Cần những giải pháp mạnh mẽ, thiết thực để thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em
- Dược liệu
- 18:02 - 08/05/2020
Chỉ thị phải trở thành mệnh lệnh nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Trong những năm qua, công tác trẻ em luôn được Đảng, Chính phủ và cả xã hội cùng quan tâm, dành nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em. Để tăng cường các biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH chuẩn bị Chỉ thị về tăng cường các biện pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, Việt Nam được Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đánh giá là một điểm sáng trên thế giới về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. "Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, thì rất cần quan tâm tới mặt tối của bức tranh toàn cảnh về trẻ em tại Việt Nam, đó là tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em. Đây là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội và gần đây tình trạng này đang gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng yêu cầu: "Chỉ thị không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà là một mệnh lệnh từ Thủ tướng nhằm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội về vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Chỉ thị của Thủ tướng sẽ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, đồng thời nêu lên những giải pháp mạnh, thiết thực hơn để giải quyết vấn đề này".
Bộ trưởng cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan, một số chuyên gia trong nước và quốc tế để thực hiện yêu cầu xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng đề nghị các đại biểu thảo luận và làm rõ những nội dung chi tiết của Chỉ thị, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan, địa phương... tập trung vào quyền trẻ em để bảo vệ trẻ em và giảm bớt đi tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em. Từ đó, tìm nguyên nhân chính của tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm tìm ra giải pháp căn cơ nhất sát với thực tiễn.
Vai trò cốt lõi trong công tác bảo vệ trẻ em là gia đình
Tại phiên họp, các đại biểu đã chia sẻ nhiều nội dung, trong đó nêu cao vai trò cốt lõi trong công tác bảo vệ trẻ em là gia đình. Gia đình ở đây là cha mẹ và người thân trong gia đình của trẻ em, cộng đồng bao gồm những cán bộ bảo vệ trẻ em tại địa phương. Các đại biểu cũng đề xuất ưu tiên công tác phòng ngừa, phát hiện sớm và ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trong cộng đồng. Đồng thời nhấn mạnh tới trách nhiệm người đứng đầu và đạo đức công vụ là hai yếu tố chính để đảm bảo thực hiện hiệu quả quyền và lợi ích của trẻ em. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng công tác phối hợp liên ngành còn chưa được hiệu quả và cần có những hướng dẫn cụ thể hơn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Bộ LĐ-TB&XH với tinh thần cầu thị cao nhất sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Bộ trưởng giao các đơn vị chuyên môn tiếp thu những ý kiến đóng góp tại cuộc họp và khẩn trương chuẩn bị hoàn thiện nội dung của Chỉ thị để trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tầm quan trọng của Chỉ thị này thậm chí có thể định hướng cho cả việc ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 -2030.
Về những nội dung quan trọng trong công tác thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhất trí với những ý kiến đóng góp của các đại biểu khi đã nêu lên được những nguyên nhân chủ quan cốt yếu nhất đó là công tác quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, một số nơi đã buông lỏng quản lý. Tuy nhiên điều Bộ trưởng nhấn mạnh đó là sự buông lỏng quản lý không chỉ xảy ra đối với các cấp chính quyền mà cả một bộ phận các gia đình và cơ quan trường học, các cơ sở giáo dục. Tiếp đến là công tác phối hợp của các cơ quan thực sự còn có vấn đề, mạnh ai người đấy làm và khi xảy ra vấn đề thì chỉ lên tiếng mà thôi chứ không nêu rõ trách nhiệm đến đâu. Đồng thời, cần thay đổi phương pháp truyền thông một cách căn bản.
Một khảo sát nhanh của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện gần đây cho thấy, ở vùng nông thôn, trên 40% người lớn không biết về Luật Trẻ em, chưa biết tới trẻ em có quyền gì, Luật Trẻ em nói cái gì, tuyệt đại bộ phận trẻ em nông thôn hiện nay không biết được mình có quyền gì. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu: "Cần phải thay đổi hoàn toàn về truyền thông, thậm chí nhấn mạnh cần có khung giờ vàng để dành cho trẻ em trên các phương tiện truyền hình ở Trung ương và các đài địa phương. Chỉ cần 15 phút trong khung giờ này sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong công tác thực hiện quyền và bảo vệ trẻ em trên cả nước".
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu kể cả trong gia đình, địa phương trong việc thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng cần phải đưa các tiêu chí về bảo vệ trẻ em thành một trong những tiêu chí đánh giá nông thôn mới để nâng cao nhận thức của người đứng đầu tại địa phương. Các đơn vị phải quyết liệt tập trung làm rõ một số việc chi tiết, thể hiện tính cương quyết trong Chỉ thị này.