CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 09:09

Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Việc chậm, nợ văn bản pháp luật chưa được giải quyết dứt điểm

Tại phiên chất vấn, vấn đề nợ đọng và chậm ban hành văn bản pháp luật được nhiều đại biểu đặt ra. Cho rằng tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã diễn ra trong nhiều năm mà chưa được khắc phục, gây khoảng trống pháp luật, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để khắc phục.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) nêu thông tin, qua kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2022 cho thấy có những nội dung đã được kiến nghị từ nhiều lần giám sát trước đây nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.Có nội dung ủy quyền tiếp, trực tiếp hoặc ban hành chưa đúng thẩm quyền và hình thức văn bản của một số văn bản quy định chi tiết còn chưa phù hợp, không đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Việc rà soát, công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành vẫn còn chậm và những nội dung trên cũng đã được đề cập tại báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm của Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Giải pháp và trách nhiệm của Bộ trưởng trong thời gian tới như thế nào,” đại biểu đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời chất vấn

Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, việc nợ chậm ban hành văn bản là vấn đề từ lâu chưa được giải quyết dứt điểm. Số văn bản nợ, chậm của từng năm có sự tăng giảm nhất định, tuy nhiên, năm 2021, số lượng văn bản nợ, chậm tăng.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, trong thời gian qua, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tiến hành giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội cũng có báo cáo về vấn đề này, số liệu tuy chưa tương đồng nhưng về tổng thể, có thể khẳng định tình trạng chậm, nợ văn bản là sự thật.

Tuy nhiên, dù đã rất cố gắng, nhưng có những Nghị định nợ lâu, chưa xử lý được, ví dụ như Nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, xử lý cho Bộ luật Lao động; Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng…

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, nguyên nhân là do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc một số Nghị quyết có hiệu lực ngắn, cần cấp tốc ban hành Nghị quyết thay thế…

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định đảm bảo tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng cũng cho biết, Quy định 69 về xử lý, kỷ luật tổ chức Đảng đối với Đảng viên là công cụ rất mạnh, Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo trình quy định của Bộ Chính trị về một số giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản.

Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, trong xây dựng pháp luật, cần quy định rõ nhiều vấn đề cụ thể trong luật, không nên dựa vào việc xây dựng văn bản giải thích, hướng dẫn.

Tranh luận với Bộ trưởng về việc nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) cho rằng, Bộ trưởng đã giải trình và đưa ra một số giải pháp, tuy nhiên thực tế việc chấp hành nguyên tắc xây dựng pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa nghiêm.

Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan trình dự án Luật phải trình kèm theo các dự thảo hướng dẫn. Đại biểu đoàn Bình Định đề nghị, trong thời gian tới Bộ trưởng cần có giải phải pháp cụ thể hơn để khi trình các dự án Luật phải kèm theo các dự thảo hướng dẫn.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang chất vấn về vấn đề chậm ban hành văn bản pháp luật

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang chất vấn về vấn đề chậm ban hành văn bản pháp luật

Ngăn chặn việc thông đồng dìm giá khi đấu giá tài sản công

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về giải pháp đấu giá trực tuyến để tránh tình trạng thông đồng, dìm giá.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhìn nhận, đây là giải pháp tốt để phần nào ngăn chặn thông đồng, dìm giá, không công khai, minh bạch. Một số tổ chức đấu giá tài sản tư có trang đấu giá riêng nhưng đấu giá tài sản công giờ mới tính tới.

“Cơ quan quản lý đang nghĩ đến xây dựng cổng đấu giá trực tuyến nhưng kinh phí, cơ chế quản lý, chịu trách nhiệm… đang gặp khó” – ông nói.

Dẫn bài học từ Hàn Quốc, ông Long cho biết, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu mô hình giao cho một công ty đấu giá xây dựng và vận hành một trang thông tin điện tử về đấu giá tài sản.

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy hạn chế bất cập trong hoạt động đấu giá tài sản. Bà đặt vấn đề, thời gian qua có bao nhiêu đấu giá viên vi phạm, phải xử lý và đề nghị Bộ trưởng đánh giá trách nhiệm của mình, nêu giải pháp phòng ngừa vi phạm.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận thời gian qua có vi phạm như thông đồng dìm giá, “quân xanh - quân đỏ”; kỹ năng, năng lực hành nghề của đấu giá viên hạn chế. Trong 5 năm 2018-2022 có 142 cuộc thanh tra đấu giá tài sản, phạt vi phạm gần 2 tỷ đồng, cũng có một số trường hợp chuyển cơ quan điều tra, truy tố đấu giá viên.

“Bộ Tư pháp sẽ định hướng sửa Luật Đấu giá tài sản theo hướng siết chặt một số quy định để tránh thông đồng, dìm giá; tăng cường năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ đấu giá, phát triển đấu giá trực tuyến…”, Bộ trưởng cho biết,

Trong khi đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng phương pháp tính giá khởi điểm đấu giá chưa sát với thị trường, năng lực còn hạn chế nên Bộ trưởng cần có giải pháp.

Thông tin thêm tới đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết ở Việt Nam có hơn 90% trường hợp là đấu giá tài sản công, trong đó phần lớn là đấu giá quyền sử dụng đất. Giá khởi điểm không phải là việc của Luật Đấu giá tài sản mà vẫn nằm trong Luật Đất đai.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng Bộ Tài nguyên – Môi trường để xem xét trong quá trình sửa Luật Đất đai”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Gỡ vướng về phân cấp, phân quyền

Liên quan đến vấn đề cơ sở pháp lý của việc phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước, đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) bày tỏ lo ngại nếu không có cơ sở này sẽ xuất hiện vướng mắc trong thực tiễn. Ông đề nghị được biết quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về đề xuất cần có văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng về phân cấp để địa phương thực hiện.

Về nội dung này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cái khó là các quy định về phân cấp, phân quyền nằm rất nhiều ở các luật chuyên ngành như đất đai, tài chính, đầu tư… Vì vậy, trong quá trình phân cấp có chỗ phân cấp về thẩm quyền, cách làm nhưng thủ tục không có nên gây vướng.

“Giờ nếu có văn bản riêng về phân cấp nữa sẽ khó sàng lọc được các nội dung đã được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành”, ông Lê Thành Long nêu quan điểm.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, quan trọng là thể chế hóa tốt hơn quy định của Hiến pháp, chiếu từ phân cấp gốc, tức là phân cấp trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Như vậy, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành và đặc biệt về thẩm quyền của từng cấp, từng chức danh, có thể đó sẽ là giải pháp khả thi hơn trong giai đoạn hiện nay.

Châu Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh