, Daisuke Matsui, Hiroyuki Takasaki (quốc tịch Nhật Bản) và Woo Sang Ho (Hàn Quốc) được thanh lý do không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn. Trước khi mùa giải năm nay khởi tranh, các cầu thủ này đã được Chủ tịch mới là bầu Bình đưa về sân Thống Nhất trong chiến lược J-League hóa CLB Sài Gòn nhưng đã không đạt kết quả như mong đợi.
Khâu thẩm định có vấn đề?
Mùa trước, CLB TP.Hồ Chí Minh đã tốn 1 triệu USD để chiêu mộ 2 ngoại binh người Costa Rica là Jose Ortiz và Ariel Rodriguez. Tuy nhiên, bộ đôi này không đóng góp quá nhiều cho đội bóng với 4 bàn thắng. Mùa này, ngoại binh lại trở thành cơn ác mộng với đội bóng của HLV Polking. Giá trị của Dario, Barros, Paulo lần lượt là 350.000, 300.000 và 325.000 euro. Họ thuộc top 10 cầu thủ có giá trị cao nhất V-League 2021. Như vậy, chưa kể ngôi sao Lee Nguyễn, TP.Hồ Chí Minh đã bỏ ra một số tiền cực khủng nhưng đổi lại là sự thất vọng lớn.
Tương tự CLB Sài Gòn, nhiều người đặt dấu hỏi vì sao đội bóng này chiêu mộ ngoại binh Daisuke Matsui đến từ Nhật Bản khi đã… 40 tuổi. Trong khi tiền đạo Hiroyuki Takasaki cũng thi đấu hết sức mờ nhạt, chưa ghi được bất cứ bàn thắng nào. Riêng tiền vệ người Hàn Quốc Woo Sang Ho dù được ra sân thi đấu thường xuyên nhưng cũng chỉ ở mức tròn vai.
Trước khi từ chức ở CLB Hà Tĩnh, HLV Phạm Minh Đức cay đắng nói: "Tôi sẽ không dùng bất cứ ngoại binh nào cho đến hết mùa giải. Chất lượng của các cầu thủ này rất tệ, thậm chí còn kém cả nội binh. Việc đội bóng bỏ tiền ra mua và trả lương cho những ngoại binh này là rất lãng phí".
Tình trạng ngoại binh kém chất lượng cũng thường xuyên xảy ra ở SLNA, Hải Phòng, Thanh Hóa… Nhiều đội bóng thậm chí phải thanh lý cầu thủ chỉ sau 1 - 2 vòng đấu, chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ.
Về vấn đề này, theo bình luận viên Quang Huy, việc thẩm định chất lượng ngoại binh ở V-League đang có vấn đề thực sự. Thường trước mỗi kỳ chuyển nhượng, ngoại binh thông qua các nhà môi giới đổ về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội được ký hợp đồng. Tuy nhiên, do bộ phận chuyên môn của các đội bóng không kiểm tra kỹ hoặc giữa HLV và lãnh đạo đội bóng có độ "vênh" nên mua phải hàng kém chất lượng.
Theo một HLV kỳ cựu ở V-League, vấn đề mua ngoại binh có rất nhiều câu chuyện nhạy cảm phía sau. Thường một cầu thủ sau khi được đội bóng ký hợp đồng sẽ "lại quả" hay chi hoa hồng cho những người có tiếng nói quyết định. Nói cách khác, việc một đội bóng liên tục ký hợp đồng rồi thanh lý lại có lợi cho một số cá nhân.
V-League tốn quá nhiều tiền cho ngoại binh kém chất lượng nhưng có một vấn đề đáng lo ngại hơn là các chân sút nội không còn đất diễn, dẫn đến việc đội tuyển Việt Nam khan hiếm tiền đạo giỏi, như HLV Park Hang Seo từng nhiều lần đề cập.