Ước nguyện cuối cùng của nữ TNXP từng vào sinh ra tử ở Ngã ba Đồng Lộc
- Dược liệu
- 14:00 - 29/06/2018
Bà Lê Thị Ngụ xem lại những trang nhật ký thời TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc của mình.
Trong căn nhà tình nghĩa do bà Vũ Thị Mai ở 205 La Thành (Hà Nội), Nhà máy xi măng Hoàng Mai và Hội Chữ thập đỏ Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ, xã Đức Long đồng tài trợ và xây dựng cho chị từ tháng 10/2005, mọi thứ bày biện đều rất đơn sơ. 2 tấm Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba do Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng cùng ký ngày 15/9/1997 treo 2 bên bàn thờ. Một giấy chứng nhận Kỷ niệm chương TNXP do BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng. Một bức chân dung chị và tấm ảnh chụp chị trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống TNXP treo trên tường tươi cười nhìn xuống. Ở giữa nhà chỉ có chiếc bàn xếp Xuân Hòa dược phủ ni lông cho khỏi bụi bẩn. Chị Ngụ cho biết: "Bộ bàn ghế này là của ông Nguyễn Thanh Bình, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh tặng. Ông ấy đến thăm, thấy tôi chưa có bàn ghế ngồi nên cho tiền để mua. Thật quý hoá và cảm động! Tôi ở đây một mình nhưng lãnh đạo tỉnh và huyện luôn quan tâm. Chú Hàm, Chủ tịch UBND huyện và chú Đông, Trưởng phòng LĐ-TB&XH hôm vừa rồi đến thăm, bảo sau đợt này đợi tôi khỏe rồi sẽ đưa đi giám định lại thương tật".
Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại cho tình cảnh của chị hiện nay, chị cười nói: "Mình cũng khổ thật đấy, nhưng so với bao bạn bè nằm lại thì mình vẫn còn hạnh phúc lắm!".
Tượng đài Ngã ba Đồng Lộc.
Rồi chị kể cho tôi nghe về những năm chiến tranh ác liệt với biết bao kỷ niệm vui buồn. "3 tuổi mồ côi mẹ. Tuổi thơ gian nan, vất vả. Ngày 15/7/1965, tôi tham gia TNXP, được biên chế về đơn vị C555-N55-P18. Tôi không cùng tiểu đội với 10 cô gái anh hùng, chỉ cùng một Đại đội và là đồng hương với nhau nên gần gũi như trong một nhà. Nhiều lúc ngồi với nhau, tỷ tê chuyện này chuyện nọ, hẹn sau này hết chiến tranh trở về lấy chồng sinh con thì làm thông gia với nhau. Đứa nào khá giả hơn phải giúp đỡ đứa khó khăn, phải thực sự như chị em một nhà. Không ngờ rồi chúng nó hy sinh cả. Thật tội!", nói rồi chị rơm rớm nước mắt.
Chúng tôi hỏi tránh sang chuyện khác: "Sao chị không lấy chồng?". Chị cười xa xăm: "Ngày đó cũng có nhiều người theo đuổi nhưng tôi chỉ yêu một người. Rồi anh ấy hy sinh. Thế là tôi ở vậy, chẳng thiết gì nữa. Bây giờ già rồi mới thấy sự cô quạnh thật là khủng khiếp!".
Chị lại đưa cho chúng tôi xem cuốn vở học trò, trong đó có những bài thơ nói về tình yêu do chị chép lại hay tự sáng tác được chị cất giữ hàng chục năm nay như "bảo bối". Có lẽ tất cả những gì chị lưu giữ được trong đó là những khát vọng cháy bỏng của một tâm hồn đa cảm mà tuổi xuân của chị đã vĩnh viễn đi qua trong chiến tranh không bao giờ trở lại.
Khu mộ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc.
Hiện chị Ngụ đang sống cạnh nhà một người đàn bà khác có chồng chết sớm nhưng không có con. Hai tâm hồn cô quả cùng chung một vườn, cùng vào một ngõ, nương tựa vào nhau, sớm khuya tối lửa tắt đèn. Chị có một người con nuôi tên là Lê Thị Mai học Trung cấp lưu trữ, hiện đã được vào biên chế chính thức và đang làm văn thư tại Trường THCS Dân tộc nội trú tỉnh Đắk Lắk. Chị cũng muốn xin cho con về công tác trong tỉnh, trong huyện mà chưa được.
Lường trước được số phận, chị Ngụ đã xây xong cho mình một ngôi mộ chờ sẵn tới ngày nhắm mắt xuôi tay. Tuy vậy, hiện nay chị chỉ còn hai nguyện vọng cuối cùng: Một là được khám lại thương tật để nâng hạng từ 51% lên 61% để đảm bảo quyền lợi. Nguyện vọng thứ hai là cấp lãnh đạo xét chiếu cố cho con gái của chị về làm việc một nơi nào đó trong huyện để có điều kiện chăm sóc chị lúc tuổi già.
Chia tay với chị Ngụ, cựu TNXP từng vào sinh tử nơi chiến trường Ngã ba Đồng Lộc trong một chiều nắng quái, chúng tôi bị ảm ảnh bởi những lời tự sự của chị mà bỗng cảm thấy sống mũi cay cay.