THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:14

Tuyên Quang: Xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em

Triển khai thực hiện Quyết định 234/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, Sở LĐ-TB&XH ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hàng năm, trong đó lồng ghép các nội dung liên quan đến phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Tuyên Quang: Xây dựng Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em - Ảnh 1.

Các trường phối hợp lực lượng công an tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích.

Đặc biệt, Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Kịp thời chuyển tải các tài liệu tuyên truyền trong phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng đối tượng cụ thể như sách báo, tranh ảnh, pano, apphích, tờ gấp...đến cơ sở. Sở Y tế tổ chức các chiến dịch truyền thông về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước, tai nạn giao thông. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng sơ cứu ban đầu, tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho người bị tai nạn thương tích cho cán bộ làm công tác y tế tại phường xã và các trường học.

Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em theo các chủ đề phù hợp với từng nhóm đối tượng; phối hợp trạm y tế xã, phường, thị trấn tập huấn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ quản lý các cấp, Bí thư Đoàn Thanh niên, Tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm lớp, cộng tác viên, tình nguyện viên, cán bộ phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và nhân viên y tế trường học về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và sơ cứu, cấp cứu ban đầu; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kĩ năng chăm sóc, giáo dục trẻ, phòng tránh tai nạn thương tích cho người chăm sóc trẻ, các bậc cha mẹ và cộng đồng…

Thực hiện quyết định số 548/QĐ- LĐTBXH ngày 6/5/2011 của Bộ LĐ-TB&XH về việc ban hành tiêu chí Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, Sở LĐ-TB&XH tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, nhà trường, gia đình trong việc xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Phòng ngừa các nguy cơ có thể gây tai nạn thương tích, đặc biệt là giảm đến mức thấp nhất các loại tai nạn thương tích ở trẻ em tại gia đình trong sinh hoạt hàng ngày và tử vong do đuối nước đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn.

Công tác truyền thông được tổ chức thường xuyên đến tận hộ gia đình và trẻ em thực hiện nội dung tiêu chí Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, nhất là đuối nước ở trẻ em và trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến xã phường, thị trấn. Thông qua mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại các xã có nhiều nguy cơ tử vong do đuối nước bằng các hình thức như: phát tờ rơi, áp phích, bảng kiểm tiêu chí Ngôi nhà an toàn cho hộ gia đình, cộng tác viên tự đánh giá đạt, không đạt Ngôi nhà an toàn.

Công tác tuyên truyền, tư vấn, lồng ghép vào các cuộc họp tổ, nhóm của đoàn thể, buổi sinh hoạt dưới cờ trong trường học và sinh hoạt Câu lạc bộ trẻ em, đồng thời hướng dẫn gia đình biết cách làm cho Ngôi nhà của mình an toàn hơn cho con em mình. Phát động gia đình đăng ký và tham gia thực hiện các tiêu chí Ngôi nhà an toàn; phòng ngừa tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em tại các xã, phường, thị trấn, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất trẻ em bị tai nạn thương tích.

Cùng với đó, Tuyên Quang triển khai xây dựng Trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Thực hiện Quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tại nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, môi trường "học bằng chơi" cho trẻ tại trường, lớp mầm non, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ. Kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm và thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tại các cơ sở giáo dục mầm non, các trường nội trú và các phổ thông có tổ chức ăn bán trú, có bếp ăn, có căng tin. Tích cực tổ chức sân chơi trí tuệ cho học sinh thông qua các hội thi, ngày hội, các buổi ngoại khóa và sinh hoạt câu lạc bộ, các cuộc thi….

Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan, các tổ chức đoàn thể triển khai các hoạt động can thiệp, cải tạo môi trường học tập, vui chơi nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn, thương tích trong trường học. Rà soát và hoàn thiện các tiêu chuẩn Trường học an toàn. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công nhận các trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh