Ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vùng dân tộc thiểu số
- Dược liệu
- 23:04 - 10/09/2018
Phiên thảo luận về ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong đồng bào dân tộc tại tỉnh Điện Biên.
Tại buổi triển khai dự án, bà Lê Kim Dung - Giám đốc Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết: “Đây không phải là vấn đề của riêng nhóm thiểu số, mà là của nhiều nhóm và tầng lớp khác nhau trong xã hội. Phụ nữ dân tộc thiểu số gặp những rào cản và thách thức đặc thù hơn: Do hạn chế về khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông và khả năng đi lại nên họ càng khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ khi bị bạo lực. Chúng tôi hy vọng Dự án sẽ góp phần phá vỡ sự im lặng xung quanh vấn đề này trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới nơi đây cũng như trên toàn quốc”.
Cho đến nay, truyền thông và các cơ quan quản lý chủ yếu quan tâm vấn đề bạo lực giới ở khu vực đồng bằng, nơi có đông người Kinh sinh sống, mặc dù đây cũng là vấn đề dai dẳng trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Khảo sát vào tháng 7 vừa qua của CARE với 329 nữ giới và 101 nam giới tại 4 xã: Mường Phăng, Pa Khoang, Thanh Nưa và Hua Thanh (huyện Điện Biên) cho thấy trong 12 tháng qua (từ tháng 7/2018 trở về trước), có tới hơn 3/4 (77,5%) phụ nữ từng chịu ít nhất 1 dạng bạo lực. Số người từng bị bạo lực tinh thần lần lượt là 66,6%; 35% và 32% tương ứng với các hành vi chửi mắng, đe dọa và kiểm soát đi lại.
Bạo lực thể xác xảy ra ít hơn, trong đó hành vi tát là phổ biến hơn cả: Hơn một nửa phụ nữ được hỏi cho biết họ từng bị chồng tát. Họ cũng từng hứng chịu các hành vi bạo lực có tính chất nguy hiểm như đấm đá/bóp cổ hay sử dụng các vật dễ gây thương tích khác với tỷ lệ lần lượt là 18,3% và 7,0%. Không ghi nhận trường hợp bị cưỡng ép quan hệ tình dục trong 12 tháng qua nhưng có tới gần 1/4 phụ nữ tham gia khảo sát cho biết từng chịu đựng tình trạng này.
Điều đáng nói là phụ nữ thường chọn cách bỏ chạy và chịu đựng khi bị bạo lực. Đối với bạo lực thể chất, tỷ lệ phụ nữ bỏ chạy và chịu đựng lần lượt là 40,2% và 46,4%. Tỷ lệ này ở các dạng bạo lực tinh thần là 22,8% và 66,6%. Hầu hết phụ nữ chịu đựng và đợi cho qua khi bị ép quan hệ tình dục lên đến 97,4%.
Kết quả khảo sát về một số quan điểm/định kiến giới ảnh hưởng đến hành vi ứng xử của phụ nữ và nam giới đã phần nào lý giải về hành vi bạo hành của nam giới cũng như những phản ứng khi bị bạo hành của phụ nữ: 46,5% nam giới được khảo sát quan niệm rằng mắng chửi không phải là bạo hành. Hơn 40% phụ nữ đồng ý với quan niệm khi bị đánh họ cần nín nhịn để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Thậm chí một nửa số phụ nữ tham gia khảo sát cho rằng có thể tha thứ cho hành vi đánh vợ của những ông chồng.
Dự án sẽ do CARE Quốc tế tại Việt Nam cùng Viện Phát triển Sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) đồng triển khai với sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Cộng đồng tỉnh Điện Biên (CCD). Sau hơn 3 năm, Dự án kỳ vọng sẽ nâng cao hiểu biết của cộng đồng và chính quyền địa phương về bạo lực giới. Phụ nữ dân tộc thiểu số bị bạo lực sẽ lên tiếng về tình trạng của mình cũng như được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ hỗ trợ. Ngoài ra, vấn đề bạo lực giới của người dân tộc thiếu số sẽ được đưa vào các hoạt động vận động chính sách vì một cuộc sống không còn bạo lực.
Để làm được điều đó, Dự án sẽ tiến hành các hoạt động nhằm thúc đẩy sự suy ngẫm của người tham gia về các nguyên nhân gốc rễ như sự bất bình đẳng giới; thúc đẩy sự tham gia của nam giới vào những hoạt động ở cấp thôn bản; tăng cường năng lực của các đơn vị có liên quan trong việc cung cấp dịch vụ cho người bị bạo hành và gia tăng tiếng nói của người dân trong các chính sách liên quan đến phòng, chống bạo lực giới.
Đây là dự án thuộc chương trình Phụ nữ Dân tộc thiểu số của Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam. Bên cạnh nỗ lực giải quyết bạo lực giới, CARE cũng có nhiều dự án để giúp phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao đóng góp và vị thế của mình chuỗi giá trị chuối và cà phê, cải thiện sinh kế và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.