UNDP ghi nhận Việt Nam đạt được tiến bộ đáng kể trong giảm nghèo
- Dược liệu
- 02:13 - 03/11/2017
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chào mừng bà Caitlin Wiesen với cương vị là một nhà ngoại giao, một chuyên gia có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của UNDP.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và bà Caitlin Wiesen.
Thứ trưởng đánh giá cao sự quan tâm và hỗ trợ hiệu quả trong thời gian vừa qua của UNDP. Thông qua các chương trình, dự án hợp tác với UNDP, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực và hiệu quả ở tầm vĩ mô cũng như các hoạt động cụ thể đối với các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành LĐ-TB&XH trong lĩnh vực giảm nghèo, chính sách ASXH, hỗ trợ đối tượng yếu thế.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, thông qua việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình giảm nghèo thời gian qua, người nghèo đã được tạo điều kiện để tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường; đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt. Một trong những đột phá trong quá trình thực hiện giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều giai đoạn (2016 - 2020) là giảm cho không, thay vào đó là vừa cho vay ưu đãi thời gian dài, vừa huy động cộng đồng.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng đã thông tin tới bà Caitlin Wiesen, vừa qua Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phát động phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" và triển khai Tháng cao điểm "Vì người nghèo" (17/10 - 18/11). Mục đích nhằm nâng cao nhận thức, hành động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thông qua Chương trình, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế đăng ký, ủng hộ nhằm góp phần tạo ra nguồn lực chăm lo cho người nghèo, thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững. Bà Caitlin Wiesen đánh giá Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công cuộc giảm nghèo và đã thực hiện được các chỉ tiêu thuộc Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ khác. “Mặc dù tỷ lệ nghèo chung ở Việt Nam đã giảm đáng kể, nhưng tốc độ giảm nghèo ở các nhóm dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa vẫn chậm hơn nhiều so với các nhóm dân tộc đa số” - bà Caitlin Wiesen nhận định.
Để giải quyết những thách thức trong giảm nghèo thời gian tới, theo bà Caitlin Wiesen, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam tập trung vào vùng lõi nghèo. Đó là những nơi có địa bàn khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, miền núi. Bà Caitlin Wiesen cho rằng, để cải thiện về sản xuất, đời sống, dịch vụ xã hội và an sinh xã hội, cũng như hỗ trợ triển khai Chương trình mục tiêu tại các vùng nghèo nhất cần đẩy mạnh sự tham gia của khối tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vào hỗ trợ giảm nghèo. Với mục tiêu thiên niên kỷ là xóa đói giảm nghèo, sự tham gia của khối doanh nghiệp không còn chỉ dừng ở chỗ là nhà tài trợ trực tiếp hay gián tiếp mà đang ngày càng thay đổi, mở rộng và sâu sắc hơn với tư cách là một bên tham gia chính thức trong nhiều hoạt động hỗ trợ giảm nghèo do các tổ chức phát triển khởi xướng.
Theo xu hướng hỗ trợ giảm nghèo bền vững, các nội dung hỗ trợ trực tiếp (bằng tiền, hiện vật tiêu dùng) đã giảm dần và được thay thế bằng các hỗ trợ có tác động lâu dài hơn như nâng cao kiến thức, phát triển sản xuất, tiếp cận thị trường.