THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:23

Tỷ lệ doanh nghiệp nữ có xu hướng gia tăng tại Việt Nam

Báo cáo "Kinh doanh tại Việt Nam: Góc nhìn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ" của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tính đến hết tháng 9/2019, cả nước có hơn 285.700 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp. Đây là tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp còn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp là một trong các tiêu chí đánh giá thành tựu bình đẳng giới của một quốc gia.

Theo Chủ tịch VCCI, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra mục tiêu “Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020”, tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, đạt được mục tiêu này là thách thức rất lớn.

Công bố báo cáo do VCCI thực hiện, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, đây là một trong những báo cáo đầu tiên đưa ra đánh giá về môi trường kinh doanh từ góc nhìn của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, dựa trên việc khai thác và phân tích dữ liệu khảo sát trên 10 nghìn doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố Việt Nam.

Theo báo cáo của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có xu hướng gia tăng, năm 2016 là 22%, 2017 là 22,4%, năm 2018 là 23,8%; có ¾ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thuộc ngành thương mại - dịch vụ; doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ xuất phát chủ yếu từ hộ kinh doanh. Đặc biệt, khảo sát chỉ ra rằng, quy mô vốn doanh nghiệp càng tăng thì tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ càng thấp.

Bên cạnh những khó khăn của thị trường mà mọi doanh nghiệp phải đối mặt, thì định kiến về khả năng kinh doanh của phụ nữ là một rào cản lớn đối với các chủ doanh nghiệpnữ. doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó trở ngại lớn nhất là tìm kiếm khách hàng (63% doanh nghiệp trả lời gặp khó khăn này), sau đó là biến động thị trường và tìm kiếm nguồn vốn.

Ông Tuấn cho rằng, mặc dù Việt Nam có những quy định tiến bộ về bình đẳng giới và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã đặt ra nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, tuy nhiên các quy định này còn chung chung, nên việc hưởng ưu đãi từ phía các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và việc cho hưởng ưu đãi từ phía các cơ quan nhà nước còn chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

Do đó, ông Tuấn đề nghị Chính phủ xem xét đánh giá hiệu quả thực thi của Nghị định 39/2018/NĐ-CP. Trong đó nên có một chỉ tiêu đánh giá liên quan tới doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.

Tỷ lệ có lãi ở doanh nghiệp phụ nữ làm chủ là 64% và cao hơn tỷ lệ 63% ở doanh nghiệp do nam làm chủ. Khó khăn của các chủ doanh nghiệp nữ thường gắn liền với yếu tố về giới, tiếp cận nguồn lực, thông tin, kiến thức, kỹ năng và mạng lưới kinh doanh. Báo cáo cũng cho thấy quy mô vốn doanh nghiệp càng tăng thì tỷ lệ đơn vị do phụ nữ làm chủ càng thấp.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh