THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:44

Tuyên Quang: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em

Nhiều sở, ban, ngành cùng vào cuộc để phòng, chống đuối nước trẻ em

Từ năm 2015 đến năm 2018, Sở LĐ-TB&XH Tuyên Quang chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 06 lớp dạy bơi cho 180 trẻ em trên địa bàn Thành phố Tuyên Quang. Kết thúc lớp bơi 100% trẻ em biết bơi, được trang bị kỹ năng bơi, kiến thức phòng, ngừa tai nạn thương tích do đuối nước. Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 28 bể bơi đơn giản phục vụ nhân dân, đặc biệt là các lớp dạy bơi cho trẻ em trong dịp hè, góp phần tạo sân chơi bổ ích, nâng cao sức khỏe, phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Tuyên Quang: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em - Ảnh 1.

Trẻ em được học các kỹ năng an toàn dưới nước để phòng, chống tai nạn thương tích.

Năm 2019, Sở VH-TT&DL tham mưu UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước tỉnh Tuyên Quang với sự tham gia của 52 vận động viên của 6 đoàn trên địa bàn tỉnh thi đấu ở nội dung bơi ếch và bơi tự do. Tổ chức Lễ đã tuyên truyền, vận động toàn dân tích cực tập luyện môn bơi nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực cho trẻ em và cộng đồng.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, chương trình phòng, chống đuối nước và dần tiếp cận, triển khai thực hiện chương trình bơi an toàn trong các nhà trường. Tham gia các lớp tập huấn phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức. Phối hợp trường Đại học Tân trào tổ chức tập huấn chương trình phòng, chống tai nạn đuối nước, bơi an toàn cho cán bộ phụ trách công tác trẻ em của các phòng GD&ĐT, giáo viên giảng dạy thể dục các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh. Phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc dạy bơi, kỹ năng bơi an toàn cho học sinh. Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị vận động, khuyến khích gia đình học sinh đưa con học bơi tại các hồ bơi tư nhân, đảm bảo học sinh biết các kỹ năng an toàn dưới nước càng sớm càng tốt.

Để làm tốt công tác phòng ngừa nguy cơ tai nạn thương tích, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng và Công an các huyện, thành phố rà soát các khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra đuối nước để đặt biển báo nguy hiểm, làm rào chắn. Kiểm tra các bến đò ngang sông, kết hợp tuyên truyền hướng dẫn cách phòng tránh tai nạn trong mùa mưa lũ; kiểm tra an toàn các bể bơi dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các phương án cứu hộ, cứu nạn và duy trì quân số thường trực đảm bảo, sẵn sàng ứng phó khi có các sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước"; Chương trình hành động "Vì an toàn trẻ em trên sông nước". Hằng năm, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp tổ chức tập huấn công tác cứu nạn, cứu hộ trên sông cho cán bộ chiến sỹ Công an Tuyên Quang.

Tăng cường các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ tai nạn, thương tích trẻ em

Ban Điều hành Bảo vệ trẻ em và Nhóm công tác liên ngành Bảo vệ trẻ em cấp tỉnh được thành lập và xây dựng quy chế hoạt động. Hàng năm, xây dựng Kế hoạch và phối hợp tổ chức thực hiện công tác Bảo vệ trẻ em và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em bằng nhiều giải pháp đồng bộ.

Sở LĐ-TB&XH thực hiện tốt công tác chủ trì, phối hợp liên ngành trong thực hiện công tác trẻ em nói chung và công tác phòng, chống tai nạn thương tích nói riêng. Đặc biệt trong dịp học sinh nghỉ hè, nghỉ học trong dịp phòng, chống dịch Covid-19 về sinh hoạt tại cộng đồng, các cấp, các ngành đã phối hợp và tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí; Sở LĐ-TB&XH; các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác trẻ em thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Đặc biệt, công tác theo dõi, giám sát, đánh giá về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em chú trọng. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Phòng chống bệnh tật phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan trong việc giám sát, kiểm tra và đề xuất các giải pháp kịp thời trong công tác phòng chống tai nạn, thương tích. Sở GD&ĐT phối hợp ngành Y tế tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức khám và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh các nhà trường. Công tác đảm bảo an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.... Qua kiểm tra, giám sát tư vấn cho các đơn vị tháo gỡ những vướng mắc, đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ trong các cơ sở giáo dục.

Sở VH-TT&DL thường xuyên thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch góp phần đảm bảo các yếu tố an toàn cho trẻ em khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Công an tỉnh thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống cháy, nổ, thoát nạn tại các trường học, các khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em được 510 lượt, lập 510 biên bản kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc khắc phục, thực hiện bổ sung các quy định về phòng, chống cháy, nổ, thoát nạn tại các trượng học nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn, thương tích trẻ em liên quan đến phòng chống cháy, nổ.

Tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh từ 1/01/2016 đến tháng 3 năm 2020 có 4.376 trẻ em bị tai nạn thương tích. Trong đó: 2.032 trẻ bị ngã, 115 trẻ bị bỏng/cháy, 899 trẻ bị tai nạn giao thông, 52 trẻ bị ngộ độc các loại, 33 trẻ bị ngạt thở, 33 trẻ bị hóc nghẹn, 568 trẻ bị súc vật cắn, 61 trẻ bị đuối nước, 1 trẻ bị điện giật và 615 trẻ bị các tai nạn thương tích khác.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh