CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:08

Tuyệt đối không để người dân đói, khát sau mưa lũ

 

Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, trong những năm qua, Quảng Ninh thường xuyên hứng chịu những cơn bão lớn nên công tác ứng phó với mưa bão luôn được quán triệt và tổ chức thực hiện nhanh, hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, do đợt mưa vừa qua quá lớn và kéo dài nên đã gây thiệt hại lớn trên địa bàn. Quyết liệt, tập trung chỉ đạo, trong những ngày qua cả hệ thống chính trị đã gác lại mọi công việc để khắc phục hậu quả mưa lụt. Hiện tỉnh đang tập trung giải quyết 4 nhóm nhiệm vụ lớn, đó là: nhà ở đối với người dân bị ngập lụt, sập nhà; đảm bảo giao thông thông suốt và vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với tỉnh Quảng Ninh, sự chia sẻ, ủng hộ của nhân dân cả nước. Đây là sự động viên khích lệ rất lớn toàn tỉnh Quảng Ninh quyết tâm khắc phục nhanh nhất hậu quả do thiên tai gây ra.

Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết những khó khăn cho ngành Than để sớm ổn định sản xuất; chỉ đạo Bộ GTVT cùng với tỉnh Quảng Ninh giải quyết các sự cố về liên quan đến giao thông, đặc biệt là vấn đề xây kè, xử lý các taluy bị sạt lở; chỉ đạo Bộ Công Thương có giải pháp hỗ trợ về điện cho tỉnh; đồng ý với tỉnh về xây dựng đề án di dân đối với những khu vực nguy hiểm về úng ngập, sạt lở…

Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Trước những thiệt hại vô cùng lớn, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chính phủ quan tâm ứng nguồn 100 tỷ đồng cho tỉnh, để tỉnh kịp thời khắc phục khó khăn về hạ tầng giao thông; hỗ trợ thêm 2 xuồng cao tốc; 50 nhà bạt; 100 tấn gạo dự trữ hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng; hỗ trợ nguồn lực phục vụ di dân hoàn toàn đến nơi ở mới cho 27 hộ dân tại Bản Sen (Vân Đồn), 29 hộ dân khu K4 (Mông Dương, Cẩm Phả), 229 hộ dân sống tại chân bãi thải Đông Cao Sơn, bãi thải Xí nghiệp 790- Tổng Công ty Đông Bắc.

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc xử lý những sự cố do mưa lũ gây ra, đảm bảo cao nhất an toàn về người, tài sản, sức khỏe cho người dân. Các đồng chí nhận định, tình hình diễn biến thời tiết ở Quảng Ninh vẫn còn tương đối phức tạp, tỉnh cần chủ động theo dõi và có phương án ứng phó. Để công tác phối hợp được tốt hơn, đại diện các Bộ, ngành cũng đề nghị tỉnh Quảng Ninh thường xuyên thông tin tình hình của tỉnh đến các Bộ, ngành để sớm có phương án hỗ trợ. Đồng thời, khuyến cáo tỉnh cần tăng cường giám sát an toàn tại các hồ đập, các bãi đổ thải than trên địa bàn tỉnh; tập trung chỉ đạo khắc phục ngay xử lý các điểm nguy cơ cao về sạt lở.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ với những khó khăn, mất mát tỉnh Quảng Ninh gặp phải trong những ngày qua; đồng thời, biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh cùng các bộ, ngành, các lực lượng quân đội trong việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, giảm bớt thiệt hại trên địa bàn. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ninh tuyệt đối không được để người dân đói, khát sau sự cố mưa lũ vừa qua; cần tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ; đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh đường phố, đề phòng dịch bệnh; huy động các lực lượng sửa chữa nhà cho dân; tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi nhân dân. Cùng với đó, theo dõi diễn biến thời tiết để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra tình huống mới. 



Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần đảm bảo giao thông, vận tải cho nhân dân và khách du lịch, yêu cầu Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo cụ thể để hỗ trợ kịp thời cho tỉnh Quảng Ninh trong vấn đề này. Bộ Công thương chỉ đạo ngành điện đảm bảo nguồn điện cho nhân dân, chỉ đạo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đảm bảo an toàn hầm lò, xem xét các phương án đối với khu vực nguy hiểm xảy ra. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra bãi thải tại Công ty cổ phần than Hà Tu. 

Phó Thủ tướng đồng ý với chủ trương của tỉnh Quảng Ninh thực hiện di dời một số khu dân cư, xem xét quy hoạch dân cư tại một số vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở như: tại một số thôn, bản, vùng sâu hay tại các bãi thải của ngành than, từ đó có những phương án kế hoạch cụ thể lâu dài; đề nghị ngành than nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo khôi phục sản xuất. Bộ Tài chính tập hợp các kiến nghị, đề xuất, sớm trình Chính phủ giải quyết kịp thời cho tỉnh Quảng Ninh; trong đó, tập trung giải quyết vấn đề hạ tầng mà tỉnh Quảng Ninh đề nghị. Phó Thủ tướng mong muốn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chủ động, sáng tạo, đoàn kết, sớm vượt qua khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. 

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh ủng hộ Quảng Ninh khắc phục hậu quả mưa lụt.

Tại buổi gặp gỡ, thăm hỏi, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành nêu khuyến cáo để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề phòng các nguy cơ mới có thể xảy ra do tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các khu vực chân bãi thải, các hồ đập, khu vực đồi núi dễ sạt lở. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, đề nghị Quảng Ninh hỗ trợ cho người lao động, công nhân ngành than phải tạm dừng sản xuất trong thời gian vừa qua và nhiều ngày tới. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, động viên Cán bộ, công nhân Công ty than Hà Tu khắc phục hậu quả mưa lụt. 

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, tính đến 16 giờ ngày 31/7, mưa lớn kéo dài 5 ngày qua trên địa bàn đã khiến 17 người chết, 28 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, gần 6.000 ngôi nhà bị ngập lụt; hàng nghìn ha lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thuỷ sản chìm trong nước; nhiều hầm lò bị ngập, trôi than. Thiệt hại về tài sản khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó riêng ngành than thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng. UBND Quảng Ninh đề nghị được hỗ trợ 100 tấn gạo để đảm bảo lương thực chống đói cho người dân, 2 xuồng cao tốc, 50 nhà bạt và trước mắt là 100 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp hệ thống giao thông huyết mạch. Đồng thời hỗ trợ nguồn lực để phục vụ di dân hoàn toàn đến nơi ở mới cho 27 hộ dân tại Bản Sen (Vân Đồn), 29 hộ dân ở Mông Dương (Cẩm Phả), hơn 200 hộ dân chân bãi thải Đông Cao Sơn. 

Sau mưa lũ, đã có rất nhiều đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm cứu trợ, hỗ trợ thiết thực cho người dân Quảng Ninh. Tính đến 16 giờ ngày 31/7, đã có 175 tổ chức, đơn vị đăng ký ủng hộ với số tiền trên 51 tỷ đồng. 
Hiện nay, Quảng Ninh vẫn đang khẩn trương tiến hành các công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, bố trí các lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống mới. Các khu vực nước đã rút tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường, khử trùng tiêu độc đề phòng dịch bệnh, ổn định cuộc sống nhân dân.

Quý Đức

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh