THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:04

Tuyên Quang nỗ lực giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

 

Huấn luyện an toàn cho người lao động

 

Ông Lê Văn Háu, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Nhằm tăng cường công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành pháp luật về lĩnh vực này, như: Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch tổ chức triển khai Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN hàng năm (nay chuyển thành Tháng hành động về ATVSLĐ); Các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật ATVSLĐ... Đồng thời phối hợp với các ban, ngành chức năng trong tỉnh theo dõi, chỉ đạo sâu sát hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp; thường xuyên tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động, từ đó có ý thức phòng ngừa TNLĐ, nhất là đối với các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ như sử dụng điện, làm việc trên cao... Nhiều hình thức tuyên truyền phong phú được triển khai như: tổ chức Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cấp phát tờ rơi, tranh ảnh, áp phích, tài liệu tuyên truyền; tổ chức hội thi tuyên truyền viên giỏi về ATVSLĐ; xây dựng góc tuyên truyền BHLĐ tại doanh nghiệp; phát động các doanh nghiệp xây dựng phong trào “Xanh - sạch - đẹp - bảo đảm ATVSLĐ”; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm những quy định về ATVSLĐ; tổ chức trao tặng Cờ thi đua, Bằng khen, Giấy khen cho các đơn vị thực hiện tốt công tác này.

Trong năm 2016, toàn tỉnh đã phát hành trên 6.500 tài liệu tuyên truyền về công tác ATVSLĐ và PCCN; Trong thời gian tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ, Sở LĐTBXH, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã treo trên 1.568 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động về công tác ATVSLĐ; Tổ chức 03 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động cho trên 180 người lao động tại các doanh nghiệp nhà nước và 02 hội nghị cho 100 người sử dụng lao động, giới thiệu về những quy định, văn bản mới về pháp luật lao động và công tác ATVSLĐ. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo cán bộ quản lý và người lao động trong các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp.

Công tác huấn luyện ATVSLĐ cũng được chú trọng, thực hiện Chương trình quốc gia về ATVSLĐ, trong năm, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức 21 hội nghị huấn luyện ATVSLĐ cho 1.070 người lao động, cán bộ làm công tác an toàn lao động, người sử dụng lao động và cán bộ quản lý nhà nước, trong đó tập trung vào các lĩnh vực, như: Khai thác khoáng sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng... Bên cạnh đó, trên cơ sở nội dung của tài liệu huấn luyện về ATVSLĐ do Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cung cấp, Sở đã biên soạn, chỉnh sửa, in phát hành hàng ngàn cuốn tài liệu huấn luyện tới người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh, thông qua các tài liệu cung cấp và các lớp huấn luyện do Sở tổ chức nhiều doanh nghiệp đã có cán bộ giảng viên an toàn, vệ sinh lao động tại chỗ.

Công tác phối hợp liên ngành, liên cơ quan trong thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ cũng được tăng cường, trong đó tập trung vào các đơn vị, doanh nghiệp có nguy cơ cao về mất an toàn lao động, như: Khai thác đá, xây dựng, cơ khí, sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động… Năm 2016, toàn tỉnh đã tổ chức 05 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 42 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số doanh nghiệp, cơ sở thực hiện chưa đúng, chưa đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, còn vi phạm các chế độ, tiêu chuẩn đối với người lao động, chưa thực sự quan tâm cải thiện điều kiện lao động và môi trường làm việc... Các đoàn thanh tra đã thực hiện xử lý vi phạm hành chính với số tiền 102,5 triệu đồng.

Năm qua, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, Trung tâm y tế các huyện, thành phố và các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động tại 61 đơn vị, doanh nghiệp; khám sức khỏe định kỳ cho trên 5.359 người lao động; kiểm tra vệ sinh lao động tại 172 cơ sở, doanh nghiệp; khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại 03 doanh nghiệp.

Công tác phòng chống cháy nổ được quan tâm đặc biệt, trong thời gian diễn ra Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, kiểm tra về công tác phóng cháy chữa cháy tại khu công nghiệp, các doanh nghiệp và khu đông dân cư. Cụ thể đã tổ chức tuyên truyền tại 97 thôn bản, tổ dân phố thu hút 9.082 lượt người tham gia; tổ chức 04 lớp huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy cho 250 người ở các đơn vị, doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh; phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng xây dựng và đăng phát các phóng sự, tin bài về phòng cháy chữa cháy.

Thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có ý thức trong thực hiện những quy định của pháp luật về ATVSLĐ, như: đã quan tâm kiện toàn, tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ATVSLĐ; phân định rõ chế độ tránh nhiệm của các bộ phận, phòng ban trong công tác ATVSLĐ. Công tác huấn luyện ATVSLĐ được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện, với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, đề cao ý thức tự kiểm tra một cách thường xuyên để chủ động phát hiện các sai phạm, những nguy cơ mất an toàn. Một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động, bảo đảm an toàn trong sản xuất, như: sử dụng băng chuyền, băng tải để vận chuyển nguyên nhiên vật liệu; sử dụng máy khoan thủy lực trong khai thác đá; sử dụng hệ thống phun sương để hạn chế bụi... Các chế độ, chính sách đối với người lao động như: khám sức khỏe định kỳ, bồi dưỡng hiện vật, bồi thường, trợ cấp TNLĐ... đã được nhiều doanh nghiệp, cơ sở quan tâm thực hiện. Đời sống vật chất, tinh thần của người lao động từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ-PCCN ở Tuyên Quang thời gian qua cũng còn một số hạn chế, như: Việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ của một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập còn chưa tốt; Ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ của người lao động còn hạn chế, vẫn còn tình trạng chủ quan, làm bừa, làm ẩu, vi phạm quy trình, quy định về ATVSLĐ; Công tác giám sát của tổ chức công đoàn cơ sở về ATVSLĐ chưa thường xuyên, còn nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; Công tác tự kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ ở một số doanh nghiệp chưa thường xuyên... Những hạn chế nêu trên cũng chính là nguyên nhân khiến TNLĐ vẫn tiếp tục xảy ra. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 26 vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm chết 8 người và 16 người bị thương nặng.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, hạn chế đến mức thấp nhất TNLĐ và BNN có thể xảy ra, trong thời gian tới, Tuyên Quang sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các sai phạm dễ dẫn đến TNLĐ, việc không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ khai báo, thống kê, báo cáo TNLĐ.

  

PHƯƠNG MINH - NGUYỄN HIỀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh