Chính sách giảm nghèo giai đoạn mới: Ưu tiên vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số
- Tra cứu phẫu thuật
- 20:49 - 24/01/2015
Phó Thủ tướng chỉ đạo: Trước mắt, khẩn trương tích hợp những chính sách hiện hành, chủ động nêu rõ những nội dung, chính sách cần sửa đổi, bổ sung; phù hợp với nguồn lực để bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong quý I, để các văn bản, chính sách phát huy tác dụng ngay trong năm 2015.
Về định hướng rà soát, thiết kế chính sách giảm nghèo, Phó Thủ tướng yêu cầu ưu tiên tập trung cao độ cả chính sách và nguồn lực đối với vùng đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số, theo hướng đa chiều và giảm nghèo bền vững, dựa vào cộng đồng để vừa hỗ trợ người nghèo vươn lên, vừa góp phần phát triển cộng đồng.
Vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số tiếp tục được ưu tiên các chính sách giảm nghèo
Việc thiết kế chính sách tiếp tục thực hiện theo hướng tăng cho vay, giảm cho không; mức hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cân đối và lồng ghép nguồn lực.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu tiếp tục nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo mới theo hướng tiếp cận đa chiều; tiếp tục thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo bình quân 2% trong cả nước, bình quân 4% tại các huyện nghèo, phấn đấu ở mức cao hơn. Giao Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cụ thể về nội dung, phạm vi và mối quan hệ của Chương trình 135 với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ công tác giảm nghèo từ các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng và người dân; tôn vinh tập thể và cá nhân có đóng góp tích cực, hiệu quả cho công tác giảm nghèo.
Vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội Lạng Giang(Bắc Giang)
Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%; riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn giảm 5%. Đời sống của hộ nghèo, người nghèo từng bước được nâng lên, đi từ xóa đói giảm nghèo phấn đấu từng bước tiến tới giảm nghèo bền vững. Những kết quả đã đạt được thể hiện việc thực hiện đúng Nghị quyết của Đảng, Nhà nước; góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi và đồng bào dân tộc vẫn còn cao, tỷ lệ tái nghèo vẫn còn nhiều. Cơ chế chính sách tuy đã được rà soát, nhưng vẫn còn chồng chéo, trùng lắp, khó thực hiện; đòi hỏi các bộ, ngành liên quan tiếp tục khắc phục, để nguồn lực, chính sách đầu tư cho giảm nghèo phát huy hiệu quả cao trong giai đoạn tới.