Hơn 40.000 tình nguyện viên sẽ thử vắc xin COVID-19 Sputnik V
- Tây Y
- 15:24 - 23/08/2020
Tờ Tuổi trẻ cho hay, tất cả những người này đều được lựa chọn ngẫu nhiên để kiểm tra tính hiệu quả, khả năng sinh miễn dịch và sự an toàn của loại vắc xin COVID-19 đầu tiên được đăng ký trên thế giới.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo trực tuyến được tổ chức bởi Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) và Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh quốc gia Nga Gamaleya - đơn vị chịu trách nhiệm phát triển vắc xin Sputnik V chiều 20-8 (giờ Nga), thu hút sự tham gia của hơn 300 nhà báo từ 50 quốc gia, bao gồm phóng viên báo Tuổi Trẻ.
GS Alexander Gintsburg, người đứng đầu Viện Gamaleya, đồng thời là thành viên của Viện hàn lâm Khoa học Nga, cho biết Spunik V được phát triển dựa trên công nghệ adenovirus vector, một trong những loại vector được sử dụng nhiều nhất trong công nghệ gen. Đây là công nghệ vắc xin đã được Gamaleya bắt đầu nghiên cứu từ năm 1953.
"Kể từ khi đại dịch COVID-19 nổ ra, các nhà nghiên cứu Nga đã cố gắng trích xuất gen mã hóa từ gai của virus corona sau đó gắn vào một adenovirus vector để chuyển vào tế bào của người", ông Gintsburg chia sẻ.
Dự kiến, người sử dụng vắc xin COVID-19 sản xuất theo công nghệ này sẽ phải tiêm hai mũi, sử dụng hai loại vectors khác nhau là Ad5 và Ad26. Bằng cách này, chúng sẽ "đánh lừa" cơ thể người, kích thích miễn dịch đối với loại vector đầu tiên và tăng tính hiệu quả của vắc xin với mũi thứ hai sử dụng vector khác, theo ông Gintsburg.
"Thử nghiệm vắc xin Ebola sử dụng adenovirus vector trên 2.000 người ở Guinea cho thấy tác dụng bảo vệ trong ít nhất 2 năm. Chúng tôi hi vọng khả năng tương tự ở vắc xin COVID-19 này", GS Ginstburg nói.
Liên quan đến thử vắc xin COVID-19 Sputnik V, tờ Ngày nay cho biết, Nga tuyên bố sẽ sớm tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vắc-xin COVID-19 mới nhất có tên “Sputnik V” của mình, theo National Interest.
“Để có giấy đăng ký chứng nhận cho vắc-xin, nghĩa vụ của chúng tôi là phải thực hiện thêm một cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn,” Denis Logunov, Phó Giám đốc phụ trách các công trình khoa học của Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya, tuyên bố hôm thứ 20/8.
“Chính phủ đã đồng ý triển khai một cuộc thử nghiệm với số lượng người tham gia là hơn 40.000. Mục đích chính của quy trình này không phải là để nghiên cứu tính sinh miễn dịch và tính an toàn của Sputnik V. Chúng tôi cần đánh giá thêm về tính hiệu quả trong phòng ngừa dịch bệnh lây lan mà vắc-xin mang lại,” ông Logunov cho biết thêm.
Hiện tại, vắc-xin của Nga mới chỉ trải qua thử nghiệm giai đoạn 1 và 2, với số lượng người thử nghiệm rất hạn chế. Điều này khiến nhiều chuyên gia y tế và bác sĩ quan ngại về chất lượng của vắc-xin này. Hơn nữa, kết quả của các cuộc thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 cũng chưa được Nga công bố rộng rãi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến, bắt đầu từ tháng 9 Sputnik V sẽ được sản xuất với quy mô khoảng 5 triệu liều/tháng. Việc tiêm chủng hàng loạt sẽ được tiến hành vào tháng 10.
Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khích lệ rằng bất kỳ tiến triển nào trong việc sản xuất vắc-xin đều là một tin tốt lành với thế giới.
Theo số liệu mới nhất của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 20/8, Nga có hơn 939.000 ca mắc COVID-19 và 16.000 trường hợp đã tử vong. Quốc gia này hiện đang đứng thứ 4 thế giới về số ca nhiễm COVID-19.