THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:24

Ước mơ của một làng chài

 

Một góc làng chài ở Đặng Sơn

Cuối năm 2012, gần 70 hộ dân làng chài ven sông Lam,  thuộc xóm 6, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương được chuyển lên bờ tái định cư (TĐC). Có được một mảnh đất để “cắm dùi”, đó là điều mà người dân hằng mong ước từ bao đời nay. Bởi, từ bao thế hệ, quanh năm sinh sống trên chiếc thuyền chông chênh ven sông luôn là nỗi lo thường trực mỗi khi mưa đến, bão về. Ước mơ một ngày nào đó được lên bờ để dựng một căn nhà, đó là niềm vui sướng nhất, nay đã trở thành hiện thực. Các hộ dân phấn khởi lên bờ nhận đất, nhận tiền hỗ trợ từ Nhà nước để xây dựng nhà cửa. Thấp thoáng những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi mọc lên khiến nhịp sống của bà con trong xóm mới trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. “Trước đây người dân chúng tôi quanh năm phải bám sông, nằm thuyền để sinh sống. Mỗi khi nhìn lên bờ thấy những gia đình lên đèn quây quần đầm ấm bên nhau, lúc đó chỉ khát khao có một mảnh đất ở, để con cháu sau này không phải lênh đênh giữa mênh mông bốn bề là nước như bố mẹ chúng nó. Giờ đây, ước mơ đó đã thành hiện thực, mỗi khi mưa bão về không còn thấp thỏm phải lo lật thuyền. Con trẻ lại thuận lợi việc tới trường, có lẽ chúng tôi không dám mong gì nhiều hơn” – Bà Đặng Thị Hòa (65 tuổi), ở xóm 6, Đặng Sơn tâm sự.

 

Hàng loạt nốc thuyền của người dân vạn chài Đặng Sơn trên sông Lam


Niềm vui “an cư” là vậy. Thế nhưng, từ đó đến nay, nỗi âu lo về “ lạc nghiệp” dường như đang là gánh nặng lớn đối với hầu hết các gia đình xóm vạn chài cũ. Và, việc quay trở lại “chốn cũ” để tìm kế sinh nhai của người dân diễn ra ngay sau đó. Từ 5 năm qua, xóm vạn chài cũ lại trở về với những con thuyền, chiếc xuồng nhỏ bé để mò tôm, bắt cá… kiếm sống qua ngày.

 

Mọi sinh hoạt của những người quay trở lại nghề sông nước vẫn diễn ra trên sông


Vừa nhảy xuống từ trên chiếc nốc (thuyền nhỏ) cũ kỹ, anh Nguyễn Văn Tuấn (30 tuổi), tỏ ra mệt mỏi, buồn rầu nói: “Đi cả đêm đến sáng đánh được có hơn cân cá. Bán được mấy chục nghìn thôi anh ạ. Vừa đủ tiền trang trải cho sinh hoạt ngày hôm nay thôi. Tiền học đứa cháu trai chưa biết lấy đâu ra. Không công ăn việc làm như tụi em khổ quá anh nhỉ?”. Được biết, gia đình anh Tuấn có 6 nhân khẩu, đã sống ở xóm vạn chài Đặng Sơn được mấy chục năm qua. Anh Tuấn cũng được sinh ra và lớn lên trên chiếc nốc của gia đình. Khi lớn lên anh chỉ được đi học đến lớp 3 sau vì không có điều kiện nên đành bỏ học đi theo cha mẹ mò tôm, bắt cá. Và, cái nghề sông nước đã gắn với anh được gần 20 chục năm qua.

 

Một gia đình vạn chài Đặng Sơn đang đi đánh cá trên sông Lam


Năm 2012, cũng như các hộ dân vạn chài khác, gia đình anh được chia đất để làm nhà ở, thế nhưng do gia đình không có điều kiện nên trầy trật vay mượn được mấy chục triệu để cất căn nhà tạm để ở. Đất đai canh tác không có, bĩ cực, nợ nần nên đành quay lại bờ sông đoạn qua xóm 2, xã Đặng Sơn để tiếp tục nghề cũ là rong ruổi khắp khúc sông để đánh cá, xúc tôm… bán kiếm tiền mua gạo và trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình. Cũng theo người dân nơi đây, việc trở lại với sông nước như bao đời nay chỉ là “bất đắc dĩ”, điều đó khiến cho người dân quanh quẩn kiếm sống qua ngày chứ không dư giả gì. Trước đây tôm cá còn nhiều, nhưng nhiều năm trở lại đây tình trạng khai thác cát sỏi diễn ra ở hầu hết các khúc sông khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm, hệ sinh thái bị ảnh hưởng nhiều nên lượng tôm cá ở sông cũng vì thế mà giảm đi rất nhiều. Được biết, trong dự án TĐC, mỗi hộ dân sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng để đào giếng nước. Thế nhưng khi đào giếng không có nước để dùng, nếu có nước thì nguồn nước cũng không đảm bảo đủ dùng hàng ngày, vì thế nguồn nước để sinh hoạt cũng phải đi mua chứ xin mãi cũng không được.

 

Cuộc sống thiếu thốn ở nơi sông nước


Theo người dân cho hay, lúc lên bờ ngoài được phân chia 150 - 160m2 đất xây dựng nhà cửa và các công trình phụ, còn lại không có mảnh ruộng nào để sản xuất nông nghiệp cũng như chăn nuôi.Nhà ít người còn đỡ, có gia đình 7- 8 người sống trong một căn nhà cũng với chừng ấy diện tích nên hết sức bất tiện. Trong khi tiền không có để mua thêm đất, cất thêm nhà. Bất đắc dĩ, người ở trên bờ, người lại xuống thuyền cư trú, những ngày gia đình có công việc hay lễ tết mới được lên bờ quây quần ban nhau. Ông Lê Văn Phú, người đã có hơn nửa đời người lênh đênh khắp dòng Lam để mưu sinh, thở dài: “Năm 2012 đượng nhà nước cắt cho 150m2 đất. Cha con vay mượn tiền để cất căn nhà nho nhở để có chỗ chui vào chui ra. Khổ nỗi đất ít quá, đất sản xuất không có lấy một thước nên trồng trọt, chăn nuôi chi đều khó khăn cả. Không có công ăn việc làm nên các con tôi người Nam, kẻ Bắc làm công nhân. Còn tôi thì quay lại sông Lam để làm lại nghề cũ chì lưới trang trải sinh hoạt cho gia đình”. Cũng theo ông Phú thì ngoài việc thiếu đất sản xuất, không có việc làm thì số đất được nhà nước giao để làm nhà ở khu TĐC cũng chưa được cấp giấy CNNQSDĐ. Việc đó cũng đang gây không ít khó khăn cho người dân nếu muốn thế cháp vay vốn làm ăn.Theo tìm hiểu của PV, dự án khu TĐC cho các hộ dân vạn chài trên sông Lam ở xã Đặng Sơn do UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2010 và bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2012. Cuối năm 2012, 68 hộ dân trong đó có 39 hộ của xóm 6 và 29 hộ ở xóm 7  được chuyển về khu TĐC này sinh sống. Trao đổi với PV, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương, cho biết: “ Người dân lên bờ TĐC đã tương đối ổn định về đất ở, việc thiếu đất sản xuất, huyện cũng hết sức trăn trở vì quỹ đất không có, rất hạn hẹp rồi. Hiện đất theo Nghị định 64 đã chia hết cho dân và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cả rồi”.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn trên chiếc nốc chật chội

Ông Ngọc Kim Nam – Chủ tịch UBND Đô Lương, nói: “Hiện nay huyện đang gặp khó khăn trong việc giải quyết việc làm ổn định cho người dân ở khu tái định cư vạn chài Đặng Sơn. Ngoài việc thiếu đất sản xuất thì công tác đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp khi người dân lên bờ cũng không phải chuyện đơn giản có thể giải quyết trong ngày một ngày hai được. Sắp tới, huyện sẽ lưu ý việc này để làm sao tìm ra phương án giải quyết phù hợp nhất cho các hộ dân có thể an cư, lạc nghiệp theo đúng nghĩa của nó”.

HOÀNG TÙNG- YÊN BÌNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh