CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:33

Tỷ lệ trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Indonesia cao nhất thế giới

Theo vtv.vn, số ca mắc Covid-19 ở những người dưới 18 tuổi tại Indonesia đã tăng 12,5% trong tháng 6/2021. Tính từ ngày 28/6 đến ngày 4/7, có 11.872 trẻ em Indonesia mắc COVID-19, nâng tổng số trẻ nhiễm bệnh ở quốc gia này lên 26.000 trường hợp, trong đó có 600 ca đã tử vong.

Như vậy, tỷ lệ trẻ em nước này tử vong do Covid-19 là cao nhất thế giới, ở khoảng từ 3 đến 5%. Trong đó, 50% số ca tử vong rơi vào trẻ em mới biết đi, vov.vn cho biết. Tiến sĩ Aman Pulungan, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Nhi khoa Indonesia nhấn mạnh, đến nay hầu hết các bệnh viện đều chưa có phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) dành cho trẻ em. Các loại thuốc sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 chưa phù hợp với trẻ nhỏ. Do đó, ông kêu gọi phụ huynh và các cơ quan chức năng chú ý bảo vệ trẻ khỏi sự lây lan của dịch Covid-19, đồng thời khuyến cáo chính phủ hoãn kế hoạch học tập trực tiếp dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7 tới.

Các chuyên gia y tế Indonesia cho rằng, làn sóng COVID-19 lần này là do biến thể Delta dễ lây nhiễm cùng với thực tế di chuyển nhiều trong ngày lễ của người Hồi giáo hồi tháng 5/2021. Tuy nhiên, Tiến sĩ Aman Pulungan lại cho rằng, nguyên nhân chính là do người dân còn thiếu nhận thức trong việc bảo vệ trẻ em, đưa trẻ em đi khắp nơi mà không đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, trẻ em bị bệnh nặng không nhận được sự chăm sóc chuyên khoa trong bối cảnh các bệnh viện bị quá tải.

Trước các tác động của đại dịch với trẻ em, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Indonesia kêu gọi Chính phủ đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19, đồng thời đảm bảo trẻ em có thể đi học lại khi an toàn.

Được biết, Chính phủ Indonesia đang tăng tốc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Kể từ đầu tháng 7, nhiều tỉnh thành trên toàn Indonesia đã bắt đầu tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) đã phê duyệt vaccine Sinovac dành cho lứa tuổi 12 - 17. Việc triển khai vaccine cho trẻ em có thể được thực hiện tại những cơ sở dịch vụ y tế hoặc tại các trường học, trường nội trú Hồi giáo với sự phối hợp của Văn phòng Giáo dục và Bộ Tôn giáo địa phương.

Theo đó, trẻ em và thanh thiếu niên sẽ được tiêm hai liều vaccine cách nhau một tháng. Khi đi tiêm chủng, trẻ em phải có phụ huynh đi kèm để khai báo dịch tễ và sức khỏe. Trước khi tiêm chủng, trẻ em sẽ được khám sàng lọc và bị từ chối tiêm chủng nếu có các bệnh lý nền.

Bộ Y tế Indonesia vẫn đang hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật để triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em. Trong giai đoạn đầu, Indonesia nhắm mục tiêu tiêm chủng cho 32,6 triệu trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Quốc gia này đang chờ kết quả đánh giá độ an toàn và liều lượng để triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 3 đến 11 tuổi.

PV (th)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh