Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đồng bào dân tộc, miền núi
- Tây Y
- 21:01 - 06/06/2019
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: 118 chương trình triển khai hỗ trợ vùng dân tộc miền núi
Trả lời đại biểu Quốc hội về bảo đảm an sinh xã hội vùng khó khăn, biên giới, dân tộc thiểu số, Phó Thủ tướng khẳng định, chính sách dân tộc được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và dành nguồn lực thực hiện.
Hiện chúng ta có 118 chương trình triển khai hỗ trợ vùng dân tộc miền núi, trong đó: 54 chính sách trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số, 64 chính sách chung có ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và 21 chương trình mục tiêu gián tiếp tác động đến đồng bào dân tộc miền núi.
Vấn đề đặt ra là ban hành chính sách nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nguồn lực thực hiện. Tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sạch chưa được quan tâm giải quyết thấu đáo. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số so với hộ nghèo cả nước ngày càng tăng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn ra, tình trạng di dân tự do chưa được sắp xếp ổn định, dẫn đến tình trạng nhiều hộ chưa được cấp hộ khẩu, chứng minh thư, đời sống còn nhiều khó khăn.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã có giải pháp về vấn đề này, như Chính phủ đã trình UBTVQH, Quốc hội tại kỳ họp này phân bổ 1.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách đặc thù, hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số miền núi, hỗ trợ dân tộc thiểu số rất ít người; phân bổ 1.831 tỷ đồng hỗ trợ địa phương phòng, chống khắc phục thiên tai và di dời dân ra khỏi nơi bị lũ ống, lũ quét…
Chính phủ kiên quyết bảo hộ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn chất vấn về vấn đề biển đảo.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) về việc ngư dân bị bắt ở vùng biển chưa phân định, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết việc bảo hộ ngư dân là nhiệm vụ rất quan trọng, nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ.
Thời gian qua, một số ngư dân Việt Nam bị bắt giữ khi đánh cá ở vùng biển hợp pháp; các cơ quan chức năng đã kiên quyết đấu tranh với các nước, yêu cầu phải đối xử nhân đạo, thả người, bồi thường thiệt hại.
Một số ngư dân bị bắt giữ trên vùng biển chưa được phân định, như giữa Việt Nam và Indonesia. Năm 2013, Việt Nam và Indonesia đã phân định thềm lục địa nhưng chưa phân định vùng đặc quyền kinh tế nên có tranh chấp vùng đánh cá. Khi va chạm xảy ra, Bộ Ngoại giao đã trực tiếp trao đổi với sứ quán nước này tại Việt Nam cũng như đối tác Indonesia, yêu cầu thả ngư dân và đền bù.
Tuy nhiên, cũng có vụ ngư dân Việt Nam đánh cá vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước và bị bắt. Chính phủ vẫn bảo hộ công dân đối với các ngư dân này thông qua việc thăm lãnh sự, yêu cầu đối xử nhân đạo, xét xử công bằng, hợp lý, thả người và tàu biển.
Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh các giải pháp bảo hộ, cơ quan chức năng và địa phương cũng phải giáo dục ngư dân tôn trọng luật pháp quốc tế, chỉ đánh trong vùng biển hợp pháp, được các lực lượng chức năng, kiểm ngư của Việt Nam bảo vệ.
Về vấn đề biển Đông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm Việt Nam là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển, đảo; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, đe doạ sử dụng vũ lực và không làm thay đổi nguyên trạng.
"Thời gian qua, các hoạt động kinh tế của Việt Nam trên các vùng biển vẫn được thực hiện, các lực lượng chức năng tiếp tục bảo vệ hoạt động kinh tế và ngư dân đánh bắt hợp pháp trên các vùng biển; kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam bằng biện pháp ngoại giao và các biện pháp cần thiết khác", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói.