Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng ở mức 1,98%
- Huyệt vị
- 00:07 - 03/11/2019
Điều này tạo sức ép rất lớn đối với các nhà băng trong việc xử lý nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 8/2019 là 1,98%, cao hơn nhiều so với mức 1,89% vào cuối năm 2018. Trong khi đó, báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2019 của không ít ngân hàng ghi nhận nợ xấu tiếp tục tăng khá mạnh, cả về tỷ lệ lẫn giá trị tuyệt đối.
Điển hình trong số các ngân hàng nói trên có thể kể đến Vietcombank, nợ xấu của ngân hàng này đã tăng 1.402 tỷ đồng so với cuối năm 2018 lên 7.625 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 tăng gần 100 tỷ đồng lên 4.860 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu vì thế cũng tăng từ mức 0,98% lên 1,08%.
Một ngân hàng khác cũng ghi nhận nợ xấu tăng khá mạnh cả về giá trị tuyệt đối lẫn tương đối là Techcombank. Tại thời điểm cuối tháng 9, số dư nợ xấu của ngân hàng này là 3.704 tỷ đồng, tăng 901 tỷ đồng só với cuối năm 2018; tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,75% lên 1,80%...
Tại một số ngân hàng khác, mặc dù tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ, song số dư nợ xấu tuyệt đối vẫn tăng. Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank đã giảm từ mức 1,58% tại thời điểm cuối năm 2018 về còn 1,56% vào cuối tháng 9, thế nhưng số dư nợ xấu tuyệt đối vẫn tăng 375 tỷ đồng lên 14.066 tỷ đồng. Hay như VPBank, dù tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì ở mức 3,5%, song số dư tuyệt đối đã tăng thêm 1.135 tỷ đồng lên 8.901 tỷ đồng.
Điều đó cho thấy, nợ xấu vẫn có xu hướng tăng. Đáng quan ngại hơn là rủi ro nợ xấu tiềm ẩn là rất lớn, trong đó đáng quan ngại là rủi ro nợ xấu từ các dự án BOT, BT giao thông. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, hiện nợ xấu cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển.
Trong bối cảnh nợ xấu vẫn đang phát sinh hàng ngày và rủi ro nợ xấu tiềm ẩn lớn, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, cần nhanh chóng thành lập thị trường mua bán nợ để giúp tiến trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn và triệt để hơn.