THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 04:55

Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ người khiếm thị hòa nhập cộng đồng

Cùng dự có ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện Thường trú cùng các cán bộ Văn phòng UNDP (là cơ quan trục thuộc Đại Hội đồng Liên hợp quốc, chịu sự chi phối của Đại Hội đồng và ECOSOC). Về phía Bộ LĐ-TB&XH có lãnh đạo các đơn vị: Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Bảo trợ xã hội, Cục Việc làm, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Viện Khoa học Lao động và Xã hội.

Chung tay chăm lo an sinh xã hội

Tại buổi làm việc, bà Ramla Khailidi bày tỏ vui mừng và đánh giá cao các hoạt động hợp tác giữa UNDP và Bộ LĐ-TB&XH. Bà Ramla Khailidi cho biết, thời gian qua, UNDP và Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai rất hiệu quả và đạt được nhiều thành tựu về các chương trình dự án về giảm nghèo đa chiều, trợ giúp xã hội, rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam cũng đề xuất mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp triển khai các dự án mới liên quan đến lĩnh vực hỗ trợ việc làm đối với người khuyết tật và nạn nhân bom mìn; nâng cao tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan công quyền và diễn đàn chính trị; hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi xanh, sáng kiến tăng tốc toàn cầu nhằm bảo vệ những người yếu thế, bảo đảm công nhân không bị mất việc do nhà máy đóng cửa.

Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc giữa hai bên.

Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc giữa hai bên.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hoan nghênh và chào mừng bà Ramla đã đến làm việc với Bộ LĐ-TB&XH. Với cương vị là một nhà lãnh đạo, một chuyên gia có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của UNDP, cảm ơn sự hỗ trợ hiệu quả của UNDP đối với Việt Nam trong thời gian qua, cụ thể là UNDP đã luôn sát cánh trong việc thúc đẩy an sinh xã hội, thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững, cố gắng phát huy những thành tựu to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giải quyết những thách thức mới nảy sinh mà Việt Nam đang phải đối mặt, trong đó có những lĩnh vực Bộ LĐ-TB&XH đang quản lý.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất các nội dung hợp tác với UNDP.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất các nội dung hợp tác với UNDP.

“Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ LĐ-TB&XH nói riêng đánh giá rất cao sự giúp đỡ của UNDP, nhất là trong xây dựng thể chế, chính sách an sinh xã hội. Trong đó có vấn đề giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ công tác rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn, trợ giúp người cao tuổi…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, 10 năm qua, Việt Nam chủ yếu tập trung cho vấn đề an sinh xã hội, quan tâm chủ yếu đối tượng là người yếu thế. Tuy nhiên, 10 năm tới, chủ trương phát triển chính sách xã hội, phúc lợi xã hội của Việt Nam sẽ theo hướng toàn diện, bao trùm, hiện đại và bền vững.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, Việt Nam  đang tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên: Một là cải cách thể chế, vừa phù hợp với Việt Nam vừa đón những gì tiên tiến của thế giới, lấy hợp tác công tư, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt phát triển. Hai là, phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Ba là tập trung phát triển nguồn nhân lực, lấy con người làm trung tâm.

Trong lĩnh vực xã hội, Việt Nam đang đặt ra 4 đột phá cần ưu tiên, đặc biệt là tập trung phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập, theo tinh thần việc làm thỏa đáng và công bằng, lấy thu nhập, sinh kế người dân làm gốc; tập trung giải quyết các vấn đề lõi nghèo, trọng tâm là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước mắt tập trung vào việc xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo. Phấn đấu đến năm 2025 cả nước không còn nhà dột nát. Cùng với đó là mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ dành cho công nhân, người thu nhập thấp.

Bà Ramla Khailidi bày tỏ vui mừng và đánh giá cao các hoạt động hợp tác giữa UNDP và Bộ LĐ-TB&XH thời gian qua.

Bà Ramla Khailidi bày tỏ vui mừng và đánh giá cao các hoạt động hợp tác giữa UNDP và Bộ LĐ-TB&XH thời gian qua.

Liên quan đến hoạt động rà phá bom mìn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả rất lớn. Hiện nay, Việt Nam đang chăm lo cho 9 triệu người có công, đó là thương binh, cựu chiến binh, những người nhiễm chất độc hóa học, gia đình thân nhân; 3 triệu người trong đối tượng bảo trợ, hơn chục triệu người hộ nghèo, nghèo do sức yếu, do hậu quả chiến tranh để lại.

Về lĩnh vực chuyển đổi năng lượng công bằng, Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26, đến năm 2050 sẽ không còn khí thải về môi trường, có nghĩa là cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường.

Do đó, UNDP đề xuất việc chuyển đổi thế nào để cho những người yếu thế không bị thiệt thòi bởi vì trong quá trình chuyển đổi, năng lượng than đá, xăng, năng lượng xanh đang từ số hóa, người thiệt thòi nhất là người yếu thế, công nhân có tay nghề thấp, phụ nữ, người di cư sẽ bị gạt ra, bị mất việc làm. Trong quá trình chuyển đổi như vậy, Bộ LĐ-TB&XH phải làm thế nào đưa ra những cơ chế để bảo vệ những đối tượng này.

Nâng cao tiếng nói và sự tham gia của người khuyết tật trong các diễn đàn

Đồng tình với những đề xuất của Trưởng Đại diện UNDP về tăng cường tiếng nói của người khuyết tật trong chính trị cũng như tham gia vào quản lý hay trong các hoạt động xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất: “Thay vì sử dụng những chiếc gậy để dò đường, tìm đường, chúng ta có thể nghiên cứu trang bị cho mỗi người khuyết tật, người khiếm thị một chiếc điện thoại thông minh, ở đó có phần mềm giúp họ qua đường, tìm đường, dễ dàng tiếp cận về nhà ở, giao thông hoặc các hoạt động thể thao vui chơi, hòa nhập cộng đồng… Đây cũng là điều tôi trăn trở bấy lâu nay”.

Nhất trí với ý kiến đề xuất của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam khẳng định mong muốn tiếp tục được hợp tác với Bộ LĐ-TB&XH ở nhiều lĩnh vực mới, trong đó có việc tập trung hỗ trợ Việt Nam nói chung và ngành LĐ-TB&XH nói riêng về hỗ trợ cho người yếu thế, chuyển đổi năng lực công bằng, chuyển đổi xanh và sáng kiến tăng tốc toàn cầu. Riêng đề xuất của Bộ trưởng về hỗ trợ người khuyết tật, UNDP sẽ có một dự án phối hợp với các công ty hoặc đối tác tư nhân trong thời gian sớm nhất, qua đó khảo sát nhu cầu của người khiếm thị họ cần những thiết bị gì hoặc cần hỗ trợ ra sao…, từ đó mới thiết kế ra các app hay phần mềm để trợ giúp hiệu quả.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bà Ramla Khailidi và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bà Ramla Khailidi và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng giao Viện Khoa học Lao động và Xã hội đưa nội dung về người khuyết tật vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 15-NQ/TW về chính sách xã hội trong giai đoạn tới; đồng thời đề nghị UNDP tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, các vấn đề liên quan đến người cao tuổi. Trong chuyển đổi công bằng, cần phối chặt chẽ để đưa ra những ý kiến đảm bảo nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và chuyển đổi năng lượng, tạo ra những việc làm chất lượng cho nhóm đối tượng yếu thế tại Việt Nam.

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh