CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:05

UNICEF dẫn đầu trong việc thu mua và cung ứng vắc-xin COVID-19

Trong bối cảnh nhiều thử nghiệm vắc-xin có triển vọng, thay mặt Cơ chế COVAX, UNICEF phối hợp cùng Quỹ quay vòng thuộc Tổ chức Y tế Liên Châu Mỹ (PAHO) sẽ chỉ đạo công tác thu mua và cung ứng các liều vắc-xin COVID-19 cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.

UNICEF dẫn đầu trong việc thu mua và cung ứng vắc-xin COVID-19  - Ảnh 1.

UNICEF nỗ lực thu mua và cung ứng vắc-xin.

Những quốc gia này sẽ nhận được các cơ chế hỗ trợ trong việc mua vắc-xin thông qua Cam kết Gavi COVAX AMC cũng như kho dự trữ vắc-xin dự phòng cho các trường hợp nhân đạo khẩn cấp. Ngoài ra, UNICEF còn đóng vai trò điều phối hoạt động thu mua nhằm hỗ trợ 80 quốc gia có thu nhập cao hơn. Các quốc gia này đã bày tỏ ý định tham gia vào Cơ chế COVAX và sẽ tự chi trả cho vắc-xin bằng nguồn ngân sách tài chính công của mình.

UNICEF sẽ triển khai những hoạt động này với sự hợp tác chặt chẽ cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Gavi, Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), PAHO, Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Bill & Melinda Gates và nhiều đối tác khác. Cơ chế COVAX được mở rộng với mọi quốc gia nhằm đảm bảo tất cả các nước đều được tiếp cận với vắc-xin COVID-19 trong tương lai khi vắc-xin được phát triển thành công.

Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF cho biết: "Đây là hoạt động hợp tác chung tay giữa các chính phủ, các nhà sản xuất, và các đối tác đa phương nhằm tiếp tục cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 vốn còn nhiều rủi ro. Trong nỗ lực chung nhằm phát triển vắc-xin, UNICEF đang tận dụng những lợi thế riêng biệt trong cung ứng vắc-xin để đảm bảo mọi quốc gia đều được tiếp cận với những liều vắc-xin đầu tiên một cách an toàn, nhanh chóng, và công bằng sau khi vắc-xin được sản xuất".

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện của UNICEF tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã bày tỏ mong muốn tham gia Cơ chế COVAX, và đã được chấp thuận là quốc gia có thể tham gia Cam kết COVAX AMC. UNICEF cùng với WHO và các đối tác phát triển khác sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác chuẩn bị quan trọng này, từ việc kiểm kê dây chuyền lạnh cho đến kế hoạch vận chuyển để chuẩn bị sẵn sàng vắc-xin cho người dân.

Để đáp lại thư bày tỏ nguyện vọng mà UNICEF thay mặt Cơ chế COVAX công bố vào hồi tháng 6, có 28 nhà sản xuất với cơ sở sản xuất tại 10 quốc gia đã chia sẻ kế hoạch sản xuất vắc-xin COVID-19 thường niên từ nay cho đến hết năm 2023. Theo các mốc thời gian mà nhà sản xuất đưa ra, khoảng thời gian từ lúc phát triển cho tới khi sản xuất vắc-xin thành công có thể sẽ trở thành bước nhảy vọt lớn nhất trong lịch sử ngành khoa học và sản xuất.

Theo một đánh giá thị trường của UNICEF được xây dựng dựa trên việc tổng hợp thông tin do các nhà sản xuất vắc-xin cung cấp cũng như dữ liệu công khai có sẵn, các nhà sản xuất sẵn sàng chung sức để sản xuất ra một số lượng vắc-xin lớn chưa từng có trong vòng một đến hai năm tới đây.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất cũng chỉ ra rằng việc đầu tư để hỗ trợ sản xuất các liều vắc-xin với quy mô lớn như vậy sẽ phụ thuộc vào việc thử nghiệm lâm sàng thành công, đạt được các thỏa thuận mua trước, xác nhận được nguồn tài trợ, đơn giản hóa quy trình đăng ký và thủ tục pháp lý, cùng nhiều yếu tố khác.

Đánh giá này cũng cho thấy, khả năng đáp ứng của các nhà sản xuất với thiết kế và mục tiêu của Cơ chế COVAX - một trụ cột chính trong Sáng kiến ACT – Accelerator. Sáng kiến ACT - Accelerator là một chương trình hợp tác toàn cầu mới mang tính đột phá nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và phân phối công bằng vắc-xin, phương pháp chẩn đoán và trị liệu nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 ở tất cả các quốc gia bất kể mức thu nhập.

Bước quan trọng tiếp theo là phải đảm bảo các nền kinh tế tự chủ về tài chính đăng kí tham gia vào Cơ chế COVAX trước ngày 18/09. Điều này sẽ cho phép COVAX có thể hỗ trợ các khoản đầu tư sớm, có rủi ro cao khi tăng khả năng sản xuất trên quy mô lớn thông qua các thỏa thuận mua trước.

Khung phân bổ của COVAX hiện đang được WHO xây dựng sẽ cung cấp thông tin hướng dẫn về cách thức và địa điểm mà UNICEF, PAHO và các đơn vị thu mua khác đại diện cho các quốc gia thành viên sẽ cung cấp vắc-xin COVID-19 do Cơ sở COVAX tiếp nhận. Dự kiến các đợt phân bổ vắc-xin đầu tiên sẽ được mở rộng để các quốc gia thực hiện tiêm chủng cho nhân viên y tế và nhân viên công tác xã hội, sau đó sẽ là các đợt vắc-xin dành cho những nhóm dân số có nguy cơ cao mắc COVID-19.

Tiến sĩ Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Gavi cho biết: "UNICEF đã và đang là đối tác quan trọng góp phần vào sự thành công của Liên minh trong hơn hai thập kỉ qua. UNICEF đã hỗ trợ chúng tôi tiếp cận và cung cấp những liều vắc-xin giúp cứu sống hơn một nửa dân số thế giới. Chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo COVAX - nỗ lực toàn cầu nhằm thu mua và cung cấp vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả, trong khoảng thời gian gấp rút và quy mô lớn chưa từng có - có thể bảo vệ được những đối tượng có nguy cơ cao nhất cho dù họ ở bất kỳ đâu trên thế giới. Cùng với nhau, chúng ta có thể hành động để chấm dứt giai đoạn nguy cấp nhất của đại dịch lần này cũng như tác động nghiêm trọng của đại dịch đến cá nhân, cộng đồng, và các nền kinh tế".

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh